Định nghĩa
Marketing mục tiêu bao gồm cả việc phân khúc thị trường và tập trung những nỗ lực marketing vào một hoặc một vài phân khúc trọng yếu, trong đó có các khách hàng tiềm năng có nhu cầu và mong muốn phù hợp nhất với sản phẩm, dịch vụ của bạn. Đó có thể là chìa khóa để bạn thu hút khách hàng mới, làm tăng doanh số bán hàng, và đưa doanh nghiệp tiến tới thành công.
Điều tuyệt vời của marketing mục tiêu nằm ở chỗ, bằng cách tập trung nỗ lực marketing vào những nhóm người tiêu dùng cụ thể, việc quảng cáo, định giá và phân phối sản phẩm, dịch vụ của bạn sẽ trở nên dễ dàng và tiết kiệm nhiều chi phí hơn.
Nó tạo ra một tụ điểm cho tất cả các hoạt động marketing của bạn.
Lấy ví dụ là một công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tận nhà. Sau khi đã xác định thị trường mục tiêu của mình, thay vì chèn một mẩu quảng cáo nhỏ trên báo mà chẳng ai quan tâm, công ty này có thể đánh vào thị trường mong muốn bằng cách sử dụng các chiến dịch email marketing, tờ rơi quảng cáo dịch vụ giao hàng chỉ dành riêng cho người dân trong một khu vực cụ thể hay chạy quảng cáo Facebook nhắm mục tiêu theo vị trí địa lý. Cách này sẽ giúp họ tăng lợi tức đầu tư (ROI) vào marketing, đồng thời giúp đem lại nhiều khách hàng hơn.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, LinkedIn, Twitter và Instagram có các tùy chọn tinh vi cho phép các doanh nghiệp nhắm mục tiêu người dùng dựa trên phân khúc thị trường. Chẳng hạn, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BnB (*) có thể nhắm mục tiêu vào những người dùng Facebook đã kết hôn bằng một quảng cáo cho gói nghỉ dưỡng cuối tuần lãng mạn. LinkedIn có định hướng B2B tốt hơn - bạn có thể nhắm mục tiêu tới các doanh nghiệp theo nhiều tiêu chí khác nhau như số lượng nhân viên, ngành nghề, vị trí địa lý, v.v.
Phân khúc thị trường có thể được chia theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc bạn muốn cắt “miếng bánh” thị trường như thế nào. Tuy nhiên có ba kiểu phân chia phổ biến nhất là:
Phân khúc nhân khẩu học
Nhóm nhân khẩu học dựa trên các thống kê có thể đo lường, ví dụ như:
- Giới tính
- Tuổi tác
- Mức thu nhập
- Tình trạng hôn nhân
- Giáo dục
- Chủng tộc
- Tôn giáo
Phân khúc nhân khẩu học thường là tiêu chí quan trọng nhất để xác định thị trường mục tiêu. Điều này làm cho thông tin, số liệu về nhân khẩu học trở nên rất quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp.
Ví dụ, một khảo sát uy tín cho thấy bia là thức uống được lựa chọn hàng đầu bởi những người dưới 54 tuổi (đặc biệt là độ tuổi 18-34) trong khi nhóm người từ 55 tuổi trở lên lại thích rượu vang, thì một nhà cung cấp rượu sẽ muốn nhắm mục tiêu marketing vào nhóm đối tượng trên 55 tuổi theo như kết quả của khảo sát trên.
Phân khúc địa lý
Phân khúc địa lý bao gồm việc phân chia thị trường dựa trên vị trí địa lý. Địa chỉ nhà là một ví dụ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp, phân khúc này có thể được chia theo nhiều cách như sau:
- Khu vực lân cận
- Mã bưu điện/mã zip
- Mã vùng
- Tỉnh/thành phố
- Quận/huyện
- Khu vực
- Quốc gia (nếu công ty của bạn là công ty đa quốc gia)
Phân khúc địa lý dựa trên một quan điểm rằng những nhóm người tiêu dùng trong một khu vực địa lý cụ thể sẽ có những nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Ví dụ, một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc cây xanh, thảm cỏ sẽ tập trung nỗ lực marketing vào một ngôi làng hoặc một khu vực cụ thể mà có nhiều người cao tuổi sinh sống.
