Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn 88% tất cả các nhà đầu tư tham gia vào quỹ tương hỗ. Có lẽ bạn đã quen thuộc với hình thức đầu tư này rồi, hoặc thậm chí còn đang có cổ phần trong quỹ tương hỗ nữa. Dù thế nào đi chăng nữa, bạn cũng nên hiểu đúng cách thức hoạt động của loại quỹ này, và cách tận dụng nó để tạo lợi ích cho mình.
Quỹ tương hỗ là một loại hình công ty đặc biệt. Nó huy động tiền từ các nhà đầu tư và thay mặt họ đầu tư khoản tiền đó, dựa trên các mục tiêu đã đề ra.
Các quỹ tương hỗ huy động vốn bằng cách phát hành chứng khoán quỹ ra công chúng, giống như cách bất kỳ công ty nào khác phát hành chứng khoán. Sau đó, các quỹ sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc bán chứng chỉ quỹ* (cùng với bất kỳ khoản tiền nào từ các khoản đầu tư sinh lời trước đó) và sử dụng nó để mua các phương tiện đầu tư khác nhau, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ trên thị trường tiền tệ. Để bù lại cho số tiền góp vào quỹ khi mua cổ phần của quỹ, các cổ đông sẽ nhận được vị thế vốn (equity position) trong quỹ và trong chứng khoán cơ sở (underlying securities), như cổ phiếu hay trái phiếu. Đối với hầu hết các quỹ tương hỗ, các cổ đông có quyền tự do bán cổ phần của mình bất cứ lúc nào, mặc dù giá sẽ dao động hàng ngày, tùy thuộc vào tình hình hoạt động của các lọai chứng khoán do quỹ nắm giữ.
(*) Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng
Ưu điểm
Ban đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy mù mờ về việc tại sao mình nên bỏ tiền mua các loại chứng khoán khác nhau thông qua “người trung gian” la quỹ tương hỗ, thay vì đơn giản là tự mình mua các loại chứng khoán. Tuy nhiên, có một số lý do rất hợp lý lý giải tại sao hàng triệu người Mỹ lựa chọn đầu tư vào các quỹ tương hỗ thay vì mua chứng khoán trực tiếp. Các quỹ tương hỗ có thể cung cấp cho bạn những lợi ích sau đây:
Đa dạng hóa có thể làm giảm nguy cơ đầu tư một cách tổng thể của bạn bằng cách phân tán rủi ro trên nhiều tài sản khác nhau. Với một quỹ tương hỗ, bạn có thể đa dạng hóa cổ phần ở nhiều công ty khác nhau (ví dụ như đầu tư vào một quỹ tương hỗ sở hữu chứng khoán trong 100 công ty khác nhau) và với các lớp tài sản** khác nhau (ví dụ như đầu tư vào một quỹ tương hỗ sở hữu cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác). Khi một số tài sản giảm giá, những thứ khác có thể sẽ tăng, vì vậy sự đa dạng hóa làm giảm thiểu rủi ro hơn là khi bạn mua chỉ một hoặc hai khoản đầu tư.
(**) Asset class: Nhóm các tài sản có cùng đặc điểm, tính chất, mối quan hệ tương quan giữa rủi ro và lợi nhuận (Ví dụ như trái phiếu, cổ phiếu).
Lựa chọn: Có rất nhiều loại qũy tương hỗ. Một số quỹ tương hỗ chỉ đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể (ví dụ như quỹ năng lượng), trong khi một số quỹ khác nhắm đên các cơ hội tăng trưởng nói chung. Tại Hoa Kỳ hiện có hàng ngàn các quỹ, và mỗi quỹ lại có mục tiêu và định hướng của riêng của nó. Điều quan trọng là bạn có thể tìm thấy quỹ tương hỗ phù hợp với hầu hết các mục tiêu đầu tư cụ thể của bạn.
Thanh khoản nói đến khả năng quy đổi tài sản - với mức khấu hao giá trị tương đối thấp - thành tiền mặt. Trong trường hợp của các quỹ tương hỗ, bán chứng chỉ quỹ cũng dễ dàng như khi bán cổ phiếu (mặc dù một số quỹ thu phí giao dịch và bạn chỉ có thể mua lại vào cuối ngày giao dịch, sau khi giá trị hiện tại của chứng chỉ quỹ đã được tính toán).
Định mức đầu tư ban đầu thấp: Hầu hết các quỹ tương hỗ sẽ cho phép bạn đầu tư vào quỹ với khoản tiền ít nhất là $ 1,000 hoặc $ 2,000, và một số quỹ thậm chí không đặt ra mức tối thiểu cho số tiền đầu tư ban đầu, chỉ cần bạn bạn đồng ý đóng góp $ 50 hoặc $ 100 thường xuyên hàng tháng. Dù gì đi chăng nữa, bạn không cần phải đặc biệt giàu có mới có thể đầu tư vào một quỹ tương hỗ.
Tiện lợi: Khi bạn đầu tư vào một quỹ tương hỗ, bạn không cần phải lo lắng về việc theo dõi hàng chục loại chứng khoán khác nhau mà quỹ đang đầu tư; thay vào đó, tất cả những gì bạn cần làm là theo dõi tình hình hoạt động của quỹ. Tổ chức thực hiện đóng góp hàng tháng cho quỹ tương hỗ và tổ chức mua/ bán chứng chỉ quỹ là một việc khá dễ dàng.
Chi phí giao dịch thấp: Các quỹ tương hỗ có thể giữ chi phí giao dịch - nghĩa là, các chi phí liên quan đến mua bán chứng khoán - ở mức tối thiểu, bởi vì họ được hưởng lợi từ việc chi phí hoa hồng thấp trong việc môi giới mua và bán số lượng lớn các khoản đầu tư cùng một lúc. Tất nhiên, lợi ích này cũng đã giảm phần nào bởi thực tế rằng họ đang mua và bán một số lượng lớn các cổ phiếu khác nhau. Thường thì lệ phí hàng năm là 1,0% đến 1,5% khoản đầu tư.
Quy định: Tại Hoa Kỳ, hoạt động các quỹ tương hỗ được quy định bởi Chính phủ theo Đạo luật Công ty Đầu tư (Investment Company Act) đặt ra vào năm 1940. Đạo luật đòi hỏi các quỹ tương hỗ phải đăng ký các loại chứng khoán họ xác định giao dịch với Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC). Đạo luật này cũng quy định cách tiếp cận các nhà đầu tư mới của các quỹ hỗ tương và cách họ tiến hành các hoạt động nội bộ. Điều này mang lại mức độ an toàn nhất định cho bạn, mặc dù bạn cần phải nhận thức rằng các khoản đầu tư không được đảm bảo bởi bất cứ ai và chúng có thể (và thường thì) sẽ suy giảm về giá trị.
Các dịch vụ khác: Một số quỹ tương hỗ cung cấp dịch vụ bổ sung cho các cổ đông của họ, chẳng hạn như làm báo cáo thuế, các chương trình tái đầu tư, thu hồi tự động và lên kế hoạch đóng góp.
Quản lý chuyên nghiệp: Các quỹ tương hỗ được quản lý bởi một đội ngũ chuyên gia, thường bao gồm một người quản lý quỹ và một số chuyên gia phân tích. Có lẽ, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và thông tin hơn so với mặt bằng chung các nhà đầu tư trong việc quyết định chứng khoán nào để mua và để bán. Họ cũng có năng lực tập trung vào một chuyên môn duy nhất. (Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lợi thế hiển nhiên này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu suất cao, và trong thực tế, đa số các quỹ tương hỗ không thể theo kịp với biến động thị trường.)