Quá Trình Hình Thành Quỹ ETF

12/01/2019 - 07:00 12431     0

Nhiều người chỉ đơn giản muốn sử dụng những thiết bị như đồng hồ đeo tay hay máy tính và tin tưởng rằng thiết bị đó sẽ luôn hoạt động tốt. Thế nhưng một số người lại muốn tìm hiểu bản chất công nghệ mà nhà sản xuất sử dụng và muốn biết cách làm ra nó. Nếu bạn thuộc nhóm người thứ hai cũng như quan tâm đến lợi ích của quỹ hoán đổi danh mục (ETF), hẳn bạn sẽ thích thú với câu chuyện về quá trình hình thành ra quỹ này.

Cách quỹ ETF được tạo ra 

Quá trình hình thành và bán chứng chỉ quỹ ETF hoàn toàn trái ngược với chứng chỉ quỹ tương hỗ. Khi đầu tư vào quỹ tương hỗ, các công ty quỹ tương hỗ dùng tiền mặt từ nhà đầu tư để mua cổ phiếu để từ đó phát hành thêm chứng chỉ của quỹ. Khi nhà đâu tư muốn bán, quỹ sẽ mua lại những chứng chỉ của quỹ và trả tiền mặt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, quá trình hình thành quỹ ETF không liên quan đến tiền mặt.

Quá trình hình thành ETF bắt đầu từ khi những quản lý quỹ ETF tiềm năng (hay được gọi là sponsor) nộp kế hoạch lên SEC để tạo nên một quỹ ETF. Ngay sau khi kế hoạch được thông qua, sponsor sẽ thỏa thuận với các tổ chức đứng ra thực hiện việc hoán đổi hay còn gọi là AP (authorized participant), thường là một nhà tạo lập thị trường, chuyên gia hoặc nhà đầu tư tổ chức. Những tổ chức này được phép tạo ra và thanh lý chứng chỉ quỹ ETF. (Đôi khi tổ chức đứng ra thực hiện việc hoán đổi và sponsor là một).
AP sẽ vay mượn những rổ cổ phiếu trên thị trường, thường là từ quỹ hưu trí, để đặt chúng vào một tài khoản tín thác và dùng chúng để tạo nên một chứng chỉ quỹ ETF. Một nhóm chứng chỉ quỹ (creation unit) bao gồm các rổ cổ phiếu với số lượng từ 10.000 đến 600.000 đơn vị quỹ (phổ biến nhất là rổ 50.000 đơn vị quỹ). Sau đó tài khoản tín thác cung cấp các nhóm đơn vị quỹ cho AP để các tổ chức này được nhận các chứng chỉ quỹ ETF. Tiếp sau đó, các chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên thị trường, giống như các cổ phiếu niêm yết thông thường.

Khi các chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch, các cổ phiếu đã được mua để tạo nên nhóm chứng chỉ quỹ vẫn được giữ nguyên trong tài khoản tín thác. Các quỹ này rất ít hoạt động ngoài việc trả cổ tức của các cổ phiếu ở trong quỹ cho những nhà đầu tư nắm giữ các chứng chỉ ETF và cung cấp các dịch vụ quản lý cho quỹ vì các nhóm đơn vị quỹ không ảnh hưởng bởi giao dịch trên thị trường.

Thanh lý chứng chỉ quỹ ETF

Khi các nhà đầu tư muốn bán các chứng chỉ quỹ ETF của mình thì có thể tiến hành theo 1 trong 2 cách sau. Cách thứ nhất là bán các chứng chỉ trên thị trường chứng khoán. Đây là cách phổ biến nhất mà các nhà đầu tư cá nhân áp dụng. Cách thứ hai là tập hợp đủ chứng chỉ quỹ ETF để tạo nên một nhóm chứng chỉ quỹ, sau đó tiến hành việc chuyển đổi nhóm chứng chỉ lấy các cổ phiếu. Cách này chỉ có thể áp dụng cho các nhà đầu tư lớn do đòi hỏi khối lượng chứng chỉ lớn để hình thành nên nhóm chứng chỉ. Khi các nhà đầu tư này tiến hành việc bán, các nhóm chứng chỉ quỹ tương ứng sẽ được hủy và các cổ phiếu được hoán đổi sẽ được đưa lại cho nhà đầu tư. Đồi với sự lựa chọn này, vấn đề quan trọng nhất là thuế đồi với một danh mục đầu tư.

Sự ảnh hưởng của thuế thể hiện rõ nhất bằng sự so sánh việc thanh lý cổ phiếu ETF và thanh lý cổ phiếu quỹ tương hỗ. Khi nhà đầu tư quỹ tương hỗ thanh lý cổ phần, các nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế. Khi thanh lý cổ phiếu, quỹ tương hỗ có thể phải bán các cổ phiếu mà họ đang nắm giữ và chịu thuế lãi vốn. Hơn nữa, các quỹ tương hỗ được yêu cầu trả cổ tức và lãi vốn hằng năm, do đó ngay cả khi danh mục đầu tư mất giá trị, quỹ tương hỗ vẫn chịu thuế lãi vốn.

