Thuế Thu Nhập Cá Nhân Từ Đầu Tư Chứng Khoán

24/10/2014 - 14:57 14408     0

Một bài viết hay nhằm giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về thuế thu nhập cá nhân trong đầu tư chứng khoán.  

Thuế thu nhập cá nhân của nhà đầu tư

Thị trường Chứng Khoán Việt Nam còn non trẻ, nhà đầu tư nội cũng còn non trẻ (so với thị trường chứng khoán có tuổi đời hàng trăm năm của Mỹ thì 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam là một con số rất khiêm tốn). Có quá nhiều rủi ro trong đầu tư chứng khoán, trong đó có rủi ro do bắt nguồn từ cơ chế, chính sách (chẳng có ở đâu ủy ban chứng khoán lại trực thuộc bộ Tài chính như tại Việt Nam). Việc đánh thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán có ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường. Tôi xin có những ý kiến như sau về chính sách đánh thuế thu nhập từ chứng khoán.

Phần chênh lệch (nếu có) giữa trước và khi kết thúc đầu tư gọi là lợi nhuận. Lợi nhuận đầu tư được hình thành từ 2 nguồn:

  1. Cổ tức do công ty cổ phần trả;
  2. Chênh lệch thị giá

1. Cổ tức

Cổ tức là phần lợi nhuận mà công ty cổ phần phải trả cho nhà đầu tư (NĐT) sau khi Công ty cổ phần (CTCP) trừ đi các nghĩa vụ với nhà nước và trích lập các quỹ theo quy định trong điều lệ Công ty. Rõ ràng, cổ tức này hình thành từ một  phần trong số tiền mà NĐT bỏ ra để mua cổ phiếu.

Ta xét ví dụ sau:

NĐT mua cổ phiếu A, theo giá tại lúc mua là 100.000 đồng/cổ phiếu. 100.000 đồng = 10.000 đồng (mệnh giá là 10 000 đồng) + 90.000 đồng (biến động tăng giá). CTCP đã sử dụng phần mệnh giá (10.000 đồng) để kinh doanh nhằm sinh lợi nhuận. Cổ tức của NĐT được chia là một phần trong lợi nhuận .

Vì thế tôi thấy NĐT không buộc phải đóng thuế thu nhập cá nhân, do đã được CTCP thực hiện nghĩa vụ đóng thuế trước đó (lợi nhuận đem chia cho cổ đông là lợi nhuận ròng sau khi trừ đi các khoản thuế).

2. Chênh lệch thị giá

Đây là phần có tính chất rủi ro cao, đôi khi chênh lệch dương (+), cũng có khi chênh lệch âm (-). Ở đây, xét trường hợp chênh lệch dương (+) (giá thị trường của cổ phiếu ở thời điểm kết thúc đầu tư lớn hơn lúc mua vào).

Để có phần chênh lệch này, NĐT phải tốn 3 chi phí cơ bản sau:

  • Chi phi giao dịch chứng khoán: trả cho Công ty chứng khoán
  • Chi phí tìm kiếm và phân tích thông tin : Internet, sách báo, thông tin phân tích thương mại,…
  • Chi phí vốn đầu tư/chi phí cơ hội: đó là lãi suất nếu NĐT đi vay mượn để đầu tư hoặc lãi suất ngân hàng nếu NĐT không đi mua cổ phiếu mà gửi vào ngân hàng, hoặc nguồn lợi từ mục đích sử dụng khác của lượng vốn này.

Ngoài ra, bản chất của “phần chênh lệch thị giá” này rất đặc biệt. Xét lại ví dụ nêu trên, chúng ta thấy phần 90.000 đồng/cố phiếu mà NĐT sau trả cho NĐT trước không được đưa vào quá trình sản xuất để hình thành sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu. Có thể nói rằng, đây là vốn của NĐT này chuyển sang cho NĐT khác.

Đây cũng có thể xem là khoản đầu tư vào niềm tin (niềm tin vào sự phát triển của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đó, vào mức độ phát triển trong lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của cổ phiếu đó và cũng là mức độ phát triển kinh tế của đất nước, khu vực, …).

Nếu chênh lệch thị giá là (+), nghĩa là “niềm tin” của NĐT trước đó là đúng. Do vậy, NĐT sau mới mua lại “niềm tin” ấy. Tuy nhiên, cũng không thể đảm bảo rằng “niềm tin” đó sẽ tồn tại cho đến hết chu kỳ đầu tư của NĐT sau.

Việc đánh thuế vào phần thu nhập này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư. Một tác động có thể nhận thấy là mức thuế cao sẽ làm NĐT mau chóng hết vốn.

Hướng đến mục tiêu phát triển ổn định thị trường chứng khoán, cá nhân tôi đề nghị mức thuế phần là  3%, sau đó lũy tiến nhưng không quá 6%.


Saga App

Saga App