Xung Đột Lợi Ích Giữa Hoạt Động Ngân Hàng Thương Mại Và Hoạt Động Chứng Khoán Của Ngân Hàng (Phần II)

Unknown
14/03/2015 - 23:50 12704     0

Tiếp theo phần I - một cái nhìn khái quát về rủi ro của xung đột lợi ích giữa nghiệp vụ ngân hàng thương mại và hoạt động chứng khoán của các ngân hàng, phần II của bài viết sẽ đưa ra các kinh nghiệm phòng chống rủi ro này

 

Mối quan hệ giữa cổ đông ngân hàng và người gửi tiền (người cho vay)

Ngân hàng là một tổ chức tài chính trung gian mượn tiền và cho vay tiền, và cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Ngân hàng mượn tiền bằng cách nhận tiền gửi trên các tài khoản tiền gửi vãng lai, tiền gửi có kỳ hạn hoặc phát hành các chứng khoán nợ. Ngân hàng cho vay bằng cách dùng tiền gửi và vốn tự có của mình cho vay đến các cá nhân và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức, hoặc đầu tư vào các loại chứng khoán. Các nghiên cứu về tài chính ngân hàng xếp mối quan hệ giữa người gửi tiền và ngân hàng là mối quan hệ tín thác (principal – agent relationship). Trong đó người gửi tiền là người ủy nhiệm (principal) và ngân hàng là người được ủy nhiệm (agent). Điều đó nói lên rằng mối quan hệ này đặt nền tảng rất lớn lên niềm tin của người gửi tiền vào ngân hàng.

Về phía người gửi tiền, họ quan tâm đến nhiều vấn đề: họ có được đảm bảo một cách hợp lý để được nhận lại tiền họ đã gửi khi họ muốn hay không? Cơ chế nào mà họ có thể có được để bảo vệ quyền lợi của họ? Để có thể kiểm soát được hành vi sử dụng tiền của ngân hàng? Các biện pháp bảo đảm nào các cổ đông ngân hàng và các nhà quản trị ngân hàng đưa ra để đảm bảo an toàn cho người gửi và giữ chân người gửi? Nghĩa là sự quan tâm cơ bản của người gửi tiền việc nhận lại cuối cùng khoản tiền gửi của họ và các khoản lãi đã được cam kết. So với các chủ nợ trên các thị trường khác, các khách hàng gửi tiền của ngân hàng ở vị thế hưởng lợi tương đối ít từ sự tăng trưởng nhanh của ngân hàng hoặc việc theo đuổi các khoản lợi nhuận tương đối rủi ro. Mặt khác, người gửi tiền lại phải chịu phần lớn thiệt hại nếu ngân hàng hỏng.

Về phía cổ đông ngân hàng, ngân hàng là loại hình tổ chức kinh doanh có đòn cân nợ rất cao, 94 đến 95% vốn hoạt động của nó là từ tiền gửi. Hay nói cách khác, động cơ của các cổ đông là muốn tối đa hóa lợi ích trên vốn tự có của mình bằng cách sử dụng đòn cân nợ. Điều này có nghĩa là khi một lượng lớn vốn hoạt động được huy động từ nợ, những người chủ ngân hàng có động cơ thực hiện các khoản đầu tư hứa hẹn sự hoàn lại cao, thậm chí khả năng thu hồi khoản thanh toán lại cuối cùng tương đối thấp. Những người cho ngân hàng mượn tiền chỉ nhận một khoản lời cố định trên khoản tiền gửi của họ vào ngân hàng, trong khi người chủ ngân hàng giữ lại phần lớn khoản lời trên các đầu tư thành công và chia sẻ phần lớn thất bại của ngân hàng với người gửi tiền.

Khuynh hướng chấp nhận rủi ro cao này đối với các tổ chức có đòn cân nợ cao như ngân hàng đặc biệt đúng với các ngân hàng cổ phần. Như vậy, bằng các khoản đầu tư giới hạn, nhưng các cổ đông có nhiều khả năng tốt để đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình vào các doanh nghiệp khắc các ngành khác nhau hơn là vào một ít doanh nghiệp riêng lẻ. Và, trong khi các cổ đông không muốn ngân hàng thất bại, họ có động cơ khuyến khích chấp nhận rủi ro từ phía các nhà quản trị ngân hàng, vì họ muốn tìm kiếm sự tối đa hóa lợi nhuận mà họ mong đợi. Đòn cân nợ một ngân hàng càng cao, nó càng có nhiều khả năng hơn để theo đuổi các rủi ro.

