Hoạt động IR: yếu và thiếu
Trong những năm trở lại đây, khái niệm “Quan hệ công chúng” (PR – Public Relation) trở nên quá quen thuộc và phổ biến. Ai cũng hiểu được công việc PR chính là việc thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa một tổ chức với các nhóm công chúng liên quan để đạt được sự hiểu biết, chấp nhận lẫn nhau thông qua các kênh truyền thông. Nhưng tìm một định nghĩa chính xác, đầy đủ và thống nhất cũng không phải là chuyện dễ.
Và đến thời điểm hiện tại, “Quan hệ với nhà đầu tư” (IR – Investor Relation) nổi lên như một công cụ quan trọng và tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp. Theo Giáo sư Paul Argenti, tác giả cuốn “The power of corporate communication” (Sức mạnh của truyền thông hợp tác), IR là tất cả các hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp với nhà đầu tư, nhằm thỏa mãn cung cầu về thông tin, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động IR đã phát triển như thế nào?
Hầu hết các nhà đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và website của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, tất cả lượng thông tin ấy vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Trong số hàng trăm doanh nghiệp niêm yết trên sàn, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có website dành cho nhà đầu tư tham khảo thông tin. Bên cạnh một số website cung cấp đầy đủ thông tin về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kèm theo hướng dẫn sử dụng, tra cứu thông tin, vẫn có những doanh nghiệp chưa cung cấp được đầy đủ thông tin về bản cáo bạch mới nhất hoặc những thông tin liên quan đên hoạt động kinh doanh. Hoặc tệ hơn, dù website vẫn tồn tại nhưng nhà đầu tư luôn gặp khó khăn khi truy cập vào vì hệ thống quá yếu. Vậy khi ấy, nhà đầu tư muốn tiếp cận thông tin, họ phải làm gì, họ hỏi ai?
Không khí chung ở sàn giao dịch thường ở trạng thái một nhóm người tập trung trao đổi thông tin. Họ trao đổi và bàn luận về chính sách, về thị trường kèm theo tâm lý chủ quan của mỗi cá nhân. Đây là nơi rất dễ phát sinh những thông tin truyền miệng không xác thực. Hậu quả tất yếu là những tin đồn râm ran, đến mức độ nào đó sẽ gây hại cho doanh nghiệp có liên quan. Và khi ấy, nhà đầu tư có càng ít thông tin là người bị “tổn thương” nhiều nhất.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động IR
Hoạt động PR và IR có những điểm tương đồng vì cùng nhắm vào việc củng cố niềm tin và uy tín của doanh nghiệp. IR chính là hoạt động truyền thông tài chính giúp nhà đầu tư nắm bắt được giá trị doanh nghiệp một cách đầy đủ và trung thực nhất. Công cụ của IR không thể thiếu các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính quản trị công ty, các báo cáo phân tích hình tài chính, đầu tư, thị trường… và một website thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp đến với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần có những buổi giao lưu trực tuyến, hội nghị, hội thảo, tham quan doanh nghiệp để hiểu rõ hơn hoạt động và cơ cấu tổ chức. Từ đó, nhà đầu tư đủ cơ sở để đánh giá mức độ hiệu quả cũng như triển vọng mà nơi mình chọn để đầu tư.
Hiện nay, hoạt động IR ở Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn hình thành, cần nhiều thời gian để đầu tư phát triển. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa có bộ phận IR riêng. Khi có bất cứ sự cố nào, người đứng đầu thường lãnh trách nhiệm lên tiếng giải quyết. Trong khi đó, nếu hoạt động này trở nên chuyên nghiệp, mọi sự cố đều có thể được dự báo trước để có hướng giải quyết kịp thời, không để ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Để chuyên biệt hóa hơn hoạt động này, trên thị trường đã xuất hiện những gói dịch vụ IR, đặc biệt dành cho cho các doanh nghiệp đã niêm yết. Với công ty Masso, các dịch vụ IR được cung cấp gồm có: tư vấn xây dựng chiến lược IR; xây dựng thông điệp, hình ảnh cho nhà đầu tư thông qua website, báo cáo thường niên, thông cáo báo chí…; thông tin thị trường từ các bảng khảo sát, phân tích, phản hồi của các nhà đầu tư thông qua các buổi hội thảo, hội nghị…; quan hệ truyền thông và giải quyết khủng hoảng. Riêng dịch vụ IR của FPTS thì cung cấp cho các nhà đầu tư hệ thống EzSearch đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin trong lĩnh vực chứng khoán.
Mục tiêu của IR là các nhà đầu tư tiềm năng và cổ đông. Vì thế, hoạt động IR cần được quan tâm và thực hiện hiệu quả để thỏa mãn nhu cầu khát thông tin của các nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán chưa thực sự minh bạch như ở Việt Nam hiện nay.