Chẳng ai trong chúng ta biết rõ và kết luận xem liệu có đúng Albert Einstein là người đầu tiên mô tả khái niệm lãi kép (trong tài chính gọi là compound interest) như một trong những lực lớn nhất trong vũ trụ. (Nhiều nguồn nói chính Einstein nói điều này, không rõ có pha chút hài hước không - vì ông vốn là người vô cùng hài hước).
Chắc chắn luỹ tích là một hiện tượng đã sẵn có trong thiên nhiên như một nguyên lý. Hơn nữa, hiện tượng này phát huy khả năng rất mạnh khi được ứng dụng trong thế giới tài chính, như tác giả Jim Collins và Jerry Porras minh chứng trong cuốn sách xuất bản năm 2004 bán rất chạy mang tựa đề "Built to last (Được xây dựng để tồn tại): Successful habits of visionary companies (Những thói quen thành công của những công ty có tầm nhìn)." Các tác giả - một người là nhà tư vấn, một là giáo sư - lấy ý kiến từ 700 CEO dựa trên danh sách của Fortune 500 và Inc 500 để tìm ra 5 doanh nghiệp có tầm nhìn tốt nhất. Từ danh sách của hai tạp chí này các ông lọc ra được chừng 18 công ty được đánh giá cao nhất theo tiêu chí vừa nói.
Lục tìm trong quá khứ, người ta cũng thấy rằng trong giai đoạn từ 1926-1990, cổ phiếu của 18 công ty này sản sinh ra lượng lợi suất trung bình là 14.4% mỗi năm, so với mức trung bình khoảng 9.7% của toàn thị trường. Chỉ xét mỗi năm thôi thì chúng ta đã có thể choáng ngợp về sự khác biệt giữa 2 con số này rồi. Không những thế nếu dồn tích lại theo nguyên lý tài chính thì mức chênh lệch lợi suất trong giai đoạn dài mới thực sự là khổng lồ.
Để minh họa điều Einstein nói thì 1$ đầu tư tại thời điểm 1-1-1926 vào một trong số 18 công ty này sẽ có giá trị 6.356$ vào cuối năm 1990. Con số này thực sự khổng lồ khi so với mức giá trị khiêm tốn 415$ nếu như đầu tư nhận mức lợi suất trung bình của thị trường. . Vậy câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư là làm sao để tìm được một công ty có thể mang lại lợi suất khổng lồ sau một giai đoạn dài như thế?
Để trả lời cho câu hỏi này, Collins và Porras đã dò tìm và so sánh các doanh nghiệp với nhau. Hai tác giả phát hiện ra rằng điểm khác biệt quan trọng chủ yếu của những vị trí số 1 với các vị trí từ số 2 trở đi chính là các công ty có tầm nhìn tốt đã luôn chỉ rõ ra được triết lý phát triển, một tập hợp các giá trị khiến cho công ty giữ vững vị trí qua thời gian.
Chúng ta cũng không nên lẫn lộn giữa giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp; chúng rất khác nhau. Các giá trị chỉ giúp tạo ra hình tượng tương lai thúc giục các nhà quản trị của công ty đồng sức với nhân viên hoạt động và trở thành đội hình xuất sắc. Chỉ có vậy, và không liên quan gì tới mục tiêu cụ thể. Có thể xem Hewlett-Parkard như một ví dụ về công ty có tầm nhìn của lịch sử và so sánh với một doanh nghiệp đối thủ lừng danh khác là Texas Instruments. HP phác họa được 5 giá trị cốt lõi và giá trị thứ 5 nhằm vào lợi nhuận và tăng trưởng, nhưng giá trị này chỉ thực hiện tốt khi mà 4 giá trị trước được bảo toàn và phát triển. Bốn giá trị đó là: Công nghệ, Nhân lực, Cộng đồng và Chất lượng ở mức giá chấp nhận được. Trong khi đó, hãng Texas Instruments danh tiếng thì sau khi được Collins và Porras nghiên cứu thì không thấy đưa ra được trong lịch sử bất kỳ giá trị nào "vượt xa hơn chuyện kiếm tiền" cả. Thực ra, trong số tất cả các công ty nằm trong top 18 này, chẳng có công ty nào đặt giá trị cốt lõi của mình là "tối đa hóa giá trị tài chính của cổ đông," kể cả các đại gia giàu kếch xù là P&G, Philip Morris và Johnson & Johnson.
