Quy trình thực hiện một ý tưởng kinh doanh

06/12/2014 - 21:19 24132     0

Trong bài này chúng ta sẽ cùng phân tích và từng bước thực hiện một ý tưởng kinh doanh. Có rất nhiều ý tưởng mãi mãi chỉ nằm trong đầu hoặc trên giấy của chủ nhân, vì có thể họ chưa biết cách thực hiện nó như thế nào, cũng có thể họ chưa đánh giá được tính thực tế của ý tưởng và rất có thể chưa đúng thời điểm thực hiện.

Khi có ý tưởng hoặc cơ hội kinh doanh, bạn nên xem xét và quyết định mình có những kỹ năng để nắm bắt cơ hội đó hay không? Kỹ năng và sự quan tâm sẽ giúp bạn quyết định công việc cụ thể cần làm. Kỹ năng ở đây có thể là của bạn, bạn bè hoặc những người mà bạn có thể quy tụ được.

Việc đầu tiên bạn hãy viết ý tưởng đó ra giấy vấu đó xem xét liệu nó có tốt không? Có tính cạnh tranh hay không? Và quan trọng hơn là khi thực hiện nó có đem lại lợi nhuận cao hay không?

Thông thường người ta phân tích theo mô hình SWOT, tức là bạn phải phân tích các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.  Sau khi phân tích, nếu xét thấy các điều kiện chưa thực sự tốt, bạn hãy quay lại tìm ý tưởng khác cho đến khi phân tích lại và cảm thấy đây có thể là ý tưởng thực sự tốt, lúc này tiến hành lập kế hoạch kinh doanh vẫn chưa muộn. Kể cả việc bạn lập kế hoạch xong, nhưng lại chưa thấy khả thi thì hãy bắt đầu lại với ý tưởng khác, đừng ngại mất thời gian cho nó. Vì chỉ đến khi nào ý tưởng thực sự tốt trên giấy, thì mới khả thi khi hành động.

Phân tích SWOT trên cơ sở ý tưởng được xác lập

- Yếu tố bên trong:

Tìm ra điểm mạnh và điểm yếu. Các yếu tố chính liên quan trực tiếp đến việc thực hiện ý tưởng: Nguồn lực, tài chính, năng lực chuyên môn, quản lý, uy tín, quan hệ, đức tính, khí chất...

- Yếu tố bên ngoài:

Tìm ra cơ hội và nguy cơ. Giúp doanh nghiệp trả lời một số vấn đề: phải đối mặt với vấn đề gì? Những thuận lợi, khó khăn nào? Từ đó xác định những công việc nào nên làm, nên tránh...

Các yếu tố chính cần xem xét: Vĩ mô, vi mô.

  • Kinh tế: chu kỳ phát triển, xu hướng tăng GDP, tăng giảm thu nhập bình quân, chính sách tài chính tiền tệ, chính sách thuế, biến động thị trường tài chính, thị trường chứng khoán...
  • Chính trị, pháp luật: Các quy định cho phép, ngăn cấm, những ràng buộc phải tuân theo. Quan điểm, quy định, ưu tiên, hành động của chính phủ... Xu hướng chính trị, đối nội, đối ngoại, hợp tác phát triển song phương, đa phương...
  • Văn hóa - Xã hội: Chuẩn mực giá trị, nhận thức con người, làm việc, sản xuất, tiêu dùng... Đạo đức nghề nghiệp, phong tục tập quán. Tỷ lệ tăng dân số, lập gia đình, chuyển dịch dân số...
  • Tự nhiên: Vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, đất đai, sông biển, khoáng sản, môi trường...
  • Công nghệ: hiện tại và tương lai, xu hướng thay đổi...

(Vi mô): nhà cung cấp, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, sản phẩm thay thế, đối thủ tiềm năng...

Là nhà kinh doanh, bạn phải biết "đãi cát tìm vàng", sử dụng kinh nghiệm và tính sáng tạo của mình theo yêu cầu "thiên biến vạn hóa". Một nguyên lý nào đó, một kinh nghiệm nào đó, ở nơi này, nước này, lúc này có thể đem lại thành công. Nhưng nếu đem vào nơi khác, lúc khác... thì phải cân nhắc thật kỹ càng.

Ý tưởng có đủ để đem lại thành công chưa? Có, với điều kiện là ý tưởng của bạn được trợ lực, bổ sung bằng những thông tin chính xác để bạn phân tích tính ưu việt của nó. Ý tưởng làm nảy sinh một dự án, tạo cho bạn sự hứng thú và sức lực để thực hiện dự án đó. Nhưng chỉ có những hiểu biết cặn kẽ mới có thể biến sự nhiệt tình và sức lực của bạn trở nên có ích để đưa đến thành công.

Ý tưởng có khi là con dao hai lưỡi nếu không gắn liền với thực tiễn; và trước khi lao vào phân tích chúng, bạn cần có một lượng thông tin cần thiết. Điều đó chỉ có được khi bạn tiến hành thu thập thông tin.

Thu thập thông tin và lập kế hoạch

Để đánh giá đúng ý tưởng, bạn phải có trong tay lượng thông tin càng nhiều càng tốt. Trước hết, xác định nhu cầu các loại thông tin sau đó tiến hành thu thập các dữ liệu cần thiết nhằm mục đích cuối cùng: chọn hay không chọn ý tưởng. Làm được điều này sẽ giúp bạn tối thiểu hóa thất bại và tối đa hóa lợi nhuận trong tương lai.