Phân khúc tâm lý
Phân khúc tâm lý phân chia thị trường mục tiêu dựa trên các tầng lớp kinh tế - xã hội, tính cách cá nhân, sở thích hoặc lối sống. Phạm vi kinh tế - xã hội bao gồm từ những người giàu có và trình độ học vấn cao cho tới những người không được học hành và không có nghề nghiệp. Dựa trên một cuộc khảo sát độc giả toàn quốc tại Anh Quốc, các tầng lớp xã hội được phân chia theo những lĩnh vực sau:
Nhóm
|
Địa vị xã hội
|
Nghề nghiệp
|
A
|
Thượng lưu
|
Những người quản lý, chuyên viên cấp cao trong nghề
|
B
|
Trung lưu
|
Quản lý, chuyên viên cấp trung
|
C1
|
Trung lưu bậc dưới
|
Quản lý, giám sát, thư kí, nhân viên cấp cơ sở
|
C2
|
Lao động lành nghề
|
Công nhân, lao động lành nghề
|
D
|
Tầng lớp lao động
|
Buôn bán nhỏ lẻ, lao động phổ thông
|
E
|
Tầng lớp có mức sống thấp nhất xã hội
|
Những người đã về hưu (không có nguồn thu nào khác), người thất nghiệp, lao động giá rẻ
|
Cơ sở để phân chia khách hàng theo lối sống bao gồm nhiều thứ như giá trị tinh thần, niềm tin, sở thích, v.v.Ví dụ như có người thích ở thành thị hơn là lối sống vùng nông thôn hoặc ngoại ô, hay có người thích nuôi thú cưng còn có người lại quan tâm đến các vấn đề môi trường.
Phân khúc tâm lý dựa trên lý thuyết rằng những hành vi mua sắm và sử dụng dịch vụ của một người sẽ phản ánh sở thích về lối sống hoặc tầng lớp kinh tế - xã hội của người đó.
Một case study (ví dụ) điển hình về marketing mục tiêu - Nhà hàng McDonald's
McDonald's là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới, và đây cũng chính là một trong những ví dụ thành công nhất về việc marketing mục tiêu dựa trên nhân khẩu học. McDonald's nhắm tới đối tượng là trẻ con, thanh thiếu niên và các cặp vợ chồng trẻ ở thành thị bằng cách tạo ra các khu vui chơi, cung cấp wifi miễn phí, những “Bữa ăn vui vẻ" (Happy Meals) với nhiều đồ chơi thú vị như nhân vật hoạt hình của Disney và chiến dịch quảng cáo có khẩu hiệu “Nuôi dưỡng đứa trẻ bên trong bạn” (Feed Your Inner Child).
Chính việc tập trung quảng cáo tới đối tượng mục tiêu kết hợp với giá cả hợp lý đã giúp McDonald's chiếm đến 25% thị phần thức ăn nhanh ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thế hệ Y (**) đang bùng nổ và vượt qua thế hệ baby boomer (***) để trở thành thế hệ đông đảo nhất ở Mỹ. Doanh số của McDonald's bị sụt giảm do thực đơn đồ ăn nhanh của McDonald's với các món phổ biến như Big Mac và khoai tây chiên đã mất đi sức hút của mình với thế hệ Y. Để ứng phó với vấn đề này, McDonald's đã thay đổi chiến lược marketing của họ, nhắm mục tiêu vào thế hệ Y bằng cách tung ra thị trường và quảng cáo những thực đơn lành mạnh, đồ ăn tươi ngon tốt cho sức khỏe và các sản phẩm cà phê cao cấp như espressos.
Chú thích:
(*) B&B: là viết tắt của Bed and Breakfast, hiểu nôm na “giường ngủ và bữa sáng” là một cơ sở lưu trú nhỏ có giá rẻ, chỉ cung cấp chỗ nghỉ qua đêm và kèm bữa ăn sáng cho khách ở trọ, thường không cung cấp các bữa ăn khác và đa số do các hộ kinh doanh gia đình làm chủ.
(**) Thế hệ Y còn gọi là Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000)
(***) Thế hệ baby boomer: Những người sinh ra vào Thời kì bùng nổ trẻ sơ sinh được gọi là Baby Boomer. Một người được gọi là Baby Boomer khi người đó sinh vào khoảng thời gian từ năm 1946 - 1964 ở Anh, Mỹ, Canada và Australia.