Lẽ tự nhiên không thể chỉ đơn giản phát ngôn ra các mệnh đề về giá trị cốt lõi (*) là xong! Đưa được nó tới từng người lao động, và làm sao có thể yên tâm rằng các giá trị đó được hiểu đúng, áp dụng tốt, mới là những việc thách thức nhất. Một CEO lừng danh trong thập niên 1980 của Johnson & Johnson, Jim Burke, ước tính ông phải mất tới 40% quỹ thời gian của mình để truyền thông cho người lao động của công ty về các "cương lĩnh" giá trị cốt lõi công ty đang theo đuổi. Hãng dược phẩm đại gia Merck, cũng thuộc nhóm 18, thì khai triển tư tưởng "bảo tồn và cải thiện loài người," cộng với "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" thông qua phát triển và tặng dòng sản phẩm Mectizan. Dòng Mectizan đã được Merck trao tặng cho các nước ở Tây Phi nhằm kiểm soát bệnh giun chỉ u và đã làm giảm đáng kể sự truyền nhiễm bệnh mù river-blindness. Tập đoàn Merck còn kết hợp với quỹ của vợ chồng tỷ phú Bill Gates nhằm hỗ trợ cho các chương trình chống AIDS và ung thư ở Châu Phi.
Như vậy sứ mệnh của tầm nhìn doanh nghiệp được biểu đạt qua các giá trị cốt lõi. Tuy thế, cần cảnh báo rõ trước khi chúng ta bê hàng tá các giá trị cốt lõi đâu đó vào một báo cáo tổng kết năm rằng: Việc cấu véo đâu đó những mệnh đề chung chung từ "ai đó" rồi dán lên báo cáo tổng kết quá ư dễ dàng so với việc thực sự tư duy thấu đáo xem công ty đang tồn tại để thực hiện sứ mệnh gì. Cấu véo như thế chẳng giúp gì mấy cho việc truyền thông hiệu quả tới người lao động được. Informatics, một công ty khá danh tiếng niêm yết ở Singapore đã phải gánh chịu hậu quả vì cách làm này. Trang đầu tiên trong báo cáo tổng kết năm 2002 của công ty này đã bê nguyên vào những mệnh đề giá trị quá tham vọng "trở thành công ty đi đầu toàn cầu thông qua đáp ứng vượt xa mức yêu cầu khách hàng." Tiếp đó là một trang chứa tới chín giá trị cốt lõi. Có cái phát biểu "chúng tôi ra tuyên bố sẽ làm việc thần tốc trong từng hành vi hoạt động." Những phát biểu giá trị này được xem là điên khùng. Người ta cũng không tìm cách gán cho các giá trị này ý nghĩa nguyên nhân của các kết quả sau đó, nhưng Informatics quả thực đã phá sản. Cũng nhìn thấy ngay là công ty chẳng hề để tâm tới suy nghĩ xem các giá trị này liên quan gì tới lý do tồn tại và phát triển của công ty. Chúng còn làm cho công chúng bị lẫn lộn về tầm nhìn công ty, và không ai dại gì mà đầu tư lâu dài vào đó.
