Sơ lược về VAMC - Công cụ cứu trợ mới của doanh nghiệp

13/11/2014 - 21:07 23238     0

Trên thế giới, các công ty quản lý tài sản (Asset Management Company - AMC) được thành lập và hoạt động rất hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu.

VAMC xử lý nợ xấu như thế nào

Vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng năm 2008, mô hình này đã giúp nước Mỹ giải cứu được những tổ chức tín dụng (TCTD) sắp “chết”. Hay tại Malaysia, với mô hình Danaharta và việc Chính phủ trao quyền cho tổ chức AMC, nền kinh tế đã được cứu thoát một cách ngoạn mục khi giải phóng thành công 70% khối lượng nợ xấu. Mô hình AMC chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam vào năm 2013 với kỳ vọng rằng cũng sẽ đạt được những thành tựu tương tự. Chúng ta sẽ xem xét vai trò, phương thức hoạt động, cũng như những kết quả ban đầu của công ty này tại Việt Nam.

Vài nét cơ bản về VAMC

Vào thời điểm tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam được báo cáo là 464.000 tỷ đồng, chiếm đến hơn 15% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, vượt xa ngưỡng an toàn mà Ngân hàng Thế giới (World Bank) đặt ra. Trước tình hình đó, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã có động thái đầu tiên, đó là thành lập Công ty Quản lý tài sản (Vietnam Asset Management Company - VAMC) nhằm mua lại những khoản nợ xấu này.

Công ty này được thành lập theo quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Thống Đốc NHNN Việt Nam, là một phần trong đề án xử lý nợ xấu mà NHNN trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với việc thành lập bởi 100% vốn nhà nước, chịu sự quản lý của nhà nước, thanh tra và giám sát trực tiếp bởi NHNN Việt Nam, VAMC được cấp cho số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. Đây là một công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

VAMC làm gì với những khoản nợ xấu?

Ở hầu hết các quốc gia khác, điển hình là Mỹ, AMC thường mua lại các khoản nợ xấu bằng “tiền thật” từ ngân sách chính phủ hay vay mượn từ nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định 53/2013/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC được Chính phủ ban hành vào ngày 18/5/2013 lai hoàn toàn khác biệt.

Nghị định 53 đã nêu rõ công ty VAMC có 2 hình thức mua lại tài sản:

Thứ nhất, các khoản nợ xấu sẽ được mua bằng một loại trái phiếu đặc biệt với giá trị tương đương giá trị trong sổ sách của khoản vay, trừ đi các khoản dự phòng đã trích lập nhưng chưa được sử dụng. Loại trái phiếu này không được giao dịch trên thị trường như các loại trái phiếu thông thường, mà chỉ xuất hiện khi VAMC mua nợ xấu từ TCTD. Thực chất, trái phiếu đặc biệt là quyền được vay tiền để tái cấp vốn từ NHNN với giá rẻ (lãi suất 0%), trong một thời gian nhất định (tối đa là 5 năm).

Loại hình này chỉ áp dụng cho các khoản nợ xấu đáp ứng đủ 5 điều kiện như sau:

  • Khoản nợ xấu của TCTD, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, uỷ thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của NHNN.
  • Khoản nợ xấu này có tài sản bảo đảm.
  • Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.
  • Khách hàng vay chưa bị rút giấy phép hoạt động, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật (đối với doanh nghiệp) hoặc chưa chết, mất tích (đối với cá nhân).

Thứ hai, VAMC có thể xử lý nợ xấu theo tính thị trường, tức là khoản nợ sẽ được mua lại với giá trị thị trường. Loại hình này chỉ được áp dụng khi khoản nợ có khả năng thu hồi đầy đủ khoản tiền dùng để mua nợ xấu, tài sản bảo đảm có khả năng phát mại và khách hàng có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ, bao gồm 5 điều kiện đã nêu trên. Khi đó, giá trị khoản nợ cũng sẽ được đánh giá lại. Thế nhưng, để thực hiện quá trình xử lý nợ xấu giống như một AMC thông thường thì cần phải có một nguồn lực về nhân lực và tài chính dồi dào. Trong khi đó, Nghị định 53 vẫn chưa hề đề cập tới phương thức huy động vốn của VAMC để có nguồn vốn mua nợ và những giải pháp về nhân lực để giải quyết nợ xấu theo loại hình này. Do đó, hình thức mua và xử lý nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt chiếm ưu thế hơn cả.

Sau khi “cuộc mua bán” hoàn tất, VAMC sẽ tiến hành xử lý khoản nợ theo hình thức phát mại hay bán đấu giá khoản nợ và tài sản đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân để thu hồi khoản tiền đã sử dụng để mua nợ. Trong trường hợp khách hàng vay có khả năng phục hồi tốt, hoặc có dự án mới có hiệu quả đảm bảo được việc trả nợ đã vay, VAMC sẽ bảo lãnh cho họ hoặc xem xét, đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ, xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh.   

