Thị trường lên, cổ đông muốn cổ tức bằng cổ phiếu
Thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là bước vào giai đoạn “hoàng kim” từ cuối năm 2006, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO. Với sự tham gia mạnh mẽ mang tính xúc tác của khối đầu tư nước ngoài, giá của tất cả cổ phiếu niêm yết tăng nhanh chóng, VN-Index tăng điểm mạnh mẽ, từ khoảng 500 điểm lên đến đỉnh 1.179,32 điểm ngày 12/3/2007. Diễn biến của thị trường chứng khoán trở thành tâm điểm trên rất nhiều mặt báo cũng như các mạng truyền thông khác (thậm chí cho đến nay).
Tranh thủ cơ hội trên, việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cũng được nhiều công ty niêm yết, công ty chứng khoán và công ty đại chúng khác tận dụng tối đa. Nhiều công ty trong vòng một năm đã tổ chức hai lần phát hành thêm cổ phiếu.
Tại thời điểm đó, thì việc tăng vốn nói chung, dù được thực hiện để làm gì (tài trợ cho các dự án, xây nhà máy mới, mua tàu biển mới... hay chỉ cần lý do là tăng vốn điều lệ) hay dưới hình thức nào đi chăng nữa (phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành quyền mua cổ phiếu mới) đều được cổ đông ủng hộ nhiệt liệt, đơn giản là cổ phiếu cho dù được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ phân phối thì cũng vẫn tiếp tục tăng giá. Mức cổ tức bằng tiền mặt không thể nào bằng mức lãi do chênh lệch giá.
Tuy nhiên, khi thị trường biến động thì nhà đầu tư càng nắm nhiều cổ phiếu càng lỗ. Cắt lỗ là mục tiêu hàng đầu, nhưng đôi khi trong các đợt phát hành, nhà đầu tư nếu còn nắm cổ phiếu (thực tế có mấy ai hoàn toàn cắt được lỗ?) trước ngày chốt sổ cổ đông thì buộc phải nhận (hoặc mua) cổ phiếu mới, nếu không phải chịu thêm khoản lỗ do điều chỉnh giá tham chiếu.
Ngoài ra, các cổ phiếu mới phải mất 1-2 tháng mới về tài khoản, do đó lỗ càng thêm nặng. Cổ tức bằng tiền mặt, tuy ít những cũng trở thành một khoản thu nhập thật sự. Do đó nhiều người từ chối việc phát hành thêm cổ phiếu, và họ thấy rằng cùng nhau phản đối tại các cuộc họp đại hội cổ đông mới có hy vọng khiến cho đợt phát hành không được thực hiện.
Tôi cho rằng, ở đây có mâu thuẫn trong việc theo đuổi quyền lợi giữa đôi bên: doanh nghiệp và cổ đông. Mâu thuẫn này xuất phát từ sự khác biệt trong chính mục tiêu đầu tư giữa các cổ đông lớn (vốn gắn liền lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của chính mình trong dài hạn) và cổ đông nhỏ (vốn chỉ là cổ đông “tạm thời” – do “lướt sóng”, hay đầu tư ngắn hạn) của cùng một công ty, và sâu xa hơn, nó xuất phát từ sự “ngộ nhận” của nhiều nhà đầu tư cũng như sự “nuông chiều” của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua.
Ngộ nhận 1: Cổ tức cao không phải lúc nào cũng tốt
Trong thời gian qua, nhà đầu tư Việt Nam có vẻ quan tâm đến các thông tin về trả cổ tức hơn là các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân các công ty cũng nhận thức được tầm quan trọng đó và họ thường đưa ra các mức cổ tức cao làm “mồi câu” trước khi thực hiện việc phát hành thêm.
Cổ tức là một trong những chính sách quan trọng của bất cứ công ty cổ phần đại chúng nào trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Lãnh đạo doanh nghiệp luôn cân nhắc thận trọng về chính sách này vì nó phải đáp ứng đồng thời 3 mục tiêu:
- Làm hài lòng các cổ đông qua việc trả cổ tức định kỳ;
- Đảm bảo luôn có tái đầu tư để phát triển doanh nghiệp;
- Mức trả cổ tức phải ổn định để dự phòng cho cả những năm kinh doanh không như mong đợi (vì một khi đã trả cổ tức cao trong một hay vài năm trước, doanh nghiệp sẽ “khó ăn nói” với cổ đông nếu năm sau hạ mức cổ tức xuống).
Trong 3 mục tiêu trên, mục tiêu thứ hai là quan trọng nhất.
Bản thân doanh nghiệp, hay nói cách khác là ban lãnh đạo doanh nghiệp – hơn ai hết hiểu rõ những lợi thế và khó khăn của mình. Họ biết lúc nào công ty cần vốn và cần giữ lại lợi nhuận để bổ sung cho nguồn vốn của mình, cũng như lúc nào mới bắt đầu tăng thêm cổ tức cho cổ đông.
