Position, Long Position, Short Position / Thế Giá Lên, Thế Giá Xuống

Định nghĩa

Thuật ngữ "position" (thế) trong tài chính có rất nhiều nghĩa, điển hình nhất, có thể hiểu "thế"  là tình trạng nắm giữ, sở hữu của một nhà đầu tư nào đó đối với một số lượng chứng khoán trong những điều kiện nhất định của thị trường, thường liên quan đến biến động giá chứng khoán.

Saga giải thích

Ngoài ra, có thể hiểu đó là một cam kết mua hoặc bán một số lượng nhất định chứng khoán hay hàng hóa, là một số lượng chứng khoán hoặc hàng hóa nhất định được một người hoặc một công ty nào đó nắm giữ.

Theo nghĩa thứ nhất, người ta phân ra thành hai thế chính: thế giá lên (long position) và thế giá xuống (short position). Thế giá lên là tình trạng nhà đầu tư đã bỏ tiền mua một loại chứng khoán và hy vọng sẽ kiếm lời khi giá tăng. Và ngược lại, thế giá giảm là tình trạng nhà đầu tư đã tham gia vào một thương vụ và sẽ kiếm lời khi giá giảm.

Ví dụ: khi một nhà đầu tư dự đoán rằng giá một cổ phiếu X hiện đang là $50/cp sẽ tăng lên $70/cp trong vòng 2 tuần nữa. Anh ta lập tức ký một hợp đồng mua quyền chọn mua với phí quyền chọn $3/cp, giá thực hiện là $60/cp và thời hạn 2 tuần, người ta gọi đây là việc "mở thế giá lên". Sau 2 tuần, giá cổ phiếu X thậm chí tăng lên đến $75/cp, nhà đầu tư yêu cầu được thực hiện quyền chọn mua của mình để lấy số chứng khoán đó hoặc ăn chênh lệch $15/cp, việc này gọi là "đóng thế giá lên". Sau khi trừ đi phí quyền chọn $3/cp anh ta vẫn lãi được $12/cp.

Thế giá lên và thế giá xuống gắn chặt với các hoạt động đầu cơ giá lên và đầu cơ giá xuống, thông qua việc sử dụng các công cụ phái sinh như hợp đồng quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn.

Tương ứng với mỗi thế, các nhà đầu tư, đầu cơ có những kỹ thuật kiếm lời riêng. Khi nhà đầu tư cho rằng, giá cổ phiếu X nào đó sắp sửa tăng, bước thứ nhất, họ sẽ mua vào. Không phải lúc nào các nhà đầu tư cũng sử dụng toàn bộ số tiền đầu tư của mình để mua trực tiếp cổ phiếu, mà thường mua các công cụ phái sinh gắn với cổ phiếu, theo đó họ có thể sẽ nắm được quyền sở hữu với một số lượng cổ phiếu lớn hơn trong tương lai. Lúc giá tăng thực sự, nhà đầu tư sẽ tiến hành bước hai là bán số cổ phiếu mình đã mua trước đó, hoặc bán các quyền gắn với việc sở hữu những cổ phiếu đó để thu lợi.

Ngược lại, khi dự đoán giá giảm nhà đầu tư thường bán cổ phiếu ra ngay, trong trường hợp không có cổ phiếu đó trong tay họ thậm chí còn thể "vay" để bán (bán khống). Lúc cổ phiếu rớt giá thực sự, nhà đầu tư sẽ tung tiền ra mua ngược trở lại để khôi phục danh mục đầu tư của mình, hoặc để trả số chứng khoán đã vay.

Như vậy, khi phát hiện thị trường đang tồn tại một thế, tức là sắp có biến động giá với một loại chứng khoán nào đó, bao giờ các nhà đầu tư chứng khoán cũng tiến hành 2 thao tác mua/bán hoặc bán/mua đối ứng, tùy thuộc vào dự đoán của anh ta. Thao tác thứ nhất của nhà đầu tư được gọi là "mở thế", thao tác thứ hai kết thúc "thế" để ăn chênh lệch gọi là "đóng thế".




Góp ý