I. Những điểm yếu tiềm ẩn của xếp hạng tín dụng
Mặc dù xếp hạng tín dụng là công cụ hữu ích trong việc đưa ra một quyết định đầu tư, nhưng chúng không phải là hoàn hảo. Dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập tới một số điểm yếu của xếp hạng tín dụng.
1. Dựa trên thông tin có thể không khách quan
Các cơ quan xếp hạng tín dụng không phải là các nhà kiểm toán viên độc lập. Họ đưa ra xếp hạng chủ yếu dựa trên các báo cáo tài chính mà công ty hoặc chính phủ phát hành trái phiếu cung cấp cho họ. Phân tích viên của các cơ quan này không thực hiện các nghiên cứu độc lập, mà họ phân tích thông tin và sử dụng các mô hình thống kê để xác định khả năng vỡ nợ dựa trên thông tin mà đơn vị phát hành trái phiếu cung cấp. Nếu đơn vị phát hành cung cấp thông tin sai hoặc không đầy đủ, thì đánh giá của cơ quan xếp hạng sẽ dựa trên những thông tin sai lệch.
2. Không thể ngăn chặn hay dự đoán gian lận
Do các cơ quan xếp hạng tín dụng sử dụng thông tin được cấp bởi đơn vị phát hành trái phiếu, họ không thể dự đoán khả năng vợ nợ nếu đơn vị phát hành có hành vi gian lận.
3. Không hoàn toàn khách quan
Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã vấp phải một số nghi ngờ về khả năng duy trì tính khách quan của mình, khi mà phần lớn thu nhập của họ có được từ tiền phí trả bởi các đơn vị phát hành trái phiếu họ xếp hạng. Ngoài ra, các đơn vị phát hành trái phiếu có thể thuê cơ quan tư vấn về việc làm thế nào để cơ cấu chứng khoán một cách tốt nhất nhằm có được xếp hạng tích cực. Bên cạnh đó, vì các cơ quan xếp hạng có mối quan hệ mật thiết với các hãng khách hàng của mình, sẽ luôn tồn tại khả năng các phân tích viên đưa ra xếp hạng có thể có lợi dựa trên các mối quan hệ cá nhân với người đứng đầu tại công ty hay chính phủ phát hành trái phiếu.
4. Chỉ báo lạc hậu
Vì các cơ quan xếp hạng đưa ra đánh giá dựa trên kết quả hoạt động của công ty và thị trường trong quá khứ, chúng được coi là các "chỉ báo lạc hậu." Điều này có nghĩa là sự thay đổi xếp hạng tín dụng thường đến sau khi nhà đầu tư có lợi từ việc thực hiện mua, nếu xếp hạng được cải thiện, hoặc bán, nếu xếp hạng giảm.
II. Liệu xếp hạng tín dụng có còn là một tiêu chí đầu tư hữu ích?
Với tất cả những điểm yếu tiềm ẩn của nó, các nhà đầu tư có thể tự hỏi liệu họ còn nên xem xét xếp hạng tín dụng hay không. Câu trả lời là có. Dù không hoàn hảo, xếp hạng tín dụng vẫn cung cấp một yếu tố quyết định quan trọng về năng lực thanh toán đã được chứng minh của một công ty, và nhờ đó giúp dự đoán cam kết trả nợ của công ty trong tương lai. Ngoài ra, dù các phân tích viên xếp hạng tín dụng có lúc không khách quan, họ vẫn đem đến những đánh giá chuyên môn quan trọng về tình hình tài chính của một công ty. Các nhà đầu tư nên coi xếp hạng tín dụng là một phần quan trọng của quá trình quyết định đầu tư trái phiếu.
III. Các yếu tố khác cần cân nhắc khi đầu tư trái phiếu
Các nhà đầu tư trái phiếu kinh nghiệm biết rằng chỉ xếp hạng tín dụng thôi là không đủ để đưa ra lựa chọn đầu tư. Vậy bạn nên cấn nhắc kỹ lưỡng những yếu tố nào khác ?
