Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence - EQ) là công cụ mạnh mẽ nhất đưa bạn đến với thành công - không chỉ trong mối quan hệ tình cảm mà còn cả trong kinh doanh. Trong thực tế, các quy tắc nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh cũng áp dụng được cho tình yêu. Dưới đây là năm điều giúp những người có EQ cao đạt được thành công trong cả công việc và cuộc sống cá nhân của họ:
1. Hành động quan trọng hơn lời nói
Khi tuyển dụng, tôi không mấy quan tâm đến những gì ứng viên nói về tinh thần trách nhiệm hay tính chăm chỉ của họ. Thay vào đó, tôi nhìn vào những gì họ đã làm được, ví dụ như họ có hoàn thành công việc đúng thời hạn hay không? Họ thực hiện các cuộc gọi như thế nào? Chốt giao dịch ra sao? Họ đang làm gì (chứ không phải đang nói gì)?
Trong kinh doanh cũng như các vấn đề cá nhân, những lời nói miệng không có giá trị gì cả.
2. Tự vấn bản thân
Con người là những sinh vật giàu cảm xúc, và đôi khi những điều vụn vặt cũng có thể khiến chuyện bé xé ra to. Người có EQ cao là người biết đâu là điểm dừng trước khi biến một hành động khinh suất thành cuộc tranh cãi gay gắt. Nếu có người ngắt lời bạn trong một cuộc họp, thay vì để bụng hoặc âm mưu trả đũa họ , hãy nghĩ rằng, người này có thể đang gặp rắc rối với chuyện gia đình. Hoặc có lẽ anh ta cảm thấy mình đang bị sếp “soi” ngày hôm đó và cần tìm cách thể hiện bản thân. Hãy bỏ qua chuyện đó và cho mọi người thấy lợi ích của việc tin tưởng vào những điều tốt trong mỗi người. Đừng bao giờ coi mình là nhất.
Các quy tắc tương tự có thể được áp dụng cho các mối quan hệ trong tình cảm và kinh doanh. Mọi người đều có những ngày tồi tệ và ai cũng có tật xấu. Đừng vì cô gái mà bạn đang hẹn hò không nhận lời khiêu vũ mà cho rằng cô ấy cảm thấy xấu hổ nếu bị bắt gặp đang nhảy với bạn, hoặc bạn không bao giờ nên đi chơi cùng cô ấy nữa. Hãy coi đó là chỉ là sự cố và tiếp tục xây dựng mối quan hệ đó.
3. Luôn ghi nhớ mục tiêu cao nhất
Những người thành công trong cuộc sống và kinh doanh phát đạt luôn nhìn vào bức tranh tổng thể. Điều này có nghĩa là, họ thường bỏ qua những sai sót và sự cố nhỏ nhặt có thể xảy ra hàng ngày. Khi bạn coi mục tiêu cuối cùng quan trọng hơn hết thảy, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi đàm phán với một khách hàng khó tính, tạo dựng quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi, và tập trung năng lượng của bạn vào những điều quan trọng nhất và không bị chệch hướng bởi những phiền toái vụn vặt.
Điều này cũng đúng cho các mối quan hệ tình cảm. Nếu mối quan hệ bền vững với người bạn đời là mối quan tâm hàng đầu của bạn, bạn sẽ không còn quá bận tâm đến những vấn đề vụn vặt hàng ngày. Thậm chí, những vấn đề lớn hơn như bất đồng trong cách quản lý tiền bạc, nuôi dạy con cái, cũng trở nên dễ thỏa hiệp hơn khi cả hai người cùng coi trọng gìn giữ mối quan hệ lâu dài.
4. “Thanh lọc” tổ chức
Muốn thành công trong kinh doanh, bạn sẽ cần đến những yếu tố tích cực - và những kẻ tiêu cực có thể phá hủy một tổ chức. Các doanh nhân có EQ cao biết rằng không thiếu người có thái độ tích cực trên thế giới này, nên không cần phải lãng phí sức lực quý giá để làm việc với những kẻ gây hại. Đôi khi ngay cả những cá nhân thể hiện xuất sắc trong công việc cũng không phải là những người phù hợp, nếu họ thích áp đặt người khác, hay gây sự hoặc nằm trong nhóm những nhân tố gây hại trong công ty.
Tương tự đối với tình yêu và các mối quan hệ kinh doanh, nếu ai đó làm bạn hao tốn sức lực hay khiến bạn cảm thấy bản thân mình thật tồi tệ, thì hãy dứt khoát từ bỏ mối quan hệ đó đi để tiến lên phía trước. Những người EQ cao ít khi khoan dung với những ai không thành thật (hoặc nói dối trắng trợn), thích phê phán, đòi hỏi nhiều hoặc có những thói quen gây nghiện. những loại người này tốt hơn hết không nên xuất hiện trong cuộc sống của bạn - hoặc ở phe đối đầu với bạn.
5. Duy trì các mối quan hệ
Khi một mối quan hệ kết thúc, bạn không nên cắt đứt mọi liên lạc với đối phương. Ngay cả khi bạn thất bại đắng cay trong một giao dịch, người có EQ cao vẫn sẽ cố gắng cư xử đúng mực và sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đó theo hướng tích cực. Bởi trong tương lai, rất có thể bạn sẽ phải gặp lại họ hoặc cần họ giúp đỡ.
Khi một mối quan hệ không thể kéo dài suốt đời không có nghĩa là bạn phải trở thành kẻ thù của người kia. Nhiều khi các mối quan hệ kết thúc chỉ vì sự khác biệt quá lớn hoặc do những tình huống éo le - chứ không phải do cảm xúc nhất thời. Khi sợi dây liên kết giữa bạn và người kia vẫn được duy trì, biết đâu đấy bạn vẫn có thể “khai thác” được gì đó từ mối quan hệ này.