Hệ thống tài chính được ví như mạch máu cho nền kinh tế của một quốc gia. Hiểu được các yếu tố nền tảng quyết định đến sự tồn tại và khỏe mạnh cho nó có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong các yếu tố nền tảng đó, sự hiểu biết bản chất của các mối xung đột lợi ích giữa các bên tham gia vào hệ thống là hết sức quan trọng. Nó giúp hướng dẫn các nhà quản lý quốc gia, các doanh nhân kinh doanh lĩnh vực tài chính có thể có những hành động quản lý một cách hữu hiệu nhằm bảo đảm hoạt động của toàn hệ thống tài chính hiệu quả và an toàn.
Qua nghiên cứu, người viết nhận thấy bản chất của mối liên hệ giữa ngân hàng mẹ và công ty chứng khoán con thực tế là mối quan hệ giữa hoạt động ngân hàng thương mại thuần túy và hoạt động chứng khoán của các ngân hàng (hay còn gọi là hoạt động ngân hàng đầu tư). Trong khi sự kết hợp này về mặt kinh tế đem lại lợi thế nhờ phạm vi cho các ngân hàng thương mại, gia tăng khả năng cạnh tranh cho các ngân hàng, tạo thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp mua các dịch vụ tài chính khác nhau từ các ngân hàng thương mại, thì những ngân hàng cơ hội có thể khai thác sự kết hợp này chỉ cho lợi ích của riêng mình, có thể đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực lên sự lành mạnh và niềm tin lên hoạt động của hệ thống tài chính, là những yếu tố tối quan trọng cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, bản chất của mối quan hệ giữa người gửi tiền và các cổ đông ngân hàng là mối quan hệ giữa mong muốn đảm bảo an toàn cho đồng tiền gửi của người gửi tiền và mong muốn tối đa hóa giá trị của các cổ đông. Sự hiểu rõ bản chất các mối quan hệ này có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong điều kiện kinh nghiệm quản lý hoạt động của hệ thống tài chính của nước ta còn chưa nhiều như hiện nay.
Mối quan hệ giữa ngân hàng mẹ và công ty chứng khoán con
Nhìn bề ngoài, mối quan hệ giữa một ngân hàng và một công ty chứng khoán con là một mối quan hệ giữa một công ty mẹ và một công ty con bình thường như thường thấy trong các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù và nhạy cảm của lĩnh vực tài chính, mối quan hệ này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà kinh doanh trong lĩnh vực tài chính chứng khoán ngân hàng, giới đầu tư, giới nghiên cứu liên quan và chính quyền.
Ngược trở lại lịch sử ngành tài chính Mỹ: Trước năm 1933, các ngân hàng thương mại cung cấp các dịch vụ và tham gia đầy đủ vào các hoạt động chứng khoán, bao gồm cả bảo lãnh phát hành và tự doanh. Năm 1933 cuộc đại suy thoái đã làm sụp đổ hàng loạt ngân hàng thương mại ở Mỹ. Sự sụp đổ này đã dẫn đến sự ra đời của Đạo luật Glass-Steagall. Đạo luật này, còn được gọi là “Bức tường Trung hoa”, cấm các ngân hàng thương mại trực tiếp tham gia vào các hoạt động chứng khoán. Hay nói cách khác, nó bắt buộc các ngân hàng thương mại tách hẳn các hoạt động ngân hàng thương mại thuần túy ra khỏi các hoạt động ngân hàng đầu tư (hay là hoạt động chứng khoán, như bảo lãnh phát hành, tự doanh chứng khoán).
Đạo luật Glass-Steagall năm 1933
Đạo luật này bắt nguồn từ hai nguyên nhân:
1 - Mâu thuẫn lợi ích: Khi các ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động bảo lãnh phát hành trong suốt những năm 1920, họ tin rằng họ hưởng được lợi thế từ việc kết hợp hoạt động cho vay và hoạt động bảo lãnh phát hành. Trong khi phục vụ cho vay, họ đã có được sự tiếp cận với chi phí thấp thông tin của doanh nghiệp đang cần tài trợ. Ngoài ra khi kết hợp như vậy, họ đã gia tăng được sức mạnh cạnh tranh giữa hoạt động cho vay với hoạt động bảo lãnh phát hành.
Tuy vậy, sự kết hợp này lại như con dao hai lưỡi, bởi vì nó đã đi đến chỗ trả giá cho tính tin cậy. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hoạt động ngân hàng và hoạt động chứng khoán đã làm tăng sự cảm nhận của công chúng vào mâu thuẫn lợi ích và làm xói mòn khả năng của ngân hàng vào việc xác nhận một cách tin cậy giá trị của chứng khoán mà nó đang bảo lãnh.
Thứ nhất, một doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng đang suy giảm giá trị nhưng công chúng chưa nhận biết được điều này, ngân hàng có thể sử dụng hoạt động chứng khoán của nó đưa ra một đợt phát hành chứng khoán cho doanh nghiệp, trong đó đưa thông tin không trung thực về chất lượng của đợt phát hành với công chúng đầu tư để bán chứng khoán đó.
Thứ hai, nếu khách hàng không biết chất lượng doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng, ngân hàng có thể tiếp tục tài trợ cho các khách hàng tốt nhất của họ và đưa những doanh nghiệp yếu kém hơn ra thị trường vốn.
Đối với điều thứ nhất, nó liên quan đến đạo đức kinh doanh. Động cơ của ngân hàng ở đây là cứu các khoản nợ vay xấu của nó bằng cách tái tài trợ các doanh nghiệp khách hàng của nó thông qua vốn của công chúng trên thị trường vốn. Đối với điều thứ hai, đó là ngân hàng “nẫng tay trên”.
