Trường Phái Kinh Tế Chicago Thời Kì Hậu Khủng Hoảng Kinh Tế

Hưng Lương
22/09/2020 - 06:55 3800     0

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra những tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của nhiều quốc gia trên Thế giới. Bên cạnh những tổn thất về mặt vật chất, cuộc khủng hoảng này còn là một cơn chấn động với các nhà kinh tế học, đặc biệt là những người ủng hộ trường phái kinh tế Chicago. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn với John Cassidy - một cây bút của tạp chí New Yorker về nguy cơ suy tàn và sụp đổ của Trường phái kinh tế Chicago thời ký hậu khủng hoảng kinh tế.

 

NỘI DUNG CUỘC PHỎNG VẤN

Kai Ryssdal: Cuộc suy thoái mà chúng ta vừa mới trải qua đã khiến cho phần lớn các nền kinh tế trở nên khốn khổ. Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế học, nó thực sự là một cơ hội hiếm có trong đời để kiểm chứng tác dụng thực tế của một số lý thuyết kinh tế chủ đạo.

Về cơ bản, tồn tại  hai trong số những lý thuyết đó. Một dựa trên ý tưởng của John Maynard Keynes. Ý tưởng còn lại được phổ biến bởi người chiến thắng giải thưởng Nobel -  Milton Friedman và được đặt theo tên của trường đại học nơi ông dạy: Đại học Chicago. Cuộc Đại suy thoái 2007 - 2008 đã bộc lộ một số điểm yếu trong ý tưởng của Friedman. Và trong số gần đây nhất của tạp chí The New Yorker, cây bút John Cassidy đã khám phá sự suy tàn và sụp đổ của Trường phái kinh tế Chicago. 

JOHN CASSIDY: Ý tưởng cơ bản của kinh tế học tại Chicago là thị trường tự do tự nó sẽ hoạt động tốt, do đó, nó không cần sự can thiệp của chính phủ, và vả chăng nếu có, sự can thiệp của chính phủ cũng sẽ khiến cho thị trường bị méo mó.

Ryssdal: Và trong bài viết đăng trên tạp chí tuần này, bạn đề cập tới một người tên Richard Posner. Ông ấy là một thẩm phán liên bang ở New York, và như bạn nói, bây giờ ông ấy là một người “cải đạo”. Ông ta nói lý thuyết của Friedman về cơ bản không còn đúng nữa.

CASSIDY: Richard Posner là một trong những thành viên nổi tiếng nhất của trường phái Chicago. Ông chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển phong trào luật pháp và kinh tế, điều này đã giúp cho rất nhiều phòng xử án của Mỹ có các thẩm phán bảo thủ và các thẩm phán coi trọng kinh tế thị trường tự do. Năm ngoái, sau cuộc khủng hoảng tài chính, Thẩm phán Posner đã có một sự chuyển đổi và từ một nhà kinh tế học theo trường phái Chicago tiêu biểu trở thành một Keynesian (người theo trường phái của Keynes).

Ryssdal: Khi bạn nói Keynes, bạn đang nhắc tới John Maynard Keynes đúng không ? Hãy giải thích ngắn gọn về ý tưởng của ông ấy được chứ ?

CASSIDY: Trong quan điểm thị trường tự do, các nền kinh tế hoạt động theo phương thức tự điều chỉnh. Nếu một cuộc suy thoái bắt đầu, nó sẽ nhanh chóng tự phục hồi trở lại, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ không tăng lên quá cao. Keynes nói điều đó là không đúng. Vì nhiều lý do, các nền kinh tế có thể bị mắc kẹt trong suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp vẫn có thể rất cao trong nhiều năm mà không có hồi kết. Vì vậy, để tránh kết cục đó, ông nói chính phủ cần phải can thiệp và gia tăng chi tiêu chính phủ.

Ryssdal: Bạn có thể giúp tôi liên hệ giữa lý thuyết với những quy định về thị trường hiệu quả (efficient markets) và thái độ đối với các thị trường ở Washington.

