Sơ lược về lãi suất
Lãi suất có ý nghĩa rất quan trọng với các nhà giao dịch hàng ngày trên thị trường ngoại hối vì một lý do khá đơn giản: tỷ lệ lợi nhuận càng cao, thì lãi suất có được từ đông tiền đầu tư và lợi nhuận thu được cũng sẽ càng lớn.
Tất nhiên, rủi ro của chiến lược này là biến động tiền tệ, điều có thể loại bỏ bất kì khoản sinh lãi nào. Cần nói rằng, dù bạn có thể luôn muốn mua các đồng tiền với lãi suất cao hơn (và mua chúng bằng các đông tiền lãi suất thấp hơn), đây không phải lúc nào cũng là một quyết định khôn ngoan. Nếu giao dịch trên thị trường ngoại hối dễ dàng như vậy, thì bất cứ ai được trang bị kiến thức này cũng đã có lời cao rồi.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa lãi suất là một khái niệm quá phức tạp với các nhà giao dịch phổ thông, chỉ là họ nên xem xét vấn đề này với một con mắt cảnh giác, giống như bất kỳ tin tức mới nào được đưa ra hằng ngày.
Lãi suất được tính như thế nào
Ban giám đốc của mỗi ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát chính sách tiền tệ của nước sở tại và tỷ lệ lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng. Các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, và giảm lãi suất để khuyến khích cho vay và "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế.
Thông thường, bạn có thể suy đoán về quyết định của ngân hàng trung ương qua việc nghiên cứu các chỉ số kinh tế có liên quan nhất, cụ thể là:
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
- Chi phí tiêu dùng
- Tỷ lệ việc làm
- Thị trường cho vay dưới chuẩn
- Thị trường nhà ở
Dự đoán lãi suất của Ngân hàng Trung ương
Được trang bị thông tin từ các chỉ số này, một nhà giao dịch trên thực tế hoàn toàn có thể ước tính sự thay đổi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thông thường, khi những chỉ số trên cải thiện, nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt và lãi suất sẽ được nâng lên, hoặc nếu tăng trưởng là nhỏ, lãi suất sẽ được giữ nguyên. Trái lại, sự sụt giảm của các chỉ số trên có thể dẫn đến sự cắt giảm lãi suất nhằm khuyến khích hoạt động xin vay.
Ngoài các chỉ số kinh tế, chúng ta có thể dự đoán một quyết định thay đổi lãi suất bằng cách:
- Chý ý tới các thông báo quan trọng
- Phân tích các dự báo
Các thông báo quan trọng
Các thông báo quan trọng từ những người đứng đầu ngân hàng trung ương thường đóng một vai trò tiên quyết trong việc thay đổi tỷ lệ lãi suất, nhưng thường không được chú ý so với các chỉ số kinh tế vĩ mô. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua các thông báo đó. Bất cứ khi nào ban giám đốc của một trong số tám ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới dự kiến đưa ra một thông báo trước công chúng, đó sẽ thường là lúc chúng ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về cách các các ngân hàng này nhìn nhận vấn đề lạm phát.
Ví dụ như, vào ngày 16 tháng Bảy năm 2008, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke đã có bài báo cáo về chính sách tiền tệ trong sáu tháng đầu năm trước Ủy ban Hạ viện Mỹ. Tại một phiên họp bình thường, ông Bernanke đọc một bài phát biểu đã được chuẩn bị trước về giá trị đồng đô la Mỹ, cũng như trả lời các chất vấn từ các thành viên Ủy ban. Tại phiên họp này, ông cũng đã làm điều tương tự.
Trong bài phát biểu và các câu trả lời chất vấn của mình, ông Bernanke kiên quyết rằng đồng đô la Mỹ đang trong tình trạng tốt và chính phủ đã cố gắng ổn định đông tiền mặc dù lo ngại về một cuộc suy thoái đã ảnh hưởng đến tất cả các thị trường khác.
Phiên họp lúc 10 giờ sáng trên đã được các nhà giao dịch theo dõi rộng rãi, và do đây là một dấu hiệu tích cực, người ta đã dự đoán FED sẽ tăng tỷ lệ lãi suất, dẫn đến sự tăng ngắn hạn của đồng đô la trước các quyết định thay đổi lãi suất tiếp theo.
Hình 1: Tỷ giá EUR/USD giảm theo sau phiên họp về chính sách tiền tệ của Fed
Nguồn: DailyFX
Tỷ giá EUR/USD giảm 44 điểm trong vòng một giờ (đây là điều tốt cho đồng đô la Mỹ), và giúp các nhà giao dịch thu được lợi nhuận $ 440 nếu hành động ngay sau thông báo trên.
Phân tích các dự báo
Cách thứ hai không kém phần hiệu quả để dự đoán các quyết định thay đổi lãi suất là thông qua việc phân tích các dự báo. Vì sự thay đổi lãi suất thường có thể đoán trước được, các nhà môi giới, ngân hàng và nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ có một ước tính chung về tỷ lệ lãi suất.
