Hệ số thu nhập trên đầu tư (ROI) được sử dụng như là một cách thức tiện lợi để xác định mức độ ảnh hưởng của biên lợi nhuận so với doanh thu và tổng tài sản. Mục đích của công thức này là so sánh cách thức tạo lợi nhuận của một công ty, và cách thức công ty sử dụng tài sản để tạo doanh thu.
Thu nhập ròng Doanh số bán Thu nhập ròng
ROI = ------------------- x ------------------ = --------------------
Doanh số bán Tổng tài sản Tổng tài sản
Theo công thức trên thì tỷ lệ "Thu nhập ròng/Doanh số bán hàng" chính là thước đo biên lợi nhuận, và đó cũng chính là chỉ số phản ánh cách thức tạo ra lợi nhuận của công ty. Còn tỷ số "Doanh số bán hàng/Tổng tài sản" thể hiện cách thức công ty khai thác nguồn lực của mình để tạo ra doanh thu. Rõ ràng nếu khả năng sử dụng tài sản của công ty là không đổi thì hệ số thu nhập trên đầu tư phụ thuộc chặt chẽ vào biên lợi nhuận: tỉ suất lợi nhuận càng cao thì ROI càng cao và ngược lại. Trường hợp mức độ sử dụng nguồn lực không đổi mà vẫn có biên lợi nhuận cao phản ánh khả năng kinh doanh khéo léo của công ty: Marketing thu hút nhiều khách hàng, nắm được cơ hội bán hàng khi thị hiếu khách hàng đang tăng... Còn khi biên lợi nhuận không đổi, doanh số bán hàng càng cao thì chứng tỏ cách khai thác tài sản của công ty càng hiệu quả, và lúc đó kéo theo ROI cao.
Viết một cách ngắn gọn thì tỷ lệ thu nhập trên đầu tư được tính bằng cách chia thu nhập ròng (lợi nhuận) cho tổng giá trị tài sản của công ty nhân với 100 để thể hiện dưới dạng phần trăm (%). Hệ số này thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của một công ty với một lượng tài sản nhất định trong tay, chính vì vậy nó là một công cụ để ra quyết địnhtài chính cho các nhà đầu tư, như mua trái phiếu, cổ phiếu... Nhưng quan trọng hơn là đối với các nhà quản lý, ROI là chỉ tiêu thông thường về mức độ lợi nhuận mà mức độ đó lại được dùng để đánh giá hiệu quả của khả năng sử dụng các nguồn lực đã được giao phó cho công ty. Việc kiểm soát ROI sẽ giúp cho nhà quản lý đánh giá hiệu quả của công tác hoạch định và các hoạt động sản suất khác.