Có nhiều yếu tố góp phần làm nên một đề án kinh doanh xuất sắc. Tuy nhiên có một vài yếu tố chính mà tất cả những người ra quyết định sẽ đều quan tâm.
1. Phân tích các kịch bản
Để xây dựng một đề án kinh doanh xuất sắc (hay nói cách khác là một đề án kinh doanh đảm bảo tính khách quan và hấp dẫn), cần tiến hành các nghiên cứu và đưa ra được các giả định hợp lý, có căn cứ để có thể trình bày rõ ràng các lợi ích có thể thu được của dự án. Trong khi một số dữ liệu đã được ghi nhận chính xác từ thực tế (ví dụ như số lượng nhân viên), vẫn cần có những dự trù cần thiết để đề phòng những thay đổi có thể xảy ra hoặc những sự không chắc chắn. Việc nhận thức rõ ràng về cả kịch bản tốt nhất và xấu nhất, là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một đề án kinh doanh tuyệt vời.
2. Xác định rõ lợi ích mà dự án mang lại bắt nguồn từ đâu
Một đề án kinh doanh không xuất sắc có thể bởi không chỉ rõ được mối liên kết và không giải thích được làm thế nào mỗi tính năng hoặc đặc điểm nào đó của dự án có thể tạo ra được hiệu quả cụ thể trong vận hành.
Nếu người xem xét đề án kinh doanh, chẳng hạn như Giám đốc điều hành, đặt câu hỏi về một lợi ích cụ thể nào đó nhận được từ dự án, người xây dựng đề án kinh doanh phải có thể nhanh chóng giải thích được làm cách nào mà dự án tạo ra được lợi ích ấy và ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty ra sao.
3. Xác định rõ ràng KPI cho mỗi lợi ích dự tính nhận được.
Chỉ số hiệu suất chính (KPI) được đo lường cho tất cả các lợi ích mà dự án đem lại, và sự biến thiên của chỉ số này cho thấy được tác động của dự án tiềm năng. Có một số thành tố được sử dụng để xây dựng một công thức tính toán lợi ích cụ thể. Nếu không được xác định rõ ràng, KPI có thể nhanh chóng bị lạc trong các giả định được sử dụng trong công thức của bất kỳ lợi ích nào. Xác định yếu tố nào đo lường sự thành công của một lợi ích cụ thể là rất quan trọng để hiểu và đồng thuận với một đề án kinh doanh. Nếu không xác định rõ KPI, giám đốc điều hành sẽ không có khả năng xác định hiệu lực của một lợi ích cụ thể hoặc đo lường tiến trình của một sáng kiến được thực hiện.
4. Đánh giá rủi ro kinh tế khi không đầu tư
VIệc đánh giá "Rủi ro không đầu tư" thường bị bỏ qua, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một đề án kinh doanh xuất sắc. Nếu không tiến hành đầu tư, điều gì có thể xảy ra với lợi nhuận của công ty? Công ty có thể mất khách hàng hoặc thị phần hay không? Đâu là một số chi phí trong tương lai có thể tránh được nếu khoản đầu tư được thực hiện ngày hôm nay?
Để thấy được rõ ràng tất cả các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến bất kỳ dự án cụ thể nào, một đề án kinh doanh xuất sắc không chỉ quan tâm tới các rủi ro có thể xảy ra khi tiến hành đầu tư mà còn phải xem xét cả rủi ro kinh tế của việc không đầu tư.
5. Liên kết với các Mục tiêu Chiến lược của Công ty
Một đề án kinh doanh tốt giúp diễn giải một sáng kiến hoặc một giải pháp cụ thể mà thường thu lại hệ số thu nhập trên đầu tư (ROI) cao. Một dự án có hệ số thu nhập trên đầu tư cao là rất tốt, nhưng một đề án kinh doanh sẽ không hoàn chỉnh nếu giải pháp đề xuất không phù hợp với các mục tiêu chiến lược của công ty. Để một dự án tiềm năng được nhà điều hành coi là "khả thi", nó phải phù hợp với các mục tiêu chiến lược của công ty trong cả kinh doanh lẫn công nghệ. Một đề án kinh doanh xuất sắc không chỉ cần có hệ số thu nhập trên đầu tư cao mà còn cần thể hiện được cả ý định chiến lược nữa!