CASSIDY: Vâng, giả thuyết thị trường hiệu quả, mặc dù nó là một loại lý thuyết kinh tế mơ hồ theo một nghĩa nào đó, cũng có tác động rất thực tế ở chỗ nó đã củng cố rất nhiều sự bãi bỏ quy định trong những năm 1980 và 1990. Ý tưởng cơ bản đằng sau sự bãi bỏ quy định đó là thị trường tài chính vẫn sẽ tuân thủ các nguyên lý kinh tế cơ bản nếu bạn để chúng tự vận động. Giá cả trên thị trường sẽ phản ánh giá trị thực tế của các công ty, hoặc đối với thị trường nhà ở là giá trị thực của các căn nhà. Sẽ không xảy ra bất kỳ bong bóng đầu cơ nào. Đó là những gì Alan Greenspan đã nói, đó là những gì Bob Rubin và Larry Summers đã nói khi họ là thư ký Bộ Tài chính, và nó biện minh cho một loạt các biện pháp bãi bỏ quy định để cho phép các ngân hàng và ngân hàng đầu tư hợp tác với nhau và đầu tư vào tất cả các loại chứng khoán, như hợp đồng hoán đổi nợ xấu (credit default swaps, chứng khoán thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgage securities), tất cả những điều này chúng tôi đã nghe rất nhiều trong vài năm qua. Tuy nhiên, thị trường hóa ra không phải luôn luôn hiệu quả. Hai lần trong 10 năm qua, chúng ta đã có những bong bóng đầu cơ khổng lồ.

Ryssdal: Bạn đã dành rất nhiều thời gian ở Chicago và bạn đã nói chuyện với rất nhiều người. Hãy cho chúng tôi biết, những người ủng hộ trường phái Chicago, họ đưa ra luận điểm như thế nào về cuộc khủng hoảng trong 2 năm vừa qua ? Họ biện minh ra sao về việc thị trường sẽ tự có khả năng điều chỉnh ?

CASSIDY: Thực sự thì mọi người phản ứng theo những cách rất khác nhau. Một số người nói cuộc khủng hoảng lần này chỉ là một sự kiện hiếm hoi, không thể chỉ dựa vào đó để phủ định ý tưởng chung rằng thị trường và thị trường tài chính tự chúng hoạt động tốt. Những người khác, chẳng hạn như Gary Becker, một trong những người được giải thưởng Nobel ở Chicago, nói không, nó nghiêm trọng hơn thế, thị trường không phải luôn luôn hiệu quả. Và chúng ta phải suy nghĩ lại về khía cạnh đó. Nếu chúng ta quay trở lại hai nội dung lớn trong trường phái kinh tế Chicago, một là thị trường luôn hoạt động tốt và hai là chính phủ luôn hoạt động kém. Nội dung thứ nhất đã hoàn toàn bị phủ nhận, nhưng họ có xu hướng quay trở lại với ý tưởng thứ hai rằng điều đó không có nghĩa là các chính phủ sẽ làm tốt hơn so với việc để thị trường tự điều chỉnh.

Ryssdal: Bạn chỉ ra trong bài viết của mình rằng tại thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ, rất nhiều người đã nghĩ rằng họ sẽ phải thực sự xem xét lại ý tưởng của họ về các mô hình kinh tế. Tuy nhiên đến thời điểm này, có vẻ như không thực sự có sự xem xét nghiêm túc lại nào.

CASSIDY: Đúng vậy, một trong những điều mà Gary Becker nói với tôi khoảng một năm trước, anh ấy nghĩ rằng sẽ có một cuộc cách mạng hoàn toàn về kinh tế. Nhưng mười hai tháng sau, nền kinh tế trông có vẻ khỏe mạnh hơn so với một năm trước và sự khẩn cấp của cuộc tranh luận đã nguội đi một chút, và anh ấy nghĩ rằng sẽ có một số thay đổi nhất định đối với kinh tế học nhưng sẽ không có một mô hình hoàn toàn mới nào ra đời.

Ryssdal: Có thể nói rằng sẽ còn có thêm nhiều biến động nữa xảy tới, mọi thứ sẽ chưa thể trở nên rõ ràng.

CASSIDY: Bạn sẽ hy vọng như vậy. Người ta sẽ hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn biến theo nhiều chiều hướng hơn. Nhưng bạn không bao giờ thực sự biết điều gì có thể xảy ra trong kinh tế. Có thể một thiên tài nào đó đưa ra một lý thuyết mà mọi người đều bị thuyết phục, dù tôi cho rằng điều đó khó xảy ra, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết chắc chắn được.

Ryssdal: Cassidy, cảm ơn rất nhiều vì đã dành thời gian cho chúng tôi.

CASSIDY: Cảm ơn bạn.

 
Nguồn : Saga.vn
Hưng Lương
Hưng Lương