Vai trò quan trọng.
Vai trò quan trọng và thường thấy nhất của vàng gắn liền với chức năng tiền tệ. Vàng được sử dụng làm dự trữ tại các ngân hàng Trung ương. Vào cuối năm 2004, các ngân hàng Trung ương trên thế giới và các tổ chức chính thức nắm giữ khoảng 19% tổng trữ lượng vàng trên mặt đất với chức năng dự trữ. Tính đến tháng 9 năm 2008, xét về dự trữ vàng quốc gia, Mỹ là nước đứng đầu trong danh với mức dự trữ 8.133,5 tấn, theo sau đó là Đức với 3.413,2 tấn, Quỹ tiền tệ quốc tế 3.217,3 tấn, Pháp: 2.540,9 tấn, Italy, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc... Nhưng xét về mặt khu vực thì khu vực Eurozone nắm lượng dự trữ nhiều nhất, tới 10.911,4 tấn trong tổng số 29.783,9 tấn vàng dự trữ chính thức trên toàn thế giới.
Không chỉ được sử dụng làm tài sản dự trữ trong kho của các ngân hàng trung ương, vàng còn được sử dụng làm tài sản tiết kiệm truyền thống và rất phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt các các nước Á Đông. Vàng được sử dụng để tiết kiệm có thể ở dưới dạng đồ trang sức như dây chuyền, nhẫn, vòng, lắc, khuyên tai, hoặc dạng thanh (cây) vàng. Theo thống kê, thị trường đồ trang sức vàng rất phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, còn ở một số nước như Việt Nam, từ bao nhiêu năm nay người dân vẫn có tâm lý mua vàng về để tiết kiệm và coi đây là một biện pháp an toàn nhằm đảm bảo giá trị của tiền hoặc làm làm của hồi môn cho con cháu. Mỗi năm có hàng trăm tấn vàng được nhập vào Việt Nam để phục vụ nhu cầu của người dân.
Ngoài chức năng dự trữ và tiết kiệm, vàng còn có các ứng dụng khá rộng rãi trong sản xuất công nghiệp. Vàng được sử dụng để sản xuất mạch tích hợp, vi xử lý, dùng để mạ trong sản xuất các thiết bị, sử dụng trong ngành công nghiệp vũ trụ, dùng để sản xuất đồng hồ, sản xuất các thiết bị bán dẫn, thậm chí dùng cả trong sản xuất vũ khí...
Một ứng dụng phổ biến khác của vàng đó là được sử dụng trong nha khoa. Ngoài ra vàng còn được sử dụng trong y tế dùng để chữ một số bệnh như viêm khớp, ung thư, một số bệnh ở mắt. Rất nhiều các dụng cụ phẫu thuật, thiết bị trợ giúp và thiết bị điện tử được sản xuất ra có sử dụng một hàm lượng nhỏ vàng.
Các thị trường lớn.
Hai trong số những trung tâm giao dịch vàng quan trọng nhất trên thế giới là thị trường vàng London và New York. Thị trường vàng London (London bullion market) là một trong số những thị trường lâu đời nhất trên thế giới và là thị trường lớn nhất xét về khía cạnh giao dịch vàng vật chất. Các thành viên của Hiệp hội thị trường vàng London "London Bullion Market Association" (LBMA) thực hiện giao dịch vàng và bạc trên thị trường này. Hầu hết những thành viên đều là các ngân hàng quốc tế lớn, thương gia và những nhà chế tạo vàng. Cứ hai lần một ngày, vào lúc 10:30 sáng và 3:00 chiều, 5 thành viên của London Gold Pool lại gặp nhau để xác định mức giá cho thị trường, phương pháp xác định mức giá này được gọi là Gold Fixing. Lần xác định giá đầu tiên theo phương pháp này được tiến hành vào ngày 12 tháng 9 năm 1919 giữa 5 nhà giao dịch vàng lớn nhất thời bấy giờ giữa: N M Rothschild & Sons, Mocatta & Goldsmid, Pixley & Abell, Samuel Montagu & Co. và Sharps Wilkins. Giá vàng xác định vào thời điểm đó là 4,9375 GBP/troy ounce.
Nhưng sau đó, giữa năm 1939 và 1954, quá trình xác định giá thường nhật đã bị đứt quãng do ảnh hưởng của chiến tranh và sự kiểm soát của chính phủ. Ngày nay, giá vàng được ấn định bằng đô la Mỹ (USD), Bảng Anh (GBP) và Euro (EUR).
Vào ngày 21 tháng 1 năm 1980, giá vàng Gold Fixing đạt mức 850$/ounce, mức giá kỷ lục này chỉ bị phá vỡ vào ngày 3 tháng 1 năm 2008 bởi kỷ lục mới 865,35$/ounce. Tuy nhiên, nếu được điều chỉnh theo tốc độ lạm phát thì mức giá năm 1980 sẽ tương đương với giá $2398,21/ounce vào năm 2007. Vì vậy, nếu xét theo giá thực tế thì mức giá năm 1980 vẫn giữ kỷ lục.
Giao dịch toàn cầu về vàng và bạc khối lượng lớn được diễn ra trên thị trường OTC. Cho đến nay, London vẫn là trung tâm lớn nhất thế giới xét trên khía cạnh giao dịch OTC, xếp sau đó là thị trường New York, Zurich và Tokyo. Mặc dù các thị trường giao dịch vàng vật chất có mặt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng hầu hết các giao dịch bán buôn OTC đều được thanh toán qua London. Khối lượng vàng và bạc trung bình trong ngày được thanh toán thông qua Hiệp hội thị trường vàng London vào tháng 12 năm 2004 là 15,4 triệu ounce (tương đương với 480.000kg, trị giá 6,8 tỷ USD) và 102,2 triệu ounce (tương đương 3.180.000kg, trị giá 730 triệu USD). Như vậy, cứ sau 5,4 ngày lại có một lượng vàng lớn bằng sản lượng khai thác hàng năm trên toàn thế giới được giao dịch thông qua LBMA và tương tự 5,8 ngày đối với bạc.
Sàn giao dịch vàng tương lai dành cho những thương gia Mỹ là chi nhánh Comex của Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX). Sàn giao dịch này bắt đầu giao dịch các hợp đồng tương lai vàng vào ngày 31 tháng 12 năm 1974 - ngày đầu tiên các công dân Mỹ được cho phép sở hữu vàng sau thời kỳ cấm đoán kéo dài trên 40 năm.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số thị trường vàng quan trọng khác trên thế giới nằm ở Tokyo, Sydney, Hong Kong, Thượng Hải, Singapore, Dubai và Zurich.
Lời kết
Kể từ buổi ban đầu của của lịch sử loài người, vàng đã được coi là một thứ kim loại quý giá. Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm biến động, giá vàng có những lúc lên xuống thất thường nhưng vàng vẫn luôn khăng định vai trò và vị thế quan trọng của mình ở nhiều lĩnh vực và trên toàn thế giới.
Theo dõi Phần đầu của bài viết này tại đây: Vàng: Thăng Trầm Lịch Sử - Phần 1: Lịch Sử Của Vàng.