Các nhà giao dịch nên lấy bốn hoặc năm dự đoán (với chêch lệch rất nhỏ) và tính trung bình để có được một dự đoán chính xác hơn.
Cần làm gì khi lãi suất đột ngột thay đổi
Dù bạn có nghiên cứu kĩ đến đâu hay phân tích bao nhiêu số liệu trước khi một thay đổi xảy ra, các ngân hàng trung ương vẫn có thể tăng hay giảm lãi suất một cách bất ngờ và trái ngược với mọi dự đoán.
Khi điều này xảy ra, bạn nên biết thị trường sẽ di chuyển theo hướng nào. Nếu lãi suất tăng, đồng tiền sẽ tăng giá, và các nhà giao dịch sẽ mua vào. Nếu lãi suất giảm, các nhà giao dịch chắc chắn sẽ bán tháo đông tiền hiện có và mua đông tiền với lãi suất cao hơn. Một khi bạn đã xác định được điều này, hãy:
- Hành động nhanh chóng! Thị trường thường có xu hướng thay đổi rất nhanh khi một diễn biến bất ngờ xảy ra, vì mọi nhà giao dịch đều giành giật để mua vào hay bán tháo (tùy vào lãi suất tăng hoặc giảm) trước những người khác, và nếu họ quyết định đúng, lợi nhuận thu được sẽ rất lớn.
- Nhận biết sự đảo ngược xu hướng. Trực giác của một nhà giao dịch thường ảnh hưởng đến thị trường khi các thay đổi đầu tiên được đưa ra. Tuy nhiên, sau đó, những quy luật thị trường sẽ có vai trò quan trọng hơn và thị trường tự nó sẽ tiếp tục đi theo các xu hướng đang diễn ra.
Ví dụ sau đây sẽ minh họa ba bước trên một cách cụ thể hơn:
Vào tháng 7 năm 2008, Ngân hàng trung ương New Zealand đã đưa ra tỷ lệ lãi suất 8,25% - một trong những tỷ lệ cao nhất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tỷ lệ này đã được giữ ổn định trong bốn tháng trước đó, và đồng NZD đã trở thành một mặt hàng hấp dẫn đối với các nhà giao dịch mua ngoại tệ vì tỷ lệ lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, trong tháng 7, trái với mọi dự đoán, tại cuộc họp hàng tháng của ngân hàng này, ban giám đốc đã cắt giảm lãi suất xuống còn 8%. Trong khi mức giảm 0,25 % có vẻ là rất nhỏ, các nhà giao dịch ngoại hối coi đây là dấu hiệu của việc ngân hàng này lo sợ trước lạm phát và ngay lập tức rút các khoản đầu tư, hoặc bán đồng NZD và và mua các ngoại tệ khác - ngay cả khi những ngoại tệ đó có lãi suất thấp hơn.
Hình 2: Tỷ giá NZD/USD giảm theo sau sự cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương New Zealand
Nguồn: DailyFX
Tỷ giá NZD/USD giảm xuống từ 0,7497 xuống còn 0,7414 - giảm tổng cộng 83 điểm, hay pip, chỉ trong vòng 5 đến 10 phút. Những ai bán được nhiều cặp tiền tệ trên thì có thể thu được một lợi nhuận ròng là $ 833 chỉ trong vài phút.
Tỷ giá NZD/USD giảm nhanh như thế nào, thì nó cũng quay trở về xu hướng hiện tại bấy giờ- xu hướng tăng- nhanh như thế. Tỷ giá giữa hai đông tiền này đã không tiếp tục rơi tự do là vì mặc dù có cắt giảm lãi suất, đồng NZD vẫn có lãi suất cao hơn (ở mức 8%) so với hầu hết các đồng tiền khác lúc bấy giờ.
Một lưu ý là, sau khi xác định được liệu một thay đổi lãi suất bất ngờ đã xảy ra hay không, chúng ta cần đọc thông cáo báo chí chính thức của ngân hàng trung ương để hiểu cách ngân hàng cân nhắc các quyết định về lãi suất trong tương lai. Các dữ liệu trong văn bản này sẽ thường tạo ra một xu hướng mới cho đồng tiền sau khi các tác động ngắn hạn đã diễn ra.
Lời kết
Theo dõi tin tức và phân tích quyết định của các ngân hàng trung ương nên là ưu tiên hàng đầu với các nhà giao dịch ngoại hối vì khi họ xác định chính sách tiền tệ của khu vực, tỷ giá hối đoái sẽ có xu hướng thay đổi. Khi tỷ giá hối đoái thay đổi, các nhà giao dịch sẽ có khả năng tối đa hóa lợi nhuận - không chỉ thông qua tích lũy lợi nhuận từ carry trade, mà còn từ những biến động thực tế trên thị trường. Những nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng có thể giúp một nhà giao dịch tránh các thay đổi lãi suất bất ngờ và phản ứng một cách hợp lý khi những thay đổi đó chắc chắn sẽ xảy ra.