Những mâu thuẫn trên đây rất dễ dẫn đến khủng hoảng niềm tin của người gửi tiền vào ngân hàng và vào các cổ đông của nó. Nếu người gửi tiền không thỏa mãn với ngân hàng và rút tiền ra khỏi ngân hàng và đóng tài khoản tiền gửi ngân hàng, thì cuộc rút chạy này dẫn đến sự thất bại cho ngân hàng trong ngắn hạn nếu không có sự can thiệp của chính quyền, một điều mà các cổ đông ngân hàng rất khó chịu. Bởi vì các hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng này, người ta mong đợi các cổ đông và các nhà quản trị ngân hàng phải đồng ý và nỗ lực phát triển các điều kiện bảo vệ và tái bảo đảm cho người gửi tiền.

Kinh nghiệm thế giới trong việc phòng chống các rủi ro này

Do vậy, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền là những vấn đề lớn. Nhà nước là người có vai trò to lớn trong việc làm giảm nhẹ xung đột các lợi ích này. Thông qua công cụ luật pháp và các công cụ kinh tế tài chính, nhà nước giúp ngăn chặn sự mạo hiểm quá mức của các ngân hàng mà cuối cùng chuyển rủi ro đến những người cho ngân hàng vay tiền. Về khía cạnh này, các cơ quan quản lý quản lý nhà nước ngành ngân hàng là người hành động đứng về phía người gửi tiền. Cho đến nay, có thể thấy kinh nghiệm của thế giới trong việc quản lý các xung đột như sau:

1 - Thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi: Bảo hiểm tiền gửi là một hệ thống được thiết lập bởi chính quyền để bảo vệ người gửi tiền cho sự mất mát tiền gửi của họ trong trường hợp một tổ chức thành viên của hệ thống mất khả năng thực hiện nghĩa vụ của nó với người gửi tiền. Các ngân hàng phải đóng phí bảo hiểm để tài trợ cho hệ thống này. Việc tài trợ cho hệ thống này bảo đảm rằng tổ chức trung gian sẽ quản lý nó một cách có trách nhiệm về mặt tài chính. Đồng thời tổ chức trung gian cũng còn có thể đảm bảo rằng nó có đủ vốn hoạt động cần thiết để giải quyết nhanh chóng các hỏng hóc của ngân hàng. Và việc trả phí tài trợ cho hệ thống bảo hiểm sẽ cho các ngân hàng thành viên một động cơ theo dõi hoạt động của hệ thống để đảm bảo lành mạnh và có trách nhiệm về mặt tài chính.

2 - “Lưới an toàn” tài chính: Bảo hiểm tiền gửi chỉ là một thành phần của hệ thống lưới tài chính. Nó chưa đủ bảo đảm cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Hệ thống “lưới an toàn” tài chính nhằm duy trì tính ổn định của hệ thống tài chính bằng cách bảo vệ các chức năng trung gian tài chính quan trọng của ngân hàng (huy động tiết kiệm cho đầu tư và phát triển kinh tế) và vai trò của ngân hàng trong hệ thống thanh toán quốc gia. Một cách điển hình, ngoài bảo hiểm tiền gửi, một hệ thống “lưới an toàn” cũng còn bao gồm cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương để đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Ở Mỹ, hỗ trợ tính thanh khoản diễn ra dưới hai hình thức: (i) cho vay ngắn hạn có thế chấp để cung cấp tiền mặt cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán khi chúng gặp có vấn đề về thanh khoản ngắn hạn; hoặc thậm chí (ii) cho vay thấu chi ngắn hạn để đảm bảo cho sự hoạt động suôn sẻ của hệ thống thanh toán.

