Tại sao tỷ suất lợi nhuận hoạt động quan trọng?
Thu nhập từ hoạt động bằng doanh thu trừ đi chi phí hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như một quý hoặc một năm. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động là tỷ lệ phần trăm khi chia thu nhập từ hoạt động trong một khoảng thời gian cho doanh thu trong khoảng thời gian tương ứng. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động là phần trăm doanh thu mà một công ty tạo ra có thể được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư của công ty (các nhà đầu tư vốn chủ sở hữu và nhà đầu tư nợ) và cơ quan quản lý thuế. Đây là đơn vị đo lường quan trọng để phân tích giá trị của một cổ phiếu. Với các yếu tố khác giữ nguyên, tỷ suất lợi nhuận hoạt động càng cao thì càng tốt. Sử dụng tỷ lệ phần trăm cũng rất hữu ích khi cần so sánh các công ty với nhau hoặc phân tích kết quả hoạt động của một công ty trong các bối cảnh doanh thu khác nhau.
Doanh thu có thể được tạo ra bằng một số cách tùy thuộc vào loại hình kinh doanh. Tương tự như vậy, chi phí hoạt động cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau. Tùy thuộc vào nguồn, chi phí hoạt động "biến đổi " theo nhiều cách khác nhau.
Về bản chất, các nhà phân tích thường phân chi phí thành "cố định" hoặc "biến đổi". Chi phí cố định là chi phí tương đối ổn định khi hoạt động kinh doanh và doanh thu thay đổi. Chi phí thuê là một ví dụ. Nếu một công ty cho thuê hoặc thuê một tài sản, công ty đó thường trả một khoản tiền cố định theo từng tháng hoặc từng quý. Số tiền này không thay đổi bất kể công việc kinh doanh tốt hay xấu vào thời điểm đó. Ngược lại, chi phí biến đổi là chi phí thay đổi khi hoạt động kinh doanh thay đổi. Một ví dụ là chi phí mua nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất. Công ty sản xuất phải mua thêm nguyên liệu thô khi doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh; do đó, chi phí mua nguyên vật liệu thô tăng lên khi doanh thu tăng.
Phân tích kết hợp cả chi phí cố định và biến đổi của một công ty đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích tỷ suất lợi nhuận hoạt động và dòng tiền từ hoạt động. Khi doanh thu tăng, tỷ suất lợi nhuận hoạt động của các công ty đòi hỏi nhiều chi phí cố định có khả năng tăng với tốc độ nhanh hơn so với các công ty ít phụ thuộc hơn vào chi phí cố định (điều ngược lại cũng đúng). Bởi việc phân tích cổ phiếu liên quan đến việc dự báo kết quả hoạt động trong tương lai nên việc hiểu rõ mức độ sử dụng chi phí cố định là rất quan trọng. Các nhà phân tích phải nắm được những thay đổi của tỷ suất lợi nhuận hoạt động trong tương lai dựa trên các giả định tăng trưởng doanh thu nhất định.
Phân tích yếu tố chi phí giá vốn hàng bán
Một dạng chi phí đặc biệt và quan trọng là chi phí giá vốn hàng bán (COGS). Đối với các công ty bán các sản phẩm mà họ sản xuất, việc tăng thêm giá trị hoặc đơn giản là phân bổ cho chi phí giá vốn cần được hạch toán dựa trên tính toán hàng tồn kho.
Công thức cơ bản để tính Giá vốn hàng bán COGS:
COGS = BI + P - EI
Trong đó:
- BI là lượng hàng tồn kho đầu kỳ
- P là lượng hàng tồn kho mua thêm trong kỳ
- EI là lượng hàng tồn kho cuối kỳ
Giá vốn hàng bán - COGS giúp đo lường chi phí của lượng hàng đã bán ra trong một kỳ nhưng số tiền thực tế phát sinh để mua hàng tồn kho có thể cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể. Bằng cách trừ lượng đi lượng hàng tồn kho cuối kỳ và đầu kỳ, công ty có thể tính toán được chi phí của lượng hàng thực tế bán ra trong kỳ đó. Cũng cần lưu ý rằng một lượng chi phí quản lý đáng kể - như hóa đơn tiền điện của một nhà máy sản xuất – cũng thường được bao gồm trong lượng hàng tồn kho và do đó cũng nằm trong COGS.
