Những Điểm Cần Lưu Ý Khi Làm Việc Với Đối Tác Malaysia

Unknown
20/05/2015 - 23:00 18499     0

Malaysia là một đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa do có sự hòa trộn của những nền văn hóa Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và nền văn hóa bản địa Orang Asli. Tuy có nhiều tộc người với nhiều nền văn hóa khác nhau, ở đây vẫn có sự dung hòa, tôn trọng lẫn nhau, gắn kết trong cả nước.

 

I. Về trang phục 

Phong cách thời trang tại Malaysia gồm cả trang phục truyền thống và trang phục hiện đại. Tuy nhiên, nam giới nên mặc áo tay dài và thắt cà vạt trong các cuộc họp kinh doanh để thể hiện sự tôn trọng đối tác. Nếu bạn đi dự tiệc cocktail tối hoặc các sự kiện khác, bạn nên mặc thêm một chiếc áo khoác.

Phụ nữ có thể mặc quần hoặc váy, và không bắt buộc phải mang vớ da. Cần lưu ý rằng ở Malaysia, phụ nữ không nên ăn mặc quá hở hang: nếu bạn mặc áo hở vai, tốt nhất là mặc thêm một chiếc áo khoác bên ngoài.

Nếu bạn nhận được một thiếp mời đến một sự kiện nào đó có dòng lưu ý "áo dài tay batik" thì bạn nên mặc một chiếc áo batik đến sự kiện đó. Batik là một loại vải truyền thống của người Malaysia và người mời bạn sẽ cảm thấy rất vui nếu bạn mặc áo batik đến sự kiện của họ. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng áo batik không phải là trang phục công sở ở Malaysia.

II. Về giao tiếp

Tuân thủ giờ giấc

Trong giao tiếp người Malaysia rất tuân thủ giờ giấc, coi trọng mũ áo chỉnh tề. Vì vậy, nếu bạn có những cuộc hẹn với đối tác người Malaysia thì tốt nhất là bạn nên đến thật đúng giờ.

Cách xưng hô

Trước khi trở nên thân thiết, người Malaysia thường sẽ xưng hô hết sức trang trọng với bạn. Dưới đây là một số từ địa phương mà người Malaysia dùng trong xưng hô:

Encik: dùng cho đàn ông (cả kết hôn lẫn chưa kết hôn)

Tuan: dùng cho người có chức vụ, thường là các quan chức chính phủ

Tuan Haji: Đối với đàn ông Hồi giáo người Malaysia, nếu họ đạt được danh hiệu Haji (người Hồi giáo sau khi hành hương đến thánh địa Mecca thường có được danh hiệu Haj hoặc Haji), thì sẽ được gọi là Tuan Haji.

Cik: dùng cho phụ nữ chưa kết hôn

Puan: dùng cho phụ nữ đã kết hôn.

Trước khi xưng hô với người nào đó, tốt nhất bạn nên hỏi đối phương muốn được gọi như thế nào để có xưng hô phù hợp.

Lưu ý: Nhiều doanh nhân nổi tiếng người Malaysia cũng được ban danh hiệu Tan Sri hoặc Datuk (các danh hiệu danh dự trong xã hội Malaysia). Để an toàn, bạn chỉ nên gọi họ bằng danh hiệu thay vì gọi họ bằng danh hiệu kèm tên.

Quy tắc bắt tay

Khi gặp nhau, người Malaysia có thói quen sờ vào lòng bàn tay của nhau, sau đó chắp tay lại. Tuy nhiên, họ rất kiêng kỵ việc xoa đầu và lưng người khác.

Một lưu ý quan trọng khác là người Malaysia không bắt tay người khác giới, đồng thời tránh những đụng chạm kể cả ngẫu nhiên giữa những người không cùng giới. Chẳng hạn, bạn chỉ nên bắt tay với một nữ doanh nhân Malaysia nếu cô ấy chủ động đưa tay ra trước. Nếu không, tốt nhất bạn chỉ nên gật đầu hay cúi chào cô ấy là đủ.

Danh thiếp

Hãy nhớ mang theo nhiều danh thiếp. Trao đổi danh thiếp là bắt buộc trong tất cả các cuộc gặp gỡ kinh doanh tại Malaysia. Bạn nên đưa và nhận danh thiếp bằng hai tay.

Chủ đề bàn luận

Chủ đề tốt nhất để bàn luận ở Malaysia là công việc buôn bán, thành tựu xã hội, lịch sử nền văn minh Malaysia, cách nấu nướng món ăn ở các vùng của Malaysia và bóng đá. Không nên bàn luận về các vấn đề nhạy cảm như chính trị, chủng tộc, mức sống với người Malaysia.