Vai trò của bảo hiểm tiền gửi là giữ ổn định hệ thống tài chính trong trường hợp hỏng hóc các ngân hàng bằng cách bảo đảm cho người gửi tiền được tiếp cận ngay tiền vốn đã được bảo hiểm của họ, nhờ vậy làm giảm động cơ tháo chạy khi ngân hàng có sự cố. Bằng cách hạn chế các cuộc tháo chạy, bảo hiểm tiền gửi có thể giúp tránh được sự hoảng loạn lan tràn khắp hệ thống tài chính. Các cuộc hoảng loạn như vậy đe dọa đến cả các ngân hàng lành mạnh lẫn các ngân hàng đang gặp rắc rối.

3 - Giám sát ngân hàng: Ngân hàng trung ương và hệ thống bảo hiểm tiền gửi chỉ có thể hỗ trợ các ngân hàng mất khả năng thanh toán tham gia vào các hoạt động rủi ro làm hại đến sự lành mạnh của hệ thống tài chính. Sự giám sát cẩn trọng, bao gồm giám sát tại chỗ thông qua thanh tra và giám sát từ xa thông qua báo cáo tài chính thường xuyên sử dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế đã được thừa nhận, là tai và mắt của ngân hàng trung ương và hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Nó giúp việc xác định ngân hàng nào vỡ nợ hoặc chỉ tạm thời mất khả năng thanh toán dễ dàng hơn. Không có sự giám sát cẩn trọng hiệu quả, hệ thống bảo hiểm tiền gửi và các thành phần khác trong hệ thống “lưới an toàn” bảo vệ các ngân hàng thiếu thận trọng khỏi thua lỗ mà họ có thể gánh chịu từ việc đánh bạc tài sản của họ với hy vọng lợi nhuận hoàn lại cao.

Một quốc gia cần chính trị sẽ thiết lập một hệ thống giám sát hiệu quả, và mong muốn đạt được niềm tin trên các thị trường tài chính quốc tế có thể là một động cơ mạnh mẽ. Nó cũng cần các chuyên gia đào tạo về giám sát ngân hàng để triển khai hệ thống mới. Những nơi đào tạo nên những chuyên gia này có thể là ở các tổ chức khác nhau ở các quốc gia phát triển cũng như các tổ chức tài chính quốc tế.

Các tiêu chuẩn về vốn là một nhân tố quyết định sự thành công của hệ thống giám sát ngân hàng lành mạnh. Vốn mạnh làm một bước đệm chống lại các rắc rối và tăng chi phí đầu cơ và các hành vi rủi ro vì các nhà đầu tư mất nhiều hơn nếu một ngân hàng thất bại. Trong khi vốn mạnh là một nhân tố rất quan trọng, nhưng chính tự nó không giúp một ngân hàng tránh được thất bại. Các tài sản đang bị vấn đề có thể quét sạch vốn của ngân hàng một cách nhanh chóng. Hơn nữa, các ngân hàng mới thành lập chưa có kết quả hoạt động và ban quản trị của nó còn thiếu kinh nghiệm rủi ro hơn các ngân hàng đã vững chắc; các ngân hàng đang hoạt động trong các nền kinh tế đang chuyển đổi hay đang phát triển chưa có kinh nghiệm thị trường thậm chí còn rủi ro hơn rất nhiều.

Kết luận

Mối quan hệ giữa ngân hàng mẹ và công ty chứng khoán con và xung đột lợi ích giữa người gửi tiền và cổ đông ngân hàng có thể làm tổn hại đến sự ổn định và khỏe mạnh của hệ thống tài chính. Tuy nhiên sự tồn tại các mối quan hệ này cũng đem lại lợi ích kinh tế cho nhiều bên. Chính phủ là người đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các mâu thuẫn lợi ích này trong khi vẫn phải đảm bảo cho nó hoàn thành các chức năng quan trọng của hệ thống tài chính đối với nền kinh tế.

Mời bạn xem Phần I bài viết: Xung Đột Lợi Ích Giữa Hoạt Động Ngân Hàng Thương Mại Và Hoạt Động Chứng Khoán Của Ngân Hàng (Phần I)

Nguồn : Saga Tổng hợp & Biên tập
Unknown