Quỹ ETF hạn chế ảnh hưởng của thuế bằng việc thanh lý các cổ phiếu bằng cổ phiếu với chi phí nhỏ nhất đối với người thanh lý cổ phiếu. Thực tế, chi phí việc nắm giữ cổ phiếu ETF sẽ tăng lên nhưng lại hạn chế được lãi vốn. Đối với người thanh lý chứng chỉ quỹ ETF, việc được hưởng một chi phí thấp nhất không phải là vấn đề quan tâm của họ bởi khoản chịu thuế của họ dựa trên giá mua chứng chỉ quỹ ETF chứ không phải là chi phí của quỹ ETF. Khi người thanh lý bán rổ cổ phiếu trên thị trường mở, sự được mất giá trị cổ phiếu không ảnh hưởng đến quỹ ETF. Thông qua cách này, những nhà đầu tư với danh mục đầu tư nhỏ ít ảnh hưởng bởi thuế hơn những nhà đầu tư với những danh mục đầu tư lớn.

Vai trò của Arbitrage

Những người phản đối quỹ ETFs thường viện dẫn rằng có khả năng mức giá giao dịch của ETF chênh lệch với giá trị của các cổ phiếu cấu thành. Một ví dụ đơn giản như sau:

Giả sử một ETF được tạo bởi hai cổ phiếu:

• Cổ phiếu A, có giá trị $1 trên một cổ phiếu

• Cổ phiếu B, cũng là trị giá $1 trên một cổ phiếu

Trong ví dụ này, hầu hết các nhà đầu tư mong muốn chứng chỉ quỹ ETF giao dịch với giá $2 (tương đương giá của hai cổ phiếu A và B). Kỳ vọng này có vẻ hợp lý nhưng trong thực tế lại không xảy ra. Giá chứng chỉ quỹ ETF có thể ở mức $2,02 hoặc $1,98 hoặc có thể là một giá trị khác.
Với giá giao dịch là $2,02, các nhà đầu tư phải trả với giá cao hơn so với giá của cổ phiếu cấu thành. Điều này có thể gây bất lợi cho nhà đầu tư thông thường nhưng trong thực tế, nó không phải vấn đề lớn do có giao dịch Arbitrage.

Sau đây là cách arbitrage sẽ đưa giá ETF về mức cân bằng (equilibrium). Giống như bất kỳ quỹ tương hỗ khác, giá giao dịch của một quỹ ETF được thiết lập tại thời điểm đóng cửa mỗi ngày. Sponsor của quỹ ETF cũng sẽ công bố giá trị của các cổ phiếu cấu thành hàng ngày. Khi giá của chứng chỉ quỹ ETF lệch khỏi giá trị của các cổ phiếu cấu thành, các arbitrager ngay lập tức hành động. Nếu các chứng khoán cấu thành đang được giao dịch ở một mức giá thấp hơn so với các cổ phiếu ETF, arbitrager sẽ mua các cổ phiếu này, và thành lập nhóm đơn vị chứng chỉ, và sau đó bán chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường mở để thu lợi nhuận. Ngược lại, nếu chứng khoán cấu thành được giao dịch ở mức giá trị cao hơn so với chứng chỉ quỹ ETF, arbitrager sẽ mua chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường mở, thành lập nhóm đơn vị chứng chỉ để có được các chứng khoán cấu thành, và sau đó bán những chứng khoán này trên thị trường mở để thu lại lợi nhuận. Những hành động của arbitrager sẽ đưa cung và cầu chứng chỉ quỹ ETF về vị trí cân bằng đúng bằng giá trị của cổ phiếu cấu thành.
Bởi vì quỹ ETF thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư tổ chức rất lâu trước khi đến tay nhà đầu tư thông thường, nên hoạt động arbitrage tích cực của các nhà đầu tư tổ chức này đã giúp đưa giá chứng chỉ quỹ ETF về gần với giá của cổ phiếu cấu thành.

Kết luận

Nhìn chung, quỹ ETF có khá nhiều điều tương đồng với chiếc đồng hồ đeo tay. Mọi người đều muốn chiếc đồng hồ của mình đúng giờ nhưng lại không cần biết cách làm ra chiếc đồng hồ để kiếm lời từ nó. Với quỹ ETF, các nhà đầu tư có thể tận hưởng những lợi ích gắn liền với sản phẩm đầu tư độc đáo và hấp dẫn này mà không cần quan tâm đến quá trình hình thành phức tạp của quỹ ETF. Nhưng, tất nhiên, việc hiểu rõ quá trình hình thành ETF sẽ giúp bạn trở thành một nhà đầu tư thông thái, chìa khóa để đầu tư hiệu quả hơn.

Nguồn : Theo SAGA.VN

Saga App

Saga App