Môi Giới Hay Giao Dịch: Đâu Là Nghề Nghiệp Phù Hợp Với Bạn?

02/11/2014 - 15:35 6057     0

Có phải bạn đang gặp khó khăn trong lựa chọn nghề nghiệp, giữa việc trở thành một nhà môi giới chứng khoán (broker) hay một nhà giao dịch (trader)?

Mặc dù cả 2 đều liên quan tới việc kinh doanh chứng khoán, nhưng tính chất của mỗi nghề nghiệp lại khác nhau rất nhiều, và do đó bạn rất nên cân nhắc để lựa chọn một công việc phù hợp nhất cho mình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những sự khác biệt đó cũng như những sự chuẩn bị cần thiết để có thể theo đuổi một trong hai vị trí này.

Những Điểm Khác Biệt Cơ Bản

Trong khi cả người môi giới và người giao dịch đều mua bán các loại chứng khoán thì những người môi giới còn đóng thêm vai trò là một người đại diện bán hàng - có thể là cho một công ty chứng khoán, một công ty môi giới hoặc thậm chí là cho chính họ. Ngược lại, các giao dịch viên lại thường làm việc cho một tổ chức quản lý đầu tư lớn mua bán và trao đổi các loại chứng khoán dựa trên tài sản mà công ty đó quản lý.
 
Những người môi giới thiên về việc liên hệ trực tiếp với các khách hàng cá nhân hoặc tổ chức, và mua bán chứng khoán dựa trên nguyện vọng của khách hàng. Ngược lại, các nhà giao dịch lại có xu hướng mua hoặc bán chứng khoán dựa trên nguyện vọng của một hay nhiều người quản lý danh mục đầu tư tại một công ty đầu tư. 
 
Cuối cùng, một môi giới viên cũng là một người đại diện bán hàng, họ chịu trách nhiệm về việc thu thập cũng như duy trì danh sách khách hàng. 
 

Đặc Điểm Của Nhà Môi Giới Và Nhà Giao Dịch

Các nhà môi giới hay nhà giao dịch thường rất dồi dào năng lượng và có kỹ năng giao tiếp, đàm phán tốt. Họ thực hiện đa tác vụ một cách thành thục, có khả năng đối phó với môi trường có nhịp độ nhanh, áp lực cao.
 
Nếu bạn đang xem xét trở thành một môi giới viên hay một giao dịch viên, bạn nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt về thị trường tài chính. Đọc The Wall Street Journal, The Financial Times, hoặc xem tin tức tài chính trên đài báo nói chung là một điều tối căn bản. Bên cạnh đó, mặc dù để tham gia vào lĩnh vực này người ta không yêu cầu bằng đại học, nhưng nếu bạn đang là một sinh viên chưa ra trường và muốn tham gia, bạn nên theo học các lớp về kinh tế, tài chính cũng như kinh doanh, bán hàng tại trường đại học của bạn (nếu có). Các chuyên ngành phổ biến dành cho những ai muốn theo đuổi vị trí môi giới hoặc đầu tư bao gồm: kinh tế, tài chính, kinh doanh và toán học; nhưng cũng không ít người rất thành công trong lĩnh vực này đã từng nghiên cứu vật lý, sinh học, kỹ thuật điện, hay thậm chí là cả những ngành học thiên về xã hội như lịch sử, tiếng Anh, khoa học chính trị, triết học... Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, nếu bạn không được học về kinh doanh hay tài chính thì con đường dẫn tới thành công sẽ lâu hơn và khó khăn hơn rất nhiều. 
 
Một lưu ý quan trọng khác đối với những người đang xem xét việc theo đuổi sự nghiệp này là có khá nhiều nhà môi giới và nhà giao dịch có kinh nghiệm làm thêm trước khi bước vào lĩnh vực này. Đặc biệt là khi bạn đang muốn trở thành một người môi giới, bất kì kinh nghiệm bán hàng nào trước đó của bạn cũng sẽ được đánh giá cao, bởi doanh số là một yếu tố quan trọng đối với vị trí môi giới. 

Những Yêu Cầu Đối Với Nhà Môi Giới Và Nhà Giao Dịch

Để trở thành một môi giới viên hoặc một giao dịch viên, ta cần phải được cấp Chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cho phép người đó trở thành một thành viên của thị trường chứng khoán và thực hiện các lệnh mua/bán chứng khoán. Chứng chỉ này được cấp khi bạn có trình độ đại học trở lên và đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp. Ví dụ như với nhà môi giới, họ cần có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm: Chứng chỉ Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và Thị trường chứng khoán, Chứng chỉ Pháp luật về chứng khoán và Thị trường chứng khoán, Chứng chỉ Phân tích và Đầu tư chứng khoán, Chứng chỉ Môi giới chứng khoán và Tư vấn đầu tư chứng khoán. Kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán được tổ chức tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 
 
Ngoài ra, nhiều công ty môi giới và đầu tư còn yêu cầu các ứng viên cần có các bằng cấp, chứng chỉ nước ngoài, ví dụ như CFA (Chartered Financial Analyst), CIIA (Certified International Investment Analyst), ACCA (Association of Chartered Certified Accountants), CPA (Certified Public Accountants) hoặc đã có bằng thạc sỹ kinh tế, tài chính - kế toán, ngân hàng, chứng khoán tại các quốc gia là thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
 

Một Ngày Của Nhà Môi Giới Và Nhà Giao Dịch

Một nhà môi giới dành rất nhiều thời gian để thông báo cho khách hàng của mình sự thay đổi trong giá cổ phiếu. Thông thường, một khách hàng quan tâm đến việc mua một chứng khoán đặc biệt, nếu giá của nó đi dưới một mức giá nhất định; hoặc bán cổ phiếu của một công ty nếu nó đi lên vượt một mức giá nhất định. Kết quả là, một nhà môi giới phải theo dõi thị trường một cách rất sát sao để theo dõi những biến động này. Tương tự như vậy, một giao dịch viên phải làm theo chỉ dẫn bởi một người quản lý danh mục đầu tư để mua hoặc bán một cổ phiếu tại một mức giá nhất định. 
 
Các nhà môi giới và nhà giao dịch cũng xem xét nghiên cứu phân tích để đưa ra khuyến cáo cho khách hàng hoặc các nhà quản lý danh mục đầu tư để mua, bán chứng khoán. Ngoài ra, các nhà môi giới còn dành một phần thời gian hợp lý trong ngày để tìm cách mở rộng cơ sở dữ liệu khách hàng của họ. Họ thường làm điều này bằng cách "cold calling" tới các khách hàng tiềm năng, giới thiệu bản thân, nền tảng và khả năng của mình. Các nhà môi giới cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về các chủ đề đầu tư khác nhau. Các nhà môi giới quảng cáo các hội thảo này tại địa phương họ hoạt động với hy vọng thu hút một lượng khán giả, trong đó bao gồm các khách hàng tiềm năng. 

Kết Luận

Mỗi ngày của một nhà môi giới hoặc nhà giao dịch đều là một ngày rất đa dạng và thú vị. Nhiều người thích thú với vị trí đó tới mức họ biến vị trí đó thành sự nghiệp lâu dài của mình; nhưng cũng có những người khác đi tới những vị trí khác nhau trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như một nhà phân tích hoặc quản lý danh mục đầu tư. Nếu bạn thích một môi trường nhịp độ nhanh, thích đọc các ấn phẩm tài chính và đang tìm kiếm một sự nghiệp lâu dài, trở thành giao dịch viên hoặc môi giới viên chính là sự lựa chọn cho bạn.

Saga App

Saga App