Khi bạn nợ nần chồng chất hay khi bạn không thể đạt được mức tiết kiệm cao ngất ngưởng mà mình mong muốn, bạn sẽ sa lầy vào ý nghĩ rằng cách duy nhất để giàu có là phải trúng số độc đắc.
Ý nghĩ trên một phần bắt nguồn từ việc xã hội ngày nay luôn thần tượng những người thành công. Sẽ chẳng ai ca ngợi một anh chàng đạp xe đi làm, tự nuôi trồng thực phẩm và nấu nướng, mua sắm ở những cửa hàng bình dân hay toàn đi mượn sách ở thư viện. Tỏ ra có tiền là cách sống không hề phù phiếm, chúng có thể dẫn ta tới sự giàu có thực sự.
Bắt đầu từ những thứ nhỏ bé
Tôi không thể nhớ nổi điều mà tôi đã làm khi quyết định thoát khỏi cảnh nợ nần. Tôi chỉ biết rằng đó là một việc làm nhỏ bé. Bạn biết đấy để có được một quyết định quan trọng bạn phải mất cả tháng trời suy nghĩ nhưng hàng tỉ những việc nhỏ nhặt lại có thể được giải quyết ngay lập tức.
Việc tiết kiệm tiền cho các giao dịch lớn như mua nhà hay mua xe thực sự là một điều quan trọng. Khi món hàng có giá trị càng lớn thì số tiền bạn tiết kiệm được càng nhiều, nhưng những giao dịch lớn thì lại khá hiếm khi xảy ra. Thử đếm lại số lần bạn chi hơn 2 triệu đồng cho các vật dụng cá nhân của mình là bao nhiêu?
Bạn sẽ có nhiều cơ hội tiết kiệm hơn khi mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa. Bạn có thể sử dụng phiếu giảm giá, mua số lượng lớn, mua hàng ở các chi nhánh hoặc so sánh giá cả các nơi trước khi mua. Bạn có thể tiết kiệm ngay hôm nay. Mỗi tuần tiết kiệm 10 nghìn đồng tiền ăn trưa có thể không phải là một khoản tiền to lớn nhưng sau hơn một năm con số sẽ lên tới 3.6 triệu. Nếu đem những con số này gộp lại với nhau thì chúng sẽ là một khoản không hề bé nhỏ.
Tích tiểu thành đại
Bạn có thể tiết kiệm mỗi tuần 70 nghìn tiền ăn trưa khi đổi sang một món khác rẻ hơn, tiết kiệm được 100 nghìn mỗi tuần khi mua những đồ hạ giá, và tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền rau trong suốt 3 tháng hè bằng việc tự trồng các loại rau củ. Tuy những thay đổi này chỉ là những điều nhỏ bé nhưng chính chúng sẽ tiết kiệm cho bạn tới hơn 10 triệu đồng mỗi năm.
Hãy nhớ rằng: Kiếm một đồng không bằng tiết kiệm một đồng. Bạn kiếm được những đồng tiền trước thuế và chi tiêu những đồng tiền sau thuế. Điều này có nghĩa là số tiền còn lại để chi tiêu phụ thuộc vào mức thuế bạn phải đóng. Ví dụ nếu kiếm được 9 triệu đồng một tháng thì trên thực tế bạn chỉ bỏ túi được 8.1 triệu với mức thuế thu nhập cá nhân là 10%.
Tôi luôn tin rằng kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ. Khi bạn đã bắt đầu thói quen tiết kiệm thì việc cắt giảm chi tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn có thể áp dụng phương pháp tiết kiệm này cho mọi hoàn cảnh.
Một tương lai không chắc chắn
Một số người “không ưa” việc tiết kiệm. Họ đánh đồng tiết kiệm với sự túng quẫn và cho rằng nó sẽ làm mất giá trị của họ. Số khác cũng không chịu tiết kiệm vì cho rằng nếu làm vậy cũng chưa chắc đã giàu. Một số thì không chịu tiết kiệm bởi họ chẳng biết liệu mình có còn sống được đến ngày mai. Cá nhân tôi cho rằng những suy nghĩ này thật là điên rồ vì:
Thứ nhất, bạn nghĩ rằng mua sắm đem lại niềm vui nhưng trên thực tế không phải như vậy. Thứ hai, hầu hết cuộc sống của chúng ta đâu chỉ kéo dài ngày một ngày hai, vậy bạn chọn sống theo kiểu nào:
- Bạn tiết kiệm và đầu tư cả đời nhưng rồi cũng không thể mang theo khi chết;
- hay, cứ tiêu dù bây giờ bạn chẳng có nhiều để rồi khi về già bạn không đủ tiền chi trả cho những khoản tối thiểu nhất?
Gần đây tôi có cuộc nói chuyện với một người quen của mình, bà hiện đang điều hành một viện dưỡng lão. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện về những người cao tuổi nghèo khó. Chất lượng cuộc sống của họ rất thấp. Vậy thì nếu bạn nghĩ việc tiết kiệm lúc còn trẻ là quá khó khăn, hãy cứ tiêu xài theo ý muốn, nhưng khi ở tuổi 70, 80 hay thậm chí 90 bạn sẽ phải khổ sở chắt bóp từng đồng một để trang trải cho những chi tiêu tối thiểu nhất của bản thân.
Hãy nhớ rằng: Đừng nhầm lẫn giữa tiết kiệm với bạc đãi bản thân. Nếu việc tiết kiệm làm bạn cảm thấy bị gò bó thì đôi khi cũng nên nới lỏng chi tiêu của mình một chút. Tôi không có ý ủng hộ việc chi tiêu vượt quá khả năng, điều tôi muốn nói ở đây là nếu sáng nay bạn có chi nhiều hơn một chút cho loại sữa chua bạn thích hay cho miếng thịt mà bạn muốn ăn thì cũng không sao cả. Nếu bạn không thích mua sắm ở các cửa hàng bán đồ hàng thùng thì đừng tiếp tục mua ở đó.
Bạn biết đấy, việc tiết kiệm là một phần cực kì quan trọng của tài chính cá nhân và không hẳn người nào cũng có cách tiết kiệm giống nhau. Ví dụ như bản thân tôi có thể sẵn sàng cắt giảm việc mua sắm quần áo và đi lại nhưng lại không thể hạn chế việc chi tiêu cho thực phẩm. Trái lại, đối với bạn, thực phẩm có thể là khoản chi tiêu bạn sẵn sàng cắt giảm nhưng bạn sẽ chẳng dám làm điều tương tự với việc mua sắm quần áo.
Tiết kiệm không có nghĩa là sống như một kẻ ăn xin. Tiết kiệm là một điều tốt. Tiết kiệm là một sự chọn lựa có trách nhiệm. Khi chúng ta hạn chế chi tiêu vào những thứ không quan trọng thì sẽ có điều kiện “nuông chiều” bản thân bằng những điều mà ta coi trọng hơn trong cuộc sống.