Ponzi Scheme, Ponzi Scam / Kế Hoạch Ponzi

Định nghĩa

Một hoạt động đầu tư lừa đảo hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao với ít rủi ro. Mô hình này đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư tham gia trước bằng cách mời gọi thêm các nhà đầu tư mới. "Kế hoạch Ponzi" chỉ mang lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư đến sớm, cho đến khi nào còn có nhà đầu tư mới tham gia.

"Kế hoạch Ponzi" được đặt theo tên của Charles Ponzi, một kế toán tại Boston, người đầu tiên đưa ra mô hình lừa gạt này năm 1919. Từ một kẻ vô danh và rỗng túi, hắn trở nên nổi tiếng và giàu có toàn nước Mỹ. Ponzi nổi tiếng đến mức "Ponzi scheme" và "Ponzi Finance" có mặt trong giáo trình tất cả các trường đại học ở Mỹ và Ponzi có hẳn 1 website dành cho mình là http://www.mark-knutson.com/.

Saga giải thích

Cấu trúc “Ponzi”

Trong giai đoạn đầu, những kẻ lừa đảo thường đưa ra những lời hứa hẹn rất hấp dẫn. Việc vốn đầu tư được sử dụng như thế nào được giải thích bằng những hoạt động nghe có vẻ hợp lý nhưng lại chung chung, như “đầu tư vào lĩnh vực giải trí”.

Đầu tiên, một số nhỏ nhà đầu tư bị thu hút và tham gia thử một số tiền nhỏ. Một thời gian sau, họ nhận lại được số vốn ban đầu cộng với khoản lãi suất rất cao. Tới lúc này, những nhà đầu tư đó bắt đầu tin tưởng và đầu tư số tiền lớn hơn. Dựa trên phương thức truyền miệng hoặc qua mạng, cơ hội đầu tư này nhanh chóng được biết tới.

Vì những người đi trước đúng là đã thu được lợi nhuận nên những người khác nhanh chóng tin theo và tham gia đầu tư. Theo thời gian, số người tham gia càng lúc càng nhiều do hy vọng họ có cơ hội nhận được lãi suất lớn. Trên thực tế, lãi suất được trả cho các nhà đầu tư không đến từ các khoản lợi nhuận thật sự của bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.

Số tiền thu được từ những nhà đầu tư tới sau sẽ được dùng để trả cho những nhà đầu tư ban đầu. Khoản tiền thừa chui vào túi kẻ lừa đảo. Hệ thống này có thể được duy trì khá lâu, do vốn chảy vòng quanh. Những nhà đầu tư ban đầu thấy thu được lợi nhuận lớn lại tiếp tục đầu tư một khoản tiền lớn hơn vào. Và số tiền tái đầu tư này lại được đem trả cho những nhà đầu tư khác.

Mô hình Ponzi khá gần với mô hình kim tự tháp bởi cả 2 mô hình đều sử dụng tiền của những nhà đầu tư mới để trả cho những người đến trước. Một điểm khác biệt giữa 2 mô hình này là trong "kế hoạch Ponzi", người điều khiển sẽ tập hợp tất cả tiền từ những nhà đầu tư mới, sau đó mới phân chia chúng. Còn trong mô hình kim tự tháp, mỗi nhà đầu tư sẽ hưởng lợi trực tiếp dựa trên số nhà đầu tư mới mà họ mời gọi được. Trong trường hợp này, người đứng đầu kim tự tháp không có khả năng tiếp cận với tất cả tiền trong hệ thống.

Tuy nhiên, trong cả 2 mô hình, sẽ đến lúc không còn đủ tiền để lưu chuyển giữa người này hay người khác- và đó chính là lúc mô hình bị sụp đổ.




Góp ý