Doanh thu trừ COGS được gọi là lợi nhuận gộp (gross profit). Đây là một thành tố quan trọng của thu nhập từ hoạt động. Lợi nhuận gộp là tổng lợi nhuận được tạo ra trước khi trừ đi chi phí quản lý không liên quan đến quá trình sản xuất như chi phí bán hàng, tổng hợp và hành chính (SG&A) của một công ty. Chi phí SG&A có thể bao gồm các hạng mục như lương nhân viên khối văn phòng, chi phí để duy trì việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Lợi nhuận gộp chia phần trăm cho doanh thu sẽ ra tỷ suất lợi nhuận gộp. Việc phân tích tỷ suất lợi nhuận gộp là vô cùng quan trọng trong các dự án phân tích vốn chủ sở hữu bởi COGS thường là chi phí lớn nhất của một công ty. Các nhà phân tích thường nhìn vào tỷ suất lợi nhuận gộp khi so sánh các công ty hoặc đánh giá hiệu quả hoạt động của duy nhất một công ty trong bối cảnh lịch sử.
Các thành tố khác cần cân nhắc
Nhà đầu tư cũng nên nắm rõ sự khác biệt giữa chi phí tiền mặt và chi phí không dùng tiền mặt khi phân tích kết quả hoạt động. Chi phí không dùng tiền mặt là chi phí hoạt động mà không đòi hỏi việc dùng tiền mặt trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Một ví dụ là chi phí khấu hao. Theo hệ thống nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP), khi một doanh nghiệp mua một tài sản dài hạn (chẳng hạn như thiết bị nặng), số tiền bỏ ra để mua tài sản đó không giống như chi phí thuê hoặc chi phí nguyên vật liệu thô. Thay vào đó, chi phí được phân bổ trong suốt thời gian sử dụng của thiết bị và, do đó, một phần nhỏ trong tổng chi phí được phân bổ trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của một vài năm dưới dạng chi phí khấu hao mặc dù công ty không tiêu thêm tiền mặt. Lưu ý rằng chi phí không dùng tiền mặt thường được phân bổ cho các dòng chi phí khác trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Một cách hiệu quả để nắm bắt tác động của chi phí không dùng tiền mặt là xem xét cẩn thận phần báo cáo về hoạt động kinh doanh trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Chi phí không dùng tiền mặt là lý do chủ yếu tạo nên sự chênh lệch giữa thu nhập từ hoạt động và dòng tiền hoạt động. Các nhà đầu tư khôn ngoan thừa hiểu rằng một phần của thu nhập từ hoạt động đã tính đến chi phí không dùng tiền mặt. Các nhà phân tích thường tính toán thu nhập trước lãi, thuế và khấu hao ( EBITDA) để đo lường thu nhập tiền mặt từ hoạt động. Bởi chỉ số này không bao gồm các chi phí không dùng tiền mặt, nên EBITDA có thể đo lường các dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh tốt hơn so với thu nhập từ hoạt động. Và xét cho cùng, cổ tức phải được thanh toán từ nguồn tiền mặt chứ không phải là thu nhập. Tương tự như tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận hoạt động, các nhà phân tích sử dụng EBITDA để tính toán tỷ suất EBITDA và họ sử dụng con số này để so sánh và phân tích một công ty theo thời gian.
Kết luận
Để đánh giá cổ phiếu một cách chính xác, nhà đầu tư phải nắm bắt khả năng của tổ chức phát hành trong việc tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu các khái niệm về thu nhập hoạt động và EBITDA. Đối với hầu hết các khía cạnh trong phân tích tài chính, so sánh các con số có thể giúp ta hiểu rõ hơn về một công ty so với các thông số tài chính thực tế . Bằng cách tính toán các tỷ suất lợi nhuận, nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn khả năng của một công ty trong việc tạo ra thu nhập từ hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh với các công ty khác cũng như thành tích của chính nó theo thời gian.