Như vậy, với những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hoặc mất khả năng thanh toán thì khi bán nợ cho VAMC, họ có thể vay mượn tiền từ NHNN để tiếp tục tồn tại. Mỗi năm họ chỉ phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu trong vòng 5 năm thay vì phải trích lập dự phòng ngay lập tức.

Còn đối với VAMC, công ty này không phải trích lập dự phòng khi mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và cũng không chịu áp lực phải xử lý nợ xấu, vì nếu không xử lý được thì TCTD phải mua lại đúng bằng mệnh giá. Ngoài ra, VAMC không phải trả lãi cho trái phiếu đặc biệt nên không phát sinh chi phí liên quan đến trái phiếu. Dù có thu hồi vốn vay với bất kỳ mức giá nào thì công ty này cũng không sợ lỗ và được hưởng “hoa hồng” khi xử lý được nợ xấu. Từ đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc sử dụng trái phiếu đặc biệt thay vì “tiền thật” không phải là một sáng tạo khôn ngoan như nhiều người đã lầm tưởng. Họ cho rằng chính việc này sẽ tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi NHNN phải bơm tiền cho các ngân hàng để trám lỗ hổng nợ xấu.

Những kết quả bước đầu

Song hành với VAMC là một loạt các cơ chế đặc biệt cho chính công ty này được ban hành, ví dụ như Thông tư 19/2013/TT-NHNN (về việc ban hành quy định trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành), Thông tư 20/2013/TT-NHNN (về quy định cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC).

Theo dự tính ban đầu, VAMC sẽ mua 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 10.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được mua trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm chính thức đi vào hoạt động, đặc biệt là sẽ ưu tiên mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng yếu kém.

Vào chiều 1/10/2013, VAMC đã ký kết hợp đồng mua 1.700 tỷ đồng nợ xấu của Agribank. Khoản nợ này của Agribank là 27 khoản nợ xấu của 11 khách hàng doanh nghiệp với giá trị sổ sách hơn 2.400 tỉ đồng. Tiếp ngay sau đó là các ngân hàng như Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng. Mặc dù có không ít ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng nhận định rằng việc mua bán nợ xấu của VAMC sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sau những “phát súng” kể trên thì lượng hồ sơ bán nợ ngày một dày lên. Lý do ở đây là vì khi bán nợ cho VAMC, các ngân hàng có thể đưa nợ xấu ra ngoài bảng cân đối kế toán, vay được tiền tái cấp vốn và chỉ cần trích lập 20% dự phòng rủi ro thay vì 100% giá trị nợ xấu. Ngoài ra, vấn đề hậu xử lý nợ xấu cũng được thị trường đặc biệt quan tâm: yêu cầu các bên thực hiện tái cấu trúc hay bán lại cho các đối tác trong và ngoài nước? Các khoản nợ xấu của Việt Nam có sức hấp dẫn tương đối đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện qua việc có đến hơn 50 tổ chức quốc tế đến tìm hiểu và có ý định mua lại các khoản nợ, và việc bán lại cho các tổ chức này cũng hoàn toàn có thể được tính đến.

Tuy nhiên, hoạt động của VAMC bắt đầu có dấu hiệu chững lại kể từ đầu năm 2014, một phần là vì thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa hoàn thiện, thiếu tính ổn định trong cơ chế hoạt động của chính VAMC và nhất là còn quá ít vốn để xử lý được khối nợ xấu khổng lồ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VAMC cũng chia sẻ rằng, VAMC mua nợ xấu theo lộ trình để phân tích, xem xét, rà soát các khoản nợ chứ không phải chỉ mua rẻ bán đắt để lấy lãi. Dù sao đi chăng nữa, VAMC cũng không phải “cây đũa thần” để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu. Khác với các nước khác sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, VAMC ra đời mà không có một đồng vốn nào từ ngân sách nhưng đã xử lý được gần 55.000 tỷ đồng nợ xấu, đây có thể coi là một thành công. Mặc dù vậy, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC vẫn còn chậm, khiến các ngân hàng bắt đầu dè dặt trở lại trong việc bán nợ cho VAMC. Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM thừa nhận, 7 tháng đầu năm nay, các ngân hàng trên địa bàn đã xử lý 8.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng chỉ khoảng 12,5% là được bán cho VAMC, còn lại phải tự xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro và các giải pháp khác. Tuy nhiên, với dấu hiệu ấm dần trở lại ở thị trường BĐS, VAMC có thể sớm trở lại quỹ đạo hoạt động hiệu quả của mình, góp phần thúc đẩy giải quyết, phá băng các khoản nợ xấu.

Kết luận

Mô hình AMC là một công cụ hữu ích trong nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như tại Việt Nam nói riêng. Thông qua việc sử dụng các chức năng mua, cơ cấu lại hoặc xử lý các khoản nợ xấu, VAMC còn là một mắt xích quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thanh khoản, làm sạch bảng cân đối kế toán, và giúp các TCTD có thời gian và khả năng tài chính để bù đắp vào các khoản thua lỗ trước đó. Tuy chưa thể giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu, nhưng VAMC vẫn đang cố gắng hoàn thành vai trò của mình trong nền kinh tế đầy biến động.