Sự xuất sắc chưa chắc sẽ đảm bảo cho bạn có được một công việc tại văn phòng tư vấn, hãng luật, ngân hàng hay bất cứ tổ chức chuyên nghiệp nào khác.
Thay vào đó, các yếu tố tạo nên sự tương đồng giữa bạn và nhà tuyển dụng đóng vai trò rất quan trọng.
Rút ra từ 120 cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng cũng như qua quan sát hoạt động của hội đồng tuyển dụng, giáo sư Lauren Rivera của Viện Quản lí - ĐH Kellogg nhận thấy rằng các giám đốc nhân sự luôn muốn tuyển những người có tiềm năng trở thành bạn bè.
"Tuyển dụng không chỉ là một quá trình phân loại kỹ năng," theo Rivera. "Nó còn là một quá trình tìm kiếm sự phù hơp về văn hóa giữa các ứng viên, nhà tuyển dụng và công ty. Nhà tuyển dụng lựa chọn các ứng viên không chỉ dựa trên thực lực mà còn dựa trên sự hòa hợp về tính cách, ứng xử."
Nói cách khác, họ muốn xem bạn có cùng quan điểm sống, trải nghiệm, sở thích với người đang ngồi đối diện hay không.
Nghiên cứu của Rivera cho thấy các công ty có sự đa dạng cao trong đội ngũ nhân sự - nơi không chỉ có nhân viên là người da trắng - vẫn tạo được sự gắn bó trong tổ chức đó. Họ có thể có màu da khác nhau, nhưng họ trưởng thành ở nhiều nơi rải rác khắp các bang trên đất nước, có thể đã học ở cùng một đại học danh tiếng, và chơi các môn thể thao giống nhau.
Tại sao các công ty nhất định phải tuyển dụng nhân sự theo cách này?
Rivera lập luận rằng đó là vì khi chúng ta không có một bộ tiêu chí tuyển dụng đủ chi tiết và có thể áp dụng trên quy mô lớn để đánh giá tiềm năng của ứng viên, chúng ta sẽ dựa vào một công cụ trực tiếp nhất: chính bản thân mình.
Rút ra từ nghiên cứu của Rivera, dưới đây là một vài chia sẻ liên quan đến quá trình tuyển dụng:
- Một chuyên gia tư vấn cho biết: Chúng tôi muốn tuyển những người không chỉ phù hợp với cách làm việc của chúng tôi mà còn phù hợp với văn hóa tổ chức nữa.
- Một chuyên gia tuyển dụng cho các hãng luật cũng chia sẻ điều tương tự: Chúng tôi tổ chức một kì nghỉ vào cuối tuần cho các thực tập sinh đợt hè trong tuần đầu tiên họ làm việc ở đây. Khi trở về vào tuần kế tiếp, một trong những thực tập sinh nói với tôi: "Mỗi thực tập sinh là một cá nhân khác biệt, nhưng ngài thấy đấy, chúng tôi đều được tuyển vào (công ty này) bởi vì tất cả chúng tôi có tính cách giống nhau. Điều đó rõ ràng như thể chúng tôi đều là một kiểu người vậy.
- Giám đốc một ngân hàng đầu tư cho biết: Tôi vẫn gọi một trong những tiêu chí tuyển dụng quan trọng nhất là "bài kiểm tra khi bị mắc kẹt ở sân bay." Khi trời đổ bão tuyết, liệu tôi có muốn bị mắc kẹt tại một sân bay ở Minneapolis với họ hay không?
- Một nhân viên ngân hàng nói về một ứng viên nổi bật mà cô đã phỏng vấn gần đây: Cô ấy và tôi đều từng tham gia cuộc thi marathon ở New York. Chúng tôi nói về chuyện đó và nhanh chóng trở nên tâm đầu ý hợp. Chúng tôi bắt đầu nói về sở thích theo dõi những người nổi tiếng ở New York. Dường như chúng tôi đã “kết nối” được với nhau ngay lập tức. Tôi rất thích cô ấy.
Qua những buổi nói chuyện trên, Rivera đi tới kết luận rằng nếu một người phụ trách tuyển dụng nhân sự cảm nhận được sự tương đồng với người mà họ đang phỏng vấn, nhiều khả năng họ sẽ bỏ qua những thiếu sót chuyên môn để cuộc nói chuyện trở nên thoải mái hơn.
Điều thú vị ở đây là, việc kết nối với ứng viên thậm chí còn quan trọng hơn sau buổi phỏng vấn. Do mỗi công ty nhận được một số lượng lớn hồ sơ xin việc mỗi năm, nên Riviera lưu ý một ứng viên mạnh cần có một người "chống lưng" bên trong - người sẽ ủng hộ họ trong các buổi thảo luận nội bộ nhằm đánh giá ứng viên. Yếu tố dự đoán chắc chắn nhất cho sự đồng thuận từ phía nhà tuyển dụng là liệu họ có nhận thấy “sợi dây kết nối” với ứng viên hay không.
Vì vậy, dù thế nào đi nữa, bạn cần tạo ra sợi dây kết nối đó nếu muốn giành được công việc.