Xây dựng mối quan hệ: Đòi hỏi sự kiên trì

Thông thường, người Malaysia thích làm ăn với người họ biết và thích. Do vậy, bạn phải xây dựng cho được mối quan hệ cá nhân gần gũi với đối tác người Malaysia nếu bạn muốn tìm được sự ủng hộ nhanh chóng của họ.

Cũng như hầu hết các nước Á Đông, tiến trình thương lượng kinh doanh ở đây diễn ra khá chậm, nên đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Đừng bao giờ nghĩ đến việc hoàn thành thương lượng chỉ trong ngày một ngày hai mà hãy tính kế hoạch cho nhiều chuyến đi kéo dài nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng để thương lượng.

Thể hiện sự lịch thiệp

Lịch thiệp là một trong những yêu cầu cơ bản để thành công ở Malaysia. Người Malaysia quan niệm rằng giữ mối quan hệ luôn hòa hợp là rất quan trọng nên họ ít khi nói "không". Do vậy, khi họ nói "vâng / có" thì từ này hàm ý nhiều nghĩa, từ nghĩa "đồng ý" đến "có thể", đến "mong ngài hiểu cho tôi là tôi không thể". Chữ "vâng" hàm ý "không" rõ nhất là "Yes, but…" (Vâng, nhưng…).

Bạn phải giữ lịch sự và xử sự lịch thiệp ở tất cả các lần gặp mặt. Bạn nên tỏ ra tôn trọng đối tác Malaysia cao tuổi và luôn nhớ phải chào người lớn tuổi nhất trong nhóm trước khi chào các thành viên trẻ tuổi còn lại. Điều này rất quan trọng trong việc đạt được các giao dịch kinh doanh thành công tại Malaysia

Hạn chế bộc lộ cảm xúc tiêu cực

Cần chú ý rằng, ở Malaysia người ta không bao giờ biểu lộ cảm xúc giận dữ nơi công cộng. Họ quan niệm rằng việc không kiểm soát được cảm xúc đồng nghĩa với việc không đáng tin.

Chọn ngày lành tháng tốt

Một số doanh nhân Malaysia, đặc biệt là người gốc Hoa thường chọn ngày lành tháng tốt cho công việc, nên đừng ngạc nhiên nếu ngày ký kết hợp đồng bỗng được dời đến một hôm khác. 

III. Quà tặng

Trong kinh doanh, người Malaysia ít khi tặng quà cho nhau vì quà tặng bị xem là hối lộ. Nếu muốn thể hiện tấm lòng, quà tặng tốt nhất cho các đối tác làm ăn là bút viết, sổ công tác, danh thiếp và những đồ vật mang dấu công ty của đối tác, nhưng không nên tặng rượu (trừ người Hoa), bởi vì hầu hết người dân theo đạo Hồi ở Malaysia không uống rượu.

Tay trái bị xem là không sạch sẽ, vì thế khi cho hoặc nhận tiền, quà hãy dùng tay phải!

IV. Ăn uống

Người Malaysia rất hiếu khách và cũng rất thích ăn uống. Cùng nhau đi ăn là một phần văn hóa kinh doanh ở Malaysia. Bạn nên đồng ý ăn một ít bất cứ món gì mà đối tác Malaysia mời bạn. Nếu bạn có thể ăn đồ ăn Malaysia thì bạn nên nói cho đối tác bạn biết, họ sẽ rất vui khi bạn có thể ăn được đồ ăn của họ.

Người Mã Lai chiếm đa số dân số Malaysia. Người Malaysia là những người theo đạo Hồi chính thống, họ không uống rượu và ăn thịt heo vì đây là những điều cấm kỵ theo tín ngưỡng đạo Hồi. Người Malaysia chỉ ăn những thực phẩm được nấu nướng theo nguyên tắc của đạo Hồi và những món ăn được gọi chung là halal.

Nhiều người Malaysia và Ấn Độ thích ăn bằng tay vì thế việc đựng thức ăn trong lòng bàn tay và việc người ta sản xuất rất nhiều các loại hóa chất để rửa tay trước và sau khi ăn không có gì là lạ ở đất nước này.

Khi ăn uống không dùng tay trái vì phong tục người Malaysia chỉ dùng tay phải để ăn uống. Đa số người dân Malaysia theo đạo Hồi vì vậy họ rất giữ nghiêm giáo quy. Họ không mời khách uống rượu mà chỉ mời trà, cà phê hoặc nước ngọt, họ kiêng ăn thịt lợn, thịt chó.

Lưu ý: Khi đi ăn với người Malaysia, nên nhớ rằng người đưa ra lời mời sẽ là người trả tiền cho bữa ăn

Nguồn : Saga.vn
Unknown