Quản Lý Tiền Bạc Là Vấn Đề Tư Duy Không Phải Vấn Đề Toán Học

09/09/2014 - 22:14 12190     0

Cuối tuần trước, nhóm bạn thời trung học họp mặt ở nhà tôi. Khi ánh nắng tắt dần, hơi mát chiều tà ùa đến, chúng tôi ngồi quanh đống lửa chiêm nghiệm về cuộc đời, về những việc tốt, việc xấu trong suốt 20 năm qua. Và đương nhiên, tiền không thể nằm ngoài cuộc trò chuyện của cả nhóm.

  • Một người bạn tôi tâm sự về “bệnh nghiện” mua sắm của mình, bất cứ khi nào căng thẳng là cô ấy lại đi mua sắm. Để giấu chồng mình, cô ấy phải tự mình chi trả hóa đơn.
  • Cô bạn khác thì có quá nhiều quần áo đến nỗi mặc không hết. Mặc dù tủ quần áo không còn chỗ chứa và rải đầy trên sàn nhà nhưng cô ấy vẫn không thể ngừng việc mua sắm của mình lại.
  • Một cậu bạn của tôi sau khi ly hôn thậm chí còn nghiện điện tử mấy năm trời và tốn cả nghìn đô vào việc này. (Giờ đây anh ấy đã chuyển hướng quan tâm sang những thứ khác: Từ bỏ điện tử và tìm kiếm thêm bạn bè).
  • Về phần mình, tôi cũng từng nhiều lần lao vào mua sắm mà không thể kiểm soát, từ quần áo, sách truyện đến đĩa CD, “Tôi mang chúng về nhà nhưng không bao giờ sử dụng, đơn giản là tôi chỉ thích việc sở hữu một món đó”.
  • Tất cả chúng tôi đều phạm sai lầm khi tiêu tiền. Những sai lầm ấy đều bắt nguồn từ việc không làm chủ được tâm lý và cảm xúc. Thời trung học, chúng tôi đều lên thẳng lớp dự bị đại học và là những học sinh thông minh của lớp. Tất cả mọi sự lựa chọn của chúng tôi đều có tính toán. Vậy tại sao đến thời điểm này, chúng tôi lại chi tiêu theo cảm xúc như vậy?

Nguyên nhân là vì quản lý tiền bạc không chỉ đơn thuần dựa vào việc tính toán mà còn phụ thuộc rất lớn vào cách bạn tư duy.

Tâm lý học tiền tệ

Nhiều “chuyên gia” tài chính cá nhân cho rằng chúng ta đang hành động một cách máy móc khi đưa ra quyết định chỉ hoàn toàn dựa trên phương pháp toán học. Tôi đã đọc rất nhiều sách tài chính cá nhân, về mặt lý thuyết thì tất cả những quyển sách đó đều đúng nhưng tác giả đã quên vai trò quan trọng của tư duy trong quyết định tài chính cá nhân.

Tôi thường lấy thuyết “Nói không với nợ” của Dave Ramsey minh họa cho quan điểm: Đối với một người, tâm lý cá nhân mới là yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn đến thành công trong tài chính chứ không phải là khả năng toán học của người đó.

Những nghiên cứu của Ramsey cho thấy phương pháp toán học không có ý nghĩa trong các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Nhiều người cho rằng khoản nợ có lãi suất cao nhất nên được trả đầu tiên. Tất nhiên điều này đúng, nhưng trong thời điểm hiện tại, bạn sẽ không thể tính được số tiền nợ thực tế phải trả. Nhiều khi nợ không phải là vấn đề toán học mà là vấn đề tâm lý. Bởi vì, theo phương pháp của Ramsey: Sẽ tốt hơn nếu chúng ta tập trung trả các khoản nợ nhỏ trước. Nguyên nhân là sau khi giải quyết xong những khoản nợ nhỏ, chúng ta sẽ có thêm động lực để trả các khoản nợ còn lại.