1. Quyền mua và bán lại
Quyền mua và bán lại là các đặc điểm hoàn trả có thể thay đổi khoảng thời gian bạn duy trì đầu tư trái phiếu của mình. Nếu bạn muốn sự an toàn, do biết rằng mình có thể bắt buộc nhà phát hành trái phiếu mua lại khoản đầu tư của mình trước khi đáo hạn và trả khoản vay gốc, bạn sẽ muốn một trái phiếu có quyền chọn bán lại. Quyền chọn bán lại có ý nghĩa quan trọng nếu lãi suất thay đổi đáng kể, và bạn muốn di dời khoản đầu tư trái phiếu của mình và tái đầu tư tiền vào một loại chứng khoán với tỷ lệ lãi suất hấp dẫn hơn. Tương tự như vậy, hãy chắc chắn rằng bạn biết trái phiếu của mình có "quyền mua lại", cho phép nhà phát hành trả lại khoản đầu tư của bạn trước ngày đáo hạn ghi trên trái phiếu.
2. Lịch sử hạ cấp tín dụng của đơn vị phát hành trái phiếu
Một trái phiếu sẽ bị hạ cấp - bị xếp hạng thấp hơn hạng ban đầu - khi có một sự thay đổi, với bản thân trái phiếuđóhoặc với những yếu tố kinh tế quan trọng của công ty, chính phủ hay đơn vị phát hành trái phiếu.
3. Các khoản bồi thường cho nhà đầu tư khi trái phiếu bị hạ cấp
Một số đơn vị phát hành sẽ có các biện pháp chủ động nhằm đảm bảo với các nhà đầu tư tiềm năng về cam kết trả nợ của họ bằng cách đưa ra một số hình thức bồi thường nếu trái phiếu bị hạ cấp.
4. Mục tiêu, mục đich đầu tư và đặc tính của trái phiếu
Đây có thể là điều hiển nhiên, song ngoài việc kiểm tra tình hình tài chính và năng lực của đơn vị phát hành trái phiếu, biết các đặc tính của trái phiếu cũng là điều quan trọng (VD: thời kỳ đáo hạn, lợi suất, kỳ hạn thanh toán , v.v.), và hiểu những đặc tính ấy phù hợp với mục tiêu đầu tư của bạn như thế nào. Ví dụ, hãy xem xét một trái phiếu được xếp hạng 'AAA' với kỳ hạn thanh toán 20 năm. Mặc dù trái phiếu này có xếp hạng 'AAA' rất hấp dẫn và cạnh tranh, nhưng nếu mục tiêu chính khi đầu tư trái phiếu của bạn là để thu được lợi suất cao, bạn có thể muốn xem xét các trái phiếu có xếp hạng thấp hơn.
Trái phiếu có xếp hạng thấp hơn sẽ có lợi suất tương ứng cao hơn, vì đơn vị phát hành phải trả lợi suất cao để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu mục tiêu chính khi đầu tư trái phiếu của bạn là để giảm thiểu rủi ro lãi suất, một trái phiếu có xếp hạng cao sẽ khiến bạn gặp nhiều rủi ro hơn khi lãi suất thay đổi, so với một trái phiếu với xếp hạng tín dụng thấp hơn và kỳ hạn ngắn hơn.
5. Chi phí và lệ phí
Giá của trái phiếu thường bao gồm lợi nhuận của các nhà môi giới. Nếu nhà môi giới của bạn không có một trái phiếu trong danh mục của họ mà bạn đang xem xét đầu tư, bạn có thể phải trả thêm một khoản phí hoa hồng. Đa số các nhà môi giới giữ một danh mục đầu tư khá lớn các trái phiếu đã phát hành cho khách hàng của họ. Nếu bạn định đầu tư vào một quỹ trái phiếu, bạn có thể phải trả một khoản phí quản lý thường niên. Ngoài ra, nếu bạn đầu tư vào một quỹ trái phiếu hay đơn vị đầu tư trái phiếu độc quyền, bạn có thể phải trả một khoản phí giao dịch nhỏ.
IV. Lời kết
Trước khi đưa ra một quyết định đầu tư chỉ dựa trên xếp hạng tín dụng, bạn nên làm rõ lý do mình muốn đầu tư vào trái phiếu và nghiên cứu kỹ các bản cáo bạch của trái phiếu mình đang cân nhắc Tuy rằng xếp hạng tín dụng có thể khá hữu ích, nhưng nó không cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về trái phiếu, do đó nhà đầu tư cũng cần lưu tâm đến những yếu tố khác.