Phân Tích Pestle Của Samsung

Uyên Hoàng
20/07/2020 - 07:00 23520     0

Samsung là một tập toàn đa quốc gia hoạt động trong thị trường “White Goods” - tức thị trường thiết bị gia dụng và tiêu dùng. Công ty này thuộc sở hữu của một gia đình Hàn Quốc có tham vọng toàn cầu. Dù đã mở rộng sang các thị trường mới hơn trong thời gian gần đây, song Samsung vẫn không bằng lòng với việc chỉ hoạt động tại một số thị trường trên thế giới. Thay vào đó, Samsung muốn phủ sóng càng nhiều quốc gia càng tốt. Do đó, bài viết này của SAGA.VN sẽ tập trung vào tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài tới chiến lược kinh doanh của Samsung.

 

Chính trị (Political)

Hầu hết các thị trường mà Samsung đang hoạt động đều có môi trường chính trị thuận lợi cho họ. Dù rằng có một số trở ngại nhỏ ở các thị trường nước ngoài như Ấn Độ, nhưng nhìn chung, có thể thấy rằng Samsung đang hoạt động ở các thị trường mà yếu tố chính trị tương đối ổn định. Tuy nhiên, đã có thời gian Samsung phải đối mặt với những cơn “sóng gió” chính trị đáng kể ở quê nhà Hàn Quốc do căng thẳng của quốc gia này với Triều Tiên. Samsung đã phải tính đến không chỉ sự bất ổn chính trị mà còn cả mối đe dọa chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Samsung cũng phải đối mặt với áp lực chính trị ở nhiều nước châu Phi và Mỹ Latinh, nơi môi trường chính trị không ổn định và cơ cấu chính phủ dễ bị thay đổi thường xuyên. Tất nhiên, vấn đề chính trị không phải là mối lo lớn đối với Samsung vì công ty này ít nhiều đã có để tâm và xem xét đến sự bất ổn chính trị trong các tính toán chiến lược của mình.

Kinh tế (Economic)

Mở ra nhiều thị trường ở các nước đang phát triển là một chiều hướng kinh doanh đặc biệt quan trọng đối với Samsung, vì nó giúp Samsung có thực hiện hóa tham vọng toàn cầu của mình. Tuy nhiên, hướng phát triển này cũng là một mối lo ngại đáng kể, bởi những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra đã làm giảm tương đối mạnh sức mua của người tiêu dùng ở nhiều thị trường phát triển. Điều này buộc Samsung phải tìm kiếm lợi nhuận ở các thị trường mới nổi. Điểm mấu chốt cần lưu ý ở đây là môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu nơi mà Samsung hoạt động đang gặp nhiều bất ổn và biến động, dẫn đến việc công ty này phải định hướng lại các chiến lược của mình cho phù hợp. Tuy nhiên, bù lại là công ty đã điều chỉnh khá tốt để giảm dần việc phụ thuộc doanh thu từ người tiêu dùng ở các nước phát triển bằng cách mở rộng sang các thị trường mới nổi và đang phát triển. Đó là lý do tại sao Samsung đẩy mạnh đầu tư vào các thị trường mới nổi, với hy vọng bù đắp lại những lợi nhuận kinh doanh đã mất ở các nước phát triển.

Văn hóa xã hội (Socio-Cultural)

Samsung là một Chaebol (đại tập đoàn tài phiệt đa quốc gia) điển hình của Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là dù lưu “dấu chân” kinh doanh trên khắp thế giới nhưng cốt lõi hoạt động Samsung vẫn giống một công ty Hàn Quốc. Do đó, công ty toàn cầu này cần phải xem xét lại một số khía cạnh kinh doanh tại các thị trường kinh doanh khác nhau, trong đó bao gồm việc công ty phải tự thích nghi với các điều kiện địa phương. Nói cách khác, dù là một công ty toàn cầu nhưng Samsung phải áp dụng các chiến lược cục bộ cho nhiều thị trường mới nổi khác nhau. Ngoài ra, Samsung cũng phải điều chỉnh các sản phẩm của mình theo sở thích thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau nơi họ hoạt động. Điểm mấu chốt cần lưu ý ở đây là Samsung hoạt động trong một phân khúc thị trường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sở thích, lối sống của người tiêu dùng. Và thực tế là các yếu tố văn hóa xã hội luôn khác nhau ở mỗi quốc gia khác nhau; do đó Samsung đã phải thay đổi chính mình sao cho phù hợp mỗi thị trường tương ứng.

Công nghệ (Technological)

Samsung có thể được coi là một trong những công ty sáng tạo hàng đầu thế giới. Điều này có nghĩa là công ty đang có lợi thế khi khai thác sức mạnh của công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo để có được lợi thế kinh doanh bền vững. Đi đầu trong công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như có được tầm nhìn thống trị các đối thủ cạnh tranh bằng việc tiếp cận thị trường với công nghệ mới nhất của mình đã trở thành sứ mệnh và ưu tiên hàng đầu của Samsung. Tuy nhiên, chính công nghệ cũng là yếu tố thúc đẩy Samsung “đi tắt” và bắt chước thiết kế sản phẩm huyền thoại của Apple. Và điều này hiển nhiên đã đem lại rất nhiều rắc rối pháp lý cho Samsung. Kinh nghiệm của Samsung là một bài học đắt giá đối với các công ty đang cố gắng đổi mới công nghệ khác, đó là dù bạn có đến tay người tiêu dùng nhanh như thế nào trong thời buổi công nghệ hóa hiện nay, thì việc kinh doanh chân chính vẫn là chìa khóa của thành công.

Pháp luật (Legal)

Như đã đề cập ở trên, Samsung đã phải đối mặt với các hình phạt nặng nề vì cáo buộc bắt chước iPad và iPhone của Apple. Điều này đã dẫn đến thất bại nhất định trong quá trình tạo dựng nhận thức thương hiệu của công ty cũng như khiến các chiến lược tiếp cận người tiêu dùng của Samsung bị ảnh hưởng. Samsung cần phải tìm cách thoát ra khỏi các mê cung pháp lý và không để vướng vào bất kỳ vụ kiện nào ở các thị trường phát triển khác.

Môi trường (Environmental)

Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng đang chú tâm hơn đến các vấn đề xã hội và họ muốn thương hiệu của mình cũng phải cung cấp và sản xuất các sản phẩm theo cách có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Samsung cần thiết phải nhận thức được điều này để sản xuất ra các sản phẩm làm vừa lòng khách hàng. Điều này có nghĩa là Samsung cần phải đảm bảo một môi trường làm việc và mức lương phù hợp cho các nhân công của họ - những người tham gia vào việc tạo sản phẩm cuối.

Kết luận

Các phân tích trên đây chỉ ra rõ rằng, Samsung có nhiệm vụ phải tự điều chỉnh mình khi tham gia vào thị trường tiêu dùng toàn cầu đầy rẫy những nguy hiểm. Đặc biệt, khi công ty đang mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, lượng cổ phần không thể cao lên trong thời kỳ suy thoái và trong bối cảnh thị trường công nghệ đầy cạnh tranh như hiện nay.

 

 
Nguồn : THEO SAGA.VN
Uyên Hoàng
Uyên Hoàng