“Tư duy” đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tiền bạc theo những cách khác sau đây:

  • Cảm xúc luôn đóng vai trò quan trọng khi bạn vay tiền từ gia đình hay bạn bè. Còn nếu tiền có được từ việc thừa kế thì sao? Tôi đã nghe ba người bạn kể về sự khủng khiếp trong việc tranh giành tài sản thừa kế. Đó là cuộc chiến của tâm lý và cảm xúc chứ không phải là cuộc chiến của khoa học.
  • Marketing (và quảng cáo) là khoa học của sự thuyết phục. Chúng ta nghĩ quảng cáo không ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của bản thân, tuy nhiên sự thật không phải vậy. Càng ít tiếp xúc với quảng cáo, chúng ta càng ít mua sắm hơn.
  • Tôi ngạc nhiên về những gì phụ huynh làm cho con cái của mình. Hầu hết họ không ngần ngại tiêu tiền để mang đến những điều tốt nhất cho con cái.Tôi thấy thật là bất hợp lý khi nhiều phụ huynh thích mua quần áo ở Baby Gap hơn là ở Goodwill. (Baby Gap là hãng quần áo nổi tiếng và rất đắt trong khi Goodwill là nơi chuyên bán đồ rẻ).
  • Rất nhiều kế hoạch về tài chính đươc lập ra để hướng dẫn kháchhàng không để cảm xúc ảnh hưởng đến việc đầu tư của mình. Quá nhiều người đưa ra quyết đinh đầu tư dựa trên những phản ứng đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán, dẫn đến hiện tượng mua cao bán thấp.
  • Mỗi mục tiêu tài chính của chúng ta luôn dựa trên cảm xúc và tâm lý cá nhân.

Nhiều chuyên gia đang nghiên cứu cách sử dụng tư duy để quản lý tiền bạc hơn là chỉ dùng  những công thức tính toán. Nhiều tác giả  viết về thuyết “Tài chính hành vi” và “Kinh tế học hành vi” như “Tại sao người thông minh lại gặp phải rắc rối với những món tiền lớn và làm thế nào để thay đổi chúng”; “Tại sao người thông minh hay tiêu tiền một cách ngớ ngẩn”; “Dự đoán sai lầm” và “Mối quan hệ giữa tiền và tư duy”.

Hãy Động Não

Trong quản lý tiền bạc chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn sự ảnh hưởng của tâm lý và tình cảm. Đơn giản là bởi vì chúng ta là con người chứ không phải rô-bốt. Nhưng chúng ta nên cố gắng loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của cảm xúc đến các quyết định đầu tư. Dưới đây là những cách tốt nhất tôi từng được học để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực khi đưa ra quyết định.

Hạn chế tiếp xúc với quảng cáo

Nhiều người cho rằng quảng cáo không ảnh hưởng tới các quyết định tiêu tiền của họ, nhưng sự thật thường không phải như vậy. Điều chúng ta nên làm là giảm bớt thời gian xem quảng cáo: ít xem tivi (hoặc xem nhưng tránh các chương trình quảng cáo), không xem quảng cáo trên tạp chí và sử dụng phần mềm chống quảng cáo cho trình duyệt máy tính. Kết quả là càng ít xem quảng cáo, bạn càng tránh được việc tiêu tiền cần không cần thiết.

  • Tránh cám dỗ. Mỗi khi cần trả nợ và giảm chi tiêu, tôi sẽ tự buộc mình tránh xa các cửa hàng sách hay những quán truyện tranh. Do bản thân thiếu kỷ luật nên thay vì để bị cám dỗ, tôi tránh không tiếp xúc với những thứ cám dỗ mình: hãy biết từ chối nếu bạn nhận được quá nhiều lời mời đi chơi; không đến các khu mua sắm để tránh chi tiêu lãng phí.
  • Tự động hóa. Hãy thay đổi thói quen giao dịch bằng việc sử dụng các dịch vụ tự động như: đăng ký trả tiền tự động, lập dịch vụ tự động chuyển tiền từ tài khoản vãng lai sang tài khoản tiết kiệm hàng tháng, lập kế hoạch cho việc nghỉ hưu. Khi bạn thiết lập những dịch vụ tự động đó thì cảm xúc và tâm lý sẽ không ảnh hưởng đến quyết định tiêu tiền của bạn nữa.
  • Cân nhắc trước khi mua hàng. Khi bạn đang bị cám dỗ bởi mua sắm hãy tạm dừng lại một chút, dành ra 30 giây để tự hỏi bản thân xem liệu bạn có thực sự cần mua thứ đó hay không? Nếu đó là một vụ mua bán lớn, hãy ép bản thân chờ trong 30 ngày. Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua hàng, điều này sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của giao dịch đó và quyết định liệu có nên tiếp tục thực hiện hay không.
  • Đọc. Những hiểu biết khoa học sẽ giúp tôi tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý khi đưa ra quyết định. Ví dụ, càng đọc nhiều sách về đầu tư chứng khoán, tôi càng bị thuyết phục rằng để trở thành nhà đầu tư thông minh tôi cần phải đầu tư thường xuyên vào các quỹ chỉ số. Việc đầu tư này sẽ loại bỏ được ảnh hưởng của cảm xúc đến các quyết định của bản thân.