Bố cục bài viết:
- Giới thiệu.
- Góc nhìn của Drucker và Kotter.
- Sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý.
- Bảy bước thay đổi quan trọng.
- Quan điểm cá nhân.
Giới thiệu
Các doanh nghiệp đôi khi dễ lẫn lộn giữa 2 khái niệm: Lãnh đạo (Leadership) và Quản lý (Management). Nếu cho rằng chúng là một, điều đó có thể làm mờ đi ranh giới giữa hai khái niệm này và kết quả là, nhẹ thì gây ra sự hiểu nhầm về vai trò, nặng thì là những ảnh hưởng chồng chéo có hại cho tổ chức, doanh nghiệp. Quan điểm của tôi là các Nhà lãnh đạo sinh ra để lãnh đạo và Nhà quản lý sinh ra để quản lý, hai phạm trù này rất khác biệt cả về hình thức lẫn chức năng.
Trong khi Peter Drucker nói rằng: "Định nghĩa duy nhất về lãnh đạo là một người có nhiều môn đồ đi theo”, thì giáo sư bộ môn Lãnh đạo của USC, Warren Bennis đã mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta rằng "Lãnh đạo là khả năng biến tầm nhìn thành hiện thực".
Cuối cùng, Kevin Kruse của tờ Forbes cho rằng "Nguồn gốc của lãnh đạo xuất phát từ tầm ảnh hưởng của họ đến xã hội, chứ không phải từ vị trí hay chức quyền". Vậy, từ sự định nghĩa lãnh đạo, quản lý khác lãnh đạo như thế nào?
Góc nhìn của Drucker và Kotter
Peter Drucker, trong tác phẩm lỗi lạc của mình với tiêu đề "Quản lý: Nhiệm vụ, Trách nhiệm và Thực tiễn" (Tên gốc: “Management: Tasks, Responsibilities and Practices”) cho rằng công tác quản lý bao gồm 5 hoạt động cơ bản: thiết lập mục tiêu, tổ chức, thúc đẩy, đo lường và phát triển (bản thân và nhân viên).
Như vậy, quá trình lặp đi lặp lại này bắt đầu khi các nhà lãnh đạo xác định được sứ mệnh/tầm nhìn của mình. Max Du Pree, người điều hành Herman Miller từ năm 1980 đến năm 1987 cho rằng: "Trách nhiệm đầu tiên của người lãnh đạo là phải nhận định được thực tại. Cuối cùng là lời cảm ơn. Giữa hai thứ này, người lãnh đạo phải trở thành một đầy tớ và một con nợ. Đây là tóm tắt quá trình tiến hóa để trở thành một nhà lãnh đạo đích thực".
Tiến sĩ John Kotter của ĐH Harvard giải thích sự khác nhau giữa quản lý và lãnh đạo: "Quản lý là tập hợp các quy trình để duy trì hoạt động của một tổ chức, họ cố gắng đạt được mục tiêu kinh doanh của quý này". Lãnh đạo thì rất khác biệt. Đó là việc liên kết giữa con người với tầm nhìn, là sự cam kết, sự liên lạc, việc tạo động lực và truyền cảm hứng.
Sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý
Mặc dù các quy tắc về lãnh đạo và quản lý gần như có sự chồng chéo một cách tự nhiên trong các kỹ năng cần thiết để thực hiện các chức năng tương ứng của mỗi vai trò này, tuy nhiên mỗi kỹ năng đều có thuộc tính rõ ràng và riêng biệt. Hiểu một cách đơn giản, người lãnh đạo thì lãnh đạo và người quản lý thì quản lý.
Abraham Zaleznick viết trong tờ Harvard Business Review (2004) đã định nghĩa sự khác biệt như sau: "Sự khác biệt giữa nhà quản lý và nhà lãnh đạo nằm ở những quan niệm họ nắm giữ, nằm sâu trong tâm lý của họ, về sự hỗn loạn và trật tự".
Các nhà quản lý nắm bắt quy trình, tìm kiếm sự ổn định, sự kiểm soát, và cố gắng theo bản năng để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Ngược lại, các nhà lãnh đạo chịu đựng sự hỗn loạn, thiếu cơ cấu, sẵn sàng trì hoãn, hy sinh, chịu đựng một vấn đề để cố tìm ra bản chất cốt lõi của vấn đề.
Để thành công, các tổ chức cần cả hai vị trí trên, nhưng việc hợp nhất các vai trò riêng biệt của từng người có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn của việc áp dụng “Nguyên tắc Peter". Thành công trong vai trò quản lý mà thiếu đi sự đào tạo và phát triển khả năng lãnh đạo thì không thể đạt được thành công của vai trò “mong muốn”.
(*) Nguyên tắc Peter: Cách nhận định con người với đúng khả năng
Bảy bước thay đổi quan trọng
Michael Watkins viết trong tờ HBR (2012) rằng Người quản lý có thể trở thành Nhà lãnh đạo nhưng phải trải qua một quá trình biến chuyển, ông gọi đó là " Bảy bước thay đổi quan trọng". Họ phải học cách chuyển đổi:
1. Từ chuyên gia thành nhà quản trị tổng hợp
2. Từ nhà phân tích thành người hợp nhất chuyên môn
3. Từ nhà chiến thuật thành chiến lược gia
4. Từ thợ hồ thành kiến trúc sư
5. Từ người giải quyết vấn đề thành người hoạch định
6. Từ chiến binh thành nhà ngoại giao
7. Từ thành viên hỗ trợ thành vai trò lãnh đạo. (Đây là một bài viết hay cũng đáng đọc).
Nhiều nhà quản lý thành công vẫn có thể vấp ngã khi họ chuyển đổi từ việc lãnh đạo một “bộ phận” sang lãnh đạo một “doanh nghiệp”. Với nhiều người thì đây có thể là lần đầu tiên họ buộc phải đối mặt với trách nhiệm đảm bảo kết quả kinh doanh (P&L) và quản lý các bộ phận chồng chéo khác nhau của một công ty.
Quan điểm cá nhân
Lời khuyên của tôi cho các công ty trẻ đang lên là nên "bước đi nhẹ nhàng" trước khi chuyển một người quản lý tốt thành vai trò lãnh đạo. Hãy mua cuốn sách "Lãnh đạo là một nghệ thuật" của Max Du Pree, cả bạn và người mà bạn đang chuyển sang vai trò lãnh đạo đều phải đọc nó. Có một câu châm ngôn ở Hà Lan rằng "chúng ta già đi quá nhanh trong khi chúng ta khôn lên rất chậm”. Giải pháp cho vấn đề này là phải biết rằng Lãnh đạo là quá trình học hỏi suốt đời. Các nhà lãnh đạo không tự sinh ra, họ tiến hóa trong suốt cuộc đời học hỏi của mình. Người bạn thân của tôi Doug Smollan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Smollan) nói rằng: "Nếu bạn đang còn non, bạn vẫn đang phát triển, còn nếu bạn đã chín muồi, bạn đang bị thối rữa".