Nhưng lại có ví dụ khác về Li & Fung, một công ty niêm yết ở Hồng Kông, vận hành rất xuất sắc liên tục 15 năm qua, từ chỗ một công ty tí hon, nội địa thành một tập đoàn khổng lồ, phạm vi hoạt động toàn cầu. Có bằng chứng gì liên hệ giá trị cốt lõi của Li & Fung với sự thành công vượt trội này? Có, trước tiên là không có một lời tuyên ngôn lớn hay quá lộ liễu nào về chính các giá trị cốt lõi, tầm nhìn hay sứ mệnh trong các báo cáo cả. Anh em nhà Fung hiểu rất rõ nhân sinh quan của công chúng. Đâu đó ngoài các báo cáo thì sao? Người ta có thể nhận thấy các giá trị này qua các lần phỏng vấn riêng từ tư vấn gia Joan Magretta với Victor Fung Kwok-king hồi tháng 10/1998 qua Harvard Business Review. Ông Fung nói rằng "Khi chúng tôi biến đổi từ một công ty gia đình thành một công ty hiện đại, chúng tôi cố gắng bảo toàn lợi ích tốt nhất cho gia đình từ những gì cha ông chúng tôi gây dựng... Nếu tôi phải phát biểu gọn gàng, nó sẽ như sau: Nghĩ như một công ty lớn, hành động như một công ty nhỏ."
Li & Fung tuyển dụng những nhà khởi nghiệp khác để điều hành từng bộ phận của mình, dành cho họ rất nhiều sự tự chủ. Ông Fung nói về những người quản lý chuyên nghiệp này theo cách: "Đôi lúc chúng tôi gọi họ là John Waynes bé nhỏ bởi vì hình ảnh của một gã đứng giữa toa tàu bắn hạ mọi gã tồi có vẻ phản ánh hợp lý nhất nhiệm vụ của họ" Thế đấy, nếu vừa rồi các bạn đã đầu tư vào công ty của ông Fung, suốt nguyên cả thập kỷ, lợi nhuận của bạn quả là khổng lồ.
Đó là chuyện thế giới, chuyện Hồng Kông. Còn chuyện tầm nhìn của doanh nghiệp Việt Nam đã và sắp niêm yết thì sao? Xu hướng tối đa hóa thặng dư vốn có thể là xu hướng xấu góp phần tước đi tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp. Khi điều này xảy ra, thậm chí lợi ích của giá trị tối đa hóa tài sản không những là lợi ích ngắn hạn, mà nó cũng không dành cho tất cả các cổ đông. Nó là quá trình tích tụ tư bản có lẽ phần nhiều là dành cho các đại cổ đông sáng lập mà thôi. Chỉ cần đặt câu hỏi liệu bao nhiêu trong số các blue-chip hiện tại sẽ còn tồn tại khỏe khoắn sau 15-20 năm tới đây cũng đủ để phân vân. Còn chuyện họ có phát triển khỏe khoắn với lợi suất vượt xa thị trường thì còn chưa phải là lúc để xét đến.
---
Giá trị cốt lõi:
Là những nguyên lí thiết yếu và mang tính lâu dài của một tổ chức - tập hợp các quy tắc hướng dẫn rất nhỏ có ảnh hưởng sâu sắc tới cách mà mọi người trong tổ chức suy nghĩ và hành động.
Giá trị cốt lõi không quan tâm đến dư luận, nó có giá trị thực chất và có tầm quan trọng rất lớn đối với những người ở bên trong tổ chức. Giá trị cốt lõi là một số rất hiếm những quy tắc hướng dẫn có khả năng ảnh hưởng vô cùng lớn, là linh hồn của tổ chức; đó là những giá trị làm nhiệm vụ hướng dẫn tất cả các hành động.
Giá trị cốt lõi rất có chiều sâu. Và đó là những giá trị cực kì quan trọng. Các giá trị này rất ít khi thay đổi theo sự thay đổi của thị trường. Mặt khác, thường thì các tổ chức sẽ thay đổi thị trường nếu cần thiết để duy trì các giá trị cốt lõi thực tế của tổ chức mình.