Một vấn đề nữa trong số các vấn đề liên quan đến mâu thuẫn lợi ích tốn rất nhiều giấy mực là bộ phận phân tích chứng khoán của các ngân hàng có khuynh hướng hoặc bị chi phối bởi ngân hàng đưa ra những phân tích đánh giá có lợi cho các chứng khoán mà ngân hàng bão lãnh chào bán ra công chúng. Bộ phận môi giới của nó cũng có khuynh hướng thu hút khách hàng mua chứng khoán do ngân hàng bảo lãnh phát hành. Những điều này đã tạo ra sự mâu thuẫn lợi ích giữa ngân hàng với nhà đầu tư và kể cả với doanh nghiệp. Hậu quả làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của công chúng đầu tư và làm xói mòn niềm tin vào thị trường vốn.
Thứ ba, các ngân hàng áp đặt các doanh nghiệp khách hàng của mình mua luôn các dịch vụ chứng khoán của họ, hoặc không sẽ bị hạn chế trong việc cho vay.
2 - Rủi ro hoạt động: Sự tham gia ào ạt của các ngân hàng thương mại vào thị trường chứng khoán khi thị trường bùng nổ vào những năm 1920 và sự sụp đổ hàng loạt ngân hàng thương mại khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929 làm cho người ta nhận ra rằng các hoạt động chứng khoán là một nguyên nhân to lớn dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng thương mại. Mặc dù chưa có chứng cứ rõ ràng lắm, nhưng nhiều lập luận đã cho rằng các hoạt động chứng khoán là các hoạt động nhiều rủi ro và đe dọa đến tính sự an toàn và bền vững của ngân hàng.
Bên cạnh những nhược điểm trên đây, sự kết hợp hoạt động ngân hàng và hoạt động chứng khoán vẫn có những ưu điểm của nó. Các ưu điểm đó là mở rộng mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp và lợi thế về phạm vi. Khi cho vay, ngân hàng nắm rõ được tình hình doanh nghiệp. Vì vậy khi cung cấp các dịch vụ chứng khoán, chi phí thu thập về doanh nghiệp đó giảm và công việc thu thập thông tin không bị lặp lại. Hay nói cách khác, sẽ đơn giản hơn cho ngân hàng để nghiên cứu một doanh nghiệp mà nó có quan hệ cho vay cho các mục địch cung cấp dịch vụ chứng khoán như bảo lãnh phát hành. Khi một doanh nghiệp còn non trẻ, nó thường tìm kiếm tài trợ từ vay ngân hàng. Khi trưởng thành, nó chuyển sang tìm nguồn tài trợ trên thị trường vốn. Cũng có nghĩa là khi ấy nó cần đến dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Trong trường hợp này, không giống như một ngân hàng chuyên doanh, một ngân hàng mà cung cấp cả hoạt động cho vay và hoạt động chứng khoán có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu tài trợ này cho doanh nghiệp. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng sự kết hợp hoạt động ngân hàng thương mại và hoạt động chứng khoán mở rộng mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Đối với lợi thế về phạm vi, đó là khả năng của một ngân hàng thương mại sử dụng mạng lưới các chi nhánh của nó để cung cấp tất cả các dịch vụ với chi phí biên thấp hơn. Về phía doanh nghiệp, họ có thể mua cùng lúc cả dịch vụ ngân hàng thương mại và dịch vụ chứng khoán tại cùng một ngân hàng, thay vì phải mua riêng tại nhiều nơi.
Sự kết hợp giữa hoạt động ngân hàng thương mại và hoạt động chứng khoán từ trước đến nay diễn ra dưới ba mô hình:
1 - Mô hình một ngân hàng thống nhất: Cả hai hoạt động ngân hàng thương mại và chứng khoán được thực hiện trong một tổ chức thống nhất. Các nguồn lực có thể được chia sẻ tối đa giữa các bộ phận trong tổ chức một cách uyển chuyển tối đa, cho phép kết hợp các hoạt động với mức chi phí thấp nhất.
2 - Mô hình ngân hàng mẹ - công ty chứng khoán con: Công ty chứng khoán được tổ chức là một công ty con trực tiếp của ngân hàng. có vốn riêng và có điều lệ hoạt động kinh doanh riêng. Các hoạt động của ngân hàng mẹ và công ty chứng khoán con được tách rời độc lập với nhau. Vì là trách nhiệm hữu hạn, nên ngân hàng chỉ giới hạn thua lỗ trong phạm vi số vốn nó đầu tư vào công ty chứng khoán con trong trường hợp công ty chứng khoán con hỏng.
3 - Mô hình công ty mẹ nắm giữ ngân hàng và công ty chứng khoán: Cũng giống như trong mô hình ngân hàng mẹ và công ty chứng khoán, hai đơn vị này độc lập với nhau. Sự khác biệt lớn nhất ở đây là vốn của công ty chứng khoán sở hữu bởi công ty mẹ chứ không phải trực tiếp bởi ngân hàng. Mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty chứng khoán trong mô hình này là gián tiếp.
Mời bạn xem Phần II bài viết để tìm hiểu về kinh nghiệm thế giới trong việc phòng ngừa rủi ro xung đột lợi ích giữa nghiệp vụ ngân hàng thương mại và hoạt động chứng khoán của ngân hàng: Xung Đột Lợi Ích Giữa Hoạt Động Ngân Hàng Thương Mại Và Hoạt Động Chứng Khoán Của Ngân Hàng (Phần II)