Đây là một tập hợp các lý thuyết xác nhận rằng một số ngày tháng hoặc thời gian nào đó trong năm sẽ có sự biến động về giá cao hơn mức bình quân, tác động đến các chỉ số thị trường và do đó cho thấy thời gian nào là tốt hay không tốt để đầu tư. Dưới hiệu ứng niên lịch còn có các hiệu ứng cụ thể như : hiệu ứng ngày thứ 2, hiệu ứng tháng 10, hiệu ứng Halloween, hiệu ứng tháng một...
Hiệu ứng tháng một là hiệu ứng trong đó xét một cách tổng thể thì giá cả của các chứng khoán tăng trong tháng một. Thông thường, người ta quy kết sự tăng giá này là do các nhà đầu tư mua vào các loại chứng khoán mà giá của chúng vừa mới giảm xuống do việc bán ra hàng loạt của các nhà đầu tư vào cuối tháng 12 nhằm giảm khoản thuế phải nộp trên thặng dư vốn hoặc thu tiền để chuẩn bị cho các kì nghỉ...
Người ta cho rằng hiệu ứng tháng một ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có mức vốn hoánhỏ nhiều hơn các doanh nghiệp có mức vốn hoá trung bình và lớn. Tuy nhiên xu hướng này hiện nay không còn rõ nét nữa bởi thị trường luôn có sự điều chỉnh liên tục trước các hiệu ứng. Một lý do nữa khiến cho hiệu ứng này ngày nay không còn quan trọng nhiều như trước nữa đó là ngày càng có nhiều người sử dụng các kế hoạch nghỉ hưu (retirement plans) tạo vỏ bọc về thuế nên họ không cần bán chứng khoán vào cuối năm để giảm thuế nữa.
Hiệu ứng tháng 10 là hiệu ứng thừa nhận rằng các chứng khoán có xu hướng giảm giá trong suốt tháng 10. Một vài nhà đầu tư có thể lo lắng trong suốt tháng 10 bởi đây là thời gian mà trong lịch sử, nhiều thị trường đã bị sụp đổ trong tháng này. Ngày thứ hai đen tối, thứ ba đen tối và cả thứ năm đen tối đều xảy ra vào tháng 10 năm 1929, sau đó là cuộc đại suy thoái nổi tiếng mà chúng ta đã biết. Thêm vào đó cuộc suy thoái năm 1987 được cho là bắt đầu xảy ra vào ngày 19 tháng 10, ngay sau đó chỉ số Dow đã sụt giảm tới 22.6% trong vỏn vẹn có một ngày. Ngày nay, hiệu ứng tháng 10 chủ yếu được coi là một kì vọng có tính tâm lý học hơn là một hiện tượng thực tế. Phần lớn các số liệu thống kê đều đi ngược lại với lý thuyết này.
Hiệu ứng ngày thứ hai là lý thuyết cho rằng thu nhập từ thị trường chứng khoán vào ngày thứ hai sẽ tiếp nối xu hướng từ ngày thứ 6 trước đó. Vì thế, nếu ngày thứ 6 thị trường đi lên thì xu hướng này sẽ tiếp tục vào ngày thứ hai tới, sau ngày nghỉ cuối tuần. Một vài nghiên cứu đã cho thấy sự liên hệ tương tự, nhưng không có nghiên cứu nào có thể lý giải một cách chính xác sự tồn tại của hiệu ứng ngày thứ hai.
Phần lớn các bằng chứng của các hiệu ứng trên đều là giai thoại, mặc dù cũng có một số trường hợp thống kê đúng với các lý thuyết này, và thông thường thì những bằng chứng này cũng đã đủ để khiến cho nhiều nhà đầu tư tin vào hiệu ứng niên lịch.