Tốc Độ “Thâu Tóm” Doanh Nghiệp Mỹ Của Trung Quốc Đang Khiến Thế Giới Phát Hoảng

Hà Thảo
24/09/2018 - 07:00 4919     0

Đây là câu chuyện mà bạn sẽ liên tục được nghe tới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các công ty Trung Quốc đã và đang mua các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ, với tốc độ kỷ lục, và điều đó khiến các nhà lập pháp của nước này phải lo lắng.

Thương vụ bán lại mảng kinh doanh đồ điện gia dụng của General Electrics cho công ty Haier - công ty điện gia dụng đặt trụ sở tại Thanh Đảo (Trung Quốc); vụ đấu thầu mua lại Telex Corp. - công ty chuyên thiết bị nâng hạ siêu trọng; hay việc ChemChina mua công ty hạt giống và thuốc trừ sâu Syngenta tại Thụy Sỹ đạt mức giá trị kỷ lục 48 tỷ USD.

Chỉ mới đây, một đơn vị của Tập đoàn HNA đã tuyên bố rằng họ sẽ mua lại nhà phân phối thiết bị công nghệ Ingram Micro với giá 6 tỷ USD.

Và có lẽ, giao dịch gây tranh cãi nhất cho đến nay chính là vụ đấu thầu Sở Giao dịch Chứng khoán Chicago được thực hiện bởi quỹ đầu tư của Chongqing Casin Enterprise với ban lãnh đạo người Trung Quốc.

Sự tràn lan của các thương vụ

Tính đến năm 2016, đã có hơn 102 giao dịch mua bán và sáp nhập do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện được công bố trong năm, ước tính trị giá 81,6 tỷ đô la (theo Dealogic). Con số này đã vượt qua kỷ lục cùng kỳ năm trước với 72 giao dịch trị giá 11 tỷ USD.

Rõ ràng công cuộc thu mua này sẽ không sớm dừng lại. Sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và tỷ giá giảm ở nước ngoài do việc bán tháo của thị trường chứng khoán đã cho thấy một bức tranh đối nghịch.

Vikas Seth, người phụ trách các thị trường mới nổi trong thị trường đầu tư tài chính ngân hàng và thị trường vốn tại Credit Suisse, đã trao đổi phát biểu rằng, "Với sự suy thoái của nền kinh tế, các công ty Trung Quốc đang ngày càng tìm kiếm những con đường không chính thống để thúc đẩy sự tăng trưởng của họ".

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2015 đang ở tốc độ chậm nhất trong 25 năm.
Gần đây, một công ty luật O'Melveny & Myers đã khảo sát gần hết khách hàng của họ tại Trung Quốc và phát hiện rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ là nhân tố chính khiến cho Mỹ trở thành một mục tiêu đầu tư hấp dẫn.

Dẫn chứng là, gần một nửa số người được hỏi đồng ý rằng Mỹ là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất, tuy nhiên cũng có 47% số họ cho rằng hệ thống luật pháp cũng như các quy định của Hoa Kỳ là các rào cản to lớn khi đầu tư. Và có lẽ, họ đã đúng về điều này.

Một rào cản lớn

45 thành viên của Quốc hội Mỹ đã ký một văn bản gửi tới Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, hay CFIUS, thúc giục họ tiến hành một “cuộc điều tra đầy đủ và nghiêm ngặt” về thương vụ mua lại sàn giao dịch chứng khoán Chicago.

Văn bản đã nêu ra, "Thương vụ mua lại này là lần đầu tiên mà một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc, có thể chịu kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, sẽ có quyền tác động trực tiếp vào thị trường chứng khoán của Mỹ trị giá 22 nghìn tỷ USD".

"Mặc dù chưa rõ mức độ ảnh hưởng của nhà nước đối với CCEG (Chongqing Casin Enterprise của Trung Quốc), nhưng công ty này đã tham gia vào một số lĩnh vực quan trọng của Trung Quốc, chứng to họ phải có một mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước."

CFIUS có nghĩa vụ điều tra những giao dịch liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Gần đây Ủy ban này đã ngăn chặn một thương vụ mua lại mảng kinh doanh đèn trị giá 3,3 tỷ USD của Philips với một nhóm khách hàng ở châu Á, nhưng lý do ngăn chặn thỏa thuận đó không được tiết lộ.

"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu CFIUS không định nhúng tay vào thỏa thuận này", Anne Salladin, đại diện cho công ty luật Stroock & Stroock, đã đề cập đến thỏa thuận giao dịch chứng khoán Chicago.

Cũng trong tuần này, Fairchild Semiconductor, một công ty có trụ sở tại California, đã từ chối lời đề nghị từ hai công ty được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Đó là China Resources và Hua Capital, như Financial Times đưa tin.

Hai công ty Trung Quốc này đã đấu giá 2,6 tỷ đô la cho Fairchild, nhưng Fairchild từ chối vì những lo ngại về luật lệ Hoa Kỳ, và chấp nhận giá thầu thấp hơn từ một đối thủ khác có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Mặc dù không phải tất cả các công ty thực hiện thu mua là doanh nghiệp nhà nước, họ vẫn cần phải có sự chống đỡ hoàn toàn của chính phủ Trung Quốc để hoàn thành các giao dịch nước ngoài. Lý do chính là để chi trả cho việc mua lại, nghĩa là họ cần sự cho phép để thu thập đủ ngoại tệ, một công việc được chính phủ giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, với khối lượng giao dịch như dạo gần đây, có vẻ như chính phủ Trung Quốc ủng hộ phong trào thu mua doanh nghiệp nước ngoài. Đó chính xác là điều khiến những người quan tâm đến vấn đề này đang lo lắng.

Nguồn : Theo SAGA.VN
Hà Thảo