Do đó, nếu doanh nghiệp đang làm ăn tốt, thì nên giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư. Bản thân cổ đông cũng sẽ được hưởng lợi ích cho dù không nhận cổ tức, vì khoản lợi nhuận giữ lại đó sẽ góp phần làm gia tăng các giá trị nội tại của doanh nghiệp, và từ đó sẽ làm tăng giá cổ phiếu trong tương lai.
Nếu phải trả cổ tức trong khi thực tế doanh nghiệp lại đang rất cần vốn, công ty có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu thay cho tiền mặt. Bản chất của việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là một cam kết tái đầu tư của cổ đông để sau đó chính cổ đông sẽ thu được nhiều hơn nữa lợi nhuận trong tương lai.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán được điều chỉnh giảm xuống và trở nên rẻ hơn nữa trong con mắt của nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường đang lên.
Ngộ nhận 2: Cổ tức trả bằng tiền không giúp doanh nghiệp bớt khó khăn
Năm 2008, thị trường chứng khoán đã giúp cho rất nhiều doanh nghiệp huy động thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đó là lợi ích rất lớn mà doanh nghiệp được hưởng. Tuy nhiên, việc huy động vốn dần dần trở nên quá đà, một phần cũng từ sự nuông chiều, dễ dãi của nhà đầu tư và cả thị trường chứng khoán.
Đứng từ góc độ đầu tư, khi giá cổ phiếu đang tăng thì cổ đông (tên gọi khác của nhà đầu tư, ở đây không kể đến dân “lướt sóng”) rất dễ dàng chấp nhận việc tăng vốn của doanh nghiệp mà không quan tâm mấy đến hiệu quả sử dụng vốn tăng thêm đó.
Đứng từ góc độ chủ doanh nghiệp, đây là cơ hội quá lớn để thu hút thêm tiền vốn mà không phải trả lãi vay. Đứng từ góc độ quản lý thị trường, Ủy ban Chứng khoán đã “dễ dãi” khi chỉ bắt công ty công bố bản cáo bạch mà không bắt buộc họ phải công bố bản báo cáo khả thi của việc sử dụng vốn.
Vậy rủi ro là gì? Đó là rủi ro “loãng giá cổ phiếu” do doanh nghiệp phát hành quá mức, cũng như rủi ro cho chính doanh nghiệp do sau này phải dành thêm rất nhiều tiền để trả cổ tức do số cổ phiếu tăng lên quá nhanh và quá nhiều.
Khi thị trường chứng khoán “đảo chiều”, nhà đầu tư còn gánh thêm rủi ro do việc “cắt lỗ không thành công” do cổ phiếu mới phát hành chưa kịp về đến tài khoản để bán đi. Do đó, họ sẽ không chấp nhận việc công ty phát hành thêm cổ phiếu, cho dù chỉ để trả cổ tức (trường hợp này nhà đầu tư không phải nộp tiền giống như phát hành quyền).
Đó là ngộ nhận thứ hai: Trả cổ tức bằng tiền mặt không giúp nhà đầu tư mấy trong việc giảm lỗ mà còn khiến cho doanh nghiệp thêm khó khăn!
Lý do thứ nhất là nền kinh tế nước ta vẫn chưa phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Doanh nghiệp không tránh được tình trạng vật giá đầu vào leo thang, sản xuất đầu ra gặp trở ngại do sức tiêu thụ giảm, thị trường xuất khẩu đang chịu tác động bởi tỷ giá và biến động kinh tế toàn ở các quốc gia khác trên thế giới. Nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán bị thu hẹp do nhà đầu tư phản đối, đi vay ngân hàng thì lãi suất cao.
Do đó, lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước trở thành nguồn vốn hết sức quan trọng và cần được giữ lại để tái đầu tư hay dự phòng cho những khó khăn sắp tới.
Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp đang nhận thức rất rõ. Vì vậy, trả cổ tức bằng tiền mặt khiến cho doanh nghiệp càng thêm khó khăn khi đi tìm thêm nguồn vốn.
Lý do thứ hai là đối với các doanh nghiệp vẫn đang thực sự “ăn nên làm ra” (cho dù có thể không bằng năm trước) nhưng giá cổ phiếu đang bị giảm mạnh, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, tuy hơi khó khăn nhưng sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên: doanh nghiệp và cổ đông.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu vẫn giúp doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, tăng vốn điều lệ để mở rộng thêm các hạn mức cho vay hay huy động vốn (đối với ngành ngân hàng), đồng thời giúp cho giá cổ phiếu trở nên rẻ hơn nữa.
Sâu xa hơn, việc trả cổ tức này sẽ gia tăng giá trị cho cổ đông trong tương lai, căn bản vẫn dựa trên hiệu quả kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Do đó, trừ một số công ty có tốc độ tăng trưởng thấp hay đầu tư dàn trải vào tài chính, chứng khoán hay bất động sản, tôi mạnh dạn cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn vẫn có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu. Chỉ có điều, các chi tiết của việc phát hành thêm cổ phiếu cần được doanh nghiệp cân nhắc thận trọng cho phù hợp với tình hình mới. Lãnh đạo công ty cũng cần minh bạch và công khai nhiều thông tin hơn cho các cổ đông để họ tin tưởng vào tương lai doanh nghiệp cũng như giá trị cổ phiếu.