Khi nghiên cứu các mô hình kinh tế, các nhà kinh tế luôn hướng tới việc tìm hiểu cơ chế dẫn đến các trạng thái cân bằng, đặc biệt trong dài hạn. Trên thực tế, nền kinh tế luôn bị các biến động làm đi chệch khỏi cân bằng dài hạn, gọi là các sốc (shock). Các sốc này có thể tác động rất lâu dài, hoặc rất chóng vánh, có thể dự kiến được hay hoàn toàn bất ngờ. Tùy vào loại sốc, mà dưới tác động của nó nền kinh tế có thể vẫn ở nguyên vị trí cân bằng hay bị dịch chuyển sang trạng thái khác. Quá trình điều chỉnh của nền kinh tế để trở về trạng thái cân bằng có thể nhanh hoặc chậm.
Hành trình nền kinh tế khi chịu tác động của sốc, dịch chuyển trở lại vị trí cân bằng được gọi là "chu kỳ kinh doanh", mặc dù trên thực tế, hành trình này có vẻ không giống như các loại chu kỳ chúng ta thường gặp.
Ý nghĩa của nó như sau. Cho dù nền kinh tế không ở trạng thái cân bằng khi hành trình điều chỉnh đang diễn ra, nhưng các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế sẽ "ứng xử" một cách tối ưu trong chu kỳ kinh doanh đó, để hướng tới trạng thái cân bằng dài hạn.
Trên thực tế, chu kỳ kinh doanh là một dãy các trạng thái nền kinh tế đi qua, được gọi là dãy các điểm cân bằng tạm thời, và người ta xem mỗi điểm cân bằng tạm thời đó là trạng thái tối ưu tại thời điểm xác định. Dãy các trạng thái này được gọi là một mô hình về cân bằng liên thời.
Khái niệm này đặc biệt quan trọng đối với các chính sách kinh tế vĩ mô hiện đại, được xử lý theo phương pháp nghiên cứu DGE, và là một phần thiết yếu của nền tảng cho các chính sách ổn định kinh tế của các chính phủ.