Ý tưởng chỉ có ý nghĩa khi bạn biến chúng thành hiện thực, nghĩa là mọi sự đều được sáng tạo hai lần: lần sáng tạo đầu tiên trong tâm trí (ý tưởng) và lần sáng tạo thứ hai nơi vật chất. Nếu hiểu được nguyên tắc hai lần sáng tạo này và ý thức được trách nhiệm ở cả hai lần, thì thành công với bạn không phải là khó. Nền tảng cơ sở của thành công trong quá trình sáng tạo lần hai đó là "Lập kế hoạch" thực hiện.

Lập kế hoạch là mô tả chi tiết các mảng công việc trong kinh doanh, chuẩn bị kế hoach một cách cẩn trọng và đánh giá chính xác các mặt cần thiết. Nó chính là cơ sở biến ý tưởng thành hiện thực, nhờ đó giúp chúng ta tin tưởng vào mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Lập kế hoạch sẽ:

  • Cho phép bạn lựa chọn các phương án hiệu quả nhất để xây dựng cơ sở kinh doanh.
  • Tiết kiệm tối đa các chi phí phát sinh, tránh lãng phí tiền bạc và thời gian vào những việc vô ích.

Lập kế hoạch kinh doanh là công việc quan trọng, là nền tảng cho sự thành công của bất cứ công việc nào. Một điều bạn cần hiểu rõ là:

Bản kế hoạch kinh doanh không phải là bản thiết kế nghiêm ngặt, không tuyệt đối phải làm theo từng chi tiết trong đó hoặc tuân thủ theo nó một cách mù quáng.

Lập kế hoạch kinh doanh là để tập hợp các thông tin theo cách hợp lý nhất, là công cụ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn hơn, dự đoán chính xác hơn sự việc xảy ra trong tương lai. Chính vì vậy, các thông tin bạn có khi bắt tay vào lập kế hoạch kinh doanh không cần phải tuyệt đối chính xác (tất nhiên càng đúng càng tốt).

Tuy nhiên, trong kinh doanh thì bạn đừng đợi đến khi có đủ 100% lượng thông tin vì nếu bạn chờ đủ thì người khác rất có thể đã đi trước và lấy hết “cái bánh ngon” mất rồi. Chỉ cần 80% lượng thông tin thôi thì bạn đã có thể lập một bản kế hoạch kinh doanh tốt. Sau khi lập kế hoạch xong, hãy dùng nó làm cơ sở cho hệ thống quản lý của bạn, cập nhật các ước tính và dự báo về các con số trong quá trình kinh doanh.

Ngay từ xa xưa, để thực hiện bất cứ một công việc gì ông bà ta thường quan tâm đến ba yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Bạn cũng nên quan tâm đến ba yếu tố đó và hiểu chúng cho đúng.

  • Thiên thời: Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, những thuận lợi của khu vực đối với ý tưởng kinh doanh của bạn, sự cho phép của thị trường. Ví dụ: môi trường pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước…
  • Địa lợi: Lợi thế về địa điểm, vị trí kinh doanh, lượng vốn tự có sẵn và những kỹ năng, kiến thức của bạn cho việc thực hiện ý tưởng.
  • Nhân hòa: Sự hòa hợp, thuận thảo, tận tâm giúp đỡ của cộng sự, nhân viên, bạn bè, người thân trong việc góp vốn, quản lý, xác định mục tiêu, đưa ra chính sách và cùng nhau theo đuổi mục tiêu đó. Ngoài ra, nó còn thể hiện ở sự trợ giúp của người cung cấp yếu tố đầu vào (vật tư, nguyên liệu…), sự ủng hộ của người tiêu dùng và sự chấp thuận cho vay của các tổ chức.

Bên cạnh chi tiền cho việc thu thập thông tin, tìm hiểu thị trường bạn còn phải tốn nhiều thời gian cho việc lập kế hoạch. Chính việc chi tiền và thời gian lập kế hoạch kinh doanh sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn vấn đề để đưa ra quyết định đúng hơn, với phương pháp: “learning by doing” (học bằng cách làm). Đừng chỉ vì lượng chi phí phải bỏ ra ban đầu (chi phí lập kế hoạch kinh doanh) mà bỏ qua công việc này, bởi nó sẽ vô cùng có lợi cho việc kinh doanh của bạn trong tương lai.

Muốn khai thác ý tưởng một cách có lợi nhất, bạn phải bắt tay vào thực hiện nó ngay lập tức, biến lời nói thành hành động. Nếu bạn gặp một người nào đó hiểu được tầm quan trọng của các ý tưởng, và có cùng quan điểm với bạn, thì hãy tìm cách kéo họ về phía bạn, trở thành cộng sự hoặc cổ đông. Nói cách khác, ý tưởng và sự nhanh nhạy trong việc thực hiện chính là công thức của sự thành công.

Có rất nhiều ý tưởng không thể trở thành hiện thực, vì rất ít người có khả năng theo đuổi đến cùng. Việc thực hiện đòi hỏi sự tập trung sức lực thường xuyên và cao độ.

Muốn ý tưởng thành công, bạn phải bảo vệ và chiến đấu cho nó một cách quyết liệt. Và đương nhiên, nếu chẳng may thất bại, bạn hãy xem đó là bài học để có thể thành công ở lần kế tiếp.


Kĩ năng Làm việc

    INFLATION Lạm phát là một hiện tượng kinh tế khi mà...
    Xem thêm >>