Mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị và Mô hình lãnh đạo dựa trên quyền lực
Các nhà lãnh đạo, các CEO, Phó chủ tịch, Nhà quản lý, trưởng dự án đến những người làm kinh doanh đều có một thứ quyền lực, đó là sức mạnh ảnh hưởng đến con người và sự việc. Thứ quyền lực hay sức mạnh ấy, có thể được sử dụng một cách khôn ngoan hoặc bị lạm dụng, theo cách xấu hoặc cách tốt, để phục vụ hay để kiểm soát người khác. Và những gì đang diễn ra trên thế giới ngày nay là hồi chuông cảnh tỉnh để các nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực của mình một cách khôn ngoan hơn, vì con người và vì hành tinh của chúng ta.
Mô hình lãnh đạo dựa trên quyền lực là việc “khiến người khác phải làm việc”, làm cách nào thao túng quyền lực để đạt được những gì bạn muốn, làm thế nào để chiến thắng bằng những chiến lược thông minh. Quyền lực vốn đã là một mục tiêu của nhiều người. Người có nhiều quyền lực và người đem lại thành công cho tổ chức sẽ được định nghĩa là những người thành công. Kết quả là, chúng ta thường xuyên thấy sự xung đột giữa các cá nhân, giữa các nhóm quyền lực với nhau. Không ngạc nhiên lắm, khi những nhà lãnh đạo kiểu này thường mời các “chuyên gia” về để huấn luyện nhân viên của mình trong việc hợp tác, giải quyết mâu thuẫn, giao tiếp, đối mặt với căng thẳng hay vô số những chương trình được thiết kế ra để giải quyết những vấn đề họ tạo ra. Vấn đề mà những nhà lãnh đạo này không thực sự giải quyết chính là việc nhân viên của họ đang học theo phong cách lãnh đạo mà họ nhìn thấy và tiếp xúc hàng ngày.
Ngày nay, thay đổi mô hình lãnh đạo là điều thực sự cần thiết, từ mô hình lãnh đạo dựa trên quyền lực đến mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị hoặc lãnh đạo phụng sự. Đặc trưng của mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị là sự cam kết phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người khác. Giá trị của những công ty theo phong cách lãnh đạo này thể hiện những gì họ đã cam kết. Những giá trị này không phải chỉ là hình thức hay những lời nói mà không làm.Thay vào đó, những công ty này thường có tầm nhìn rõ ràng, họ thuyết phục và khuyến khích mọi người hướng tới những mục đích cao cả hơn. Ví dụ như viễn cảnh về thế giới trong tương lai sẽ như thế nào, và hãy cùng thực hiện để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Mục đích sau cùng là sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan để phục vụ mọi người, với một tầm nhìn rõ ràng và những giá trị có ý nghĩa- những thứ được phản ánh qua lời nói và hành động của các nhà lãnh đạo. Quyền lực là một phương tiện, chứ không phải mục đích; nó là một công cụ để giúp đỡ mọi người. Lắng nghe và huấn luyện là những công cụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo. Thước đo thành công là sự phát triển của mỗi cá nhân và của cả tổ chức. Kết quả tạo ra là sự hợp tác và phối hợp giữa các nhóm quyền lực, giữa các cá nhân và các nhóm; họ sẽ tập trung vào việc giải quyết vấn đề và tạo ra những cơ hội mới tốt hơn.
Lãnh đạo theo giá trị là phong cách lãnh đạo dựa trên nền tảng đạo đức, mục đích là vì quyền lợi của mọi người. Những nhà lãnh đạo theo phong cách này đem lại hy vọng. Họ khuyến khích trí tưởng tượng, sự tháo vát và sức sáng tạo nằm trong mỗi người. Họ giúp mọi người có thể tự giúp mình, và bồi dưỡng nhân viên trở thành những nhà lãnh đạo theo phong cách này.
Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng
Pittacus, một trong 7 vị hiền triết của Hy Lạp cổ đại, nói rằng: “thước đo của một con người thể hiện qua cách họ sử dụng quyền lực của mình”. Trong lịch sử và trong tất cả mọi lĩnh vực, chúng ta nhìn thấy vô vàn những ví dụ về phong cách lãnh đạo dựa trên giá trị. Những con người điển hình cho phong cách này là Martin Luther King, Ghandi, Mẹ Theresa, Jimmy Carter hay Nelson Mandela, nhưng bạn cũng có thể nhìn thấy những nhà lãnh đạo khác thuộc phong cách này bên ngoài xã hội, trong các chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân. Đặc điểm của những nhà lãnh đạo này là khả năng kết nối mọi người cùng nhìn về một hướng, vì một thế giới tốt đẹp hơn, họ đưa ra cơ sở đạo đức cho tầm nhìn đó, với mục đích là phục vụ mọi người. Hãy tạm ngừng và nghĩ về những nhà lãnh đạo đã từng xuất hiện trong cuộc đời bạn- những người đã có ảnh hưởng để biến bạn trở thành phiên bản tốt nhất và sáng tạo nhất của chính mình. Hãy nhớ lại cách mà họ đã sống và hướng dẫn cho bạn, cách họ ảnh hưởng và định hình cuộc sống của bạn như thế nào.
Lãnh đạo là một quá trình tạo ảnh hưởng. Bất cứ khi nào bạn tạo ảnh hưởng tới suy nghĩ, niềm tin hay sự tiến triển trong đời sống cá nhân hay nghề nghiệp của một con người, hay giải phóng sức mạnh để họ có thể tạo ra những thứ tốt hơn, thì khi đó bạn đang đảm nhận vai trò của một người lãnh đạo. Bạn liên tục tạo ảnh hưởng tới những người xung quanh bạn, con cái ,thành viên trong gia đình bạn, đồng nghiệp hay sếp của bạn. Nếu dành thời gian để ngẫm lại, bạn sẽ thấy rằng nền tảng của việc tạo được ảnh hưởng tới người khác chính là những giá trị của bản thân bạn, niềm tin mà bạn đang nắm giữ, những thứ quan trọng khiến bạn trở thành một người tử tế, một người sử dụng quyền lực một cách thông minh và vì lợi ích của người khác.
Lợi ích sau cùng: Trên cả tuyệt vời
Mọi người muốn cảm thấy sự gắn kết với tổ chức, không chỉ ở mức độ lý tính mà còn cả về mặt cảm xúc. Khi tầm nhìn của một công ty mở rộng hơn, với lợi ích lớn hơn, thì các nhà lãnh đạo cũng phải chủ động tìm cách kết nối mọi người với tầm nhìn đó và cho họ thấy những giá trị chung sẽ dẫn dắt mọi hành động như thế nào, từ đó tạo ra một mối liên kết chặt chẽ và mọi người sẽ được thôi thúc để cố gắng hết sức mình.
Nghe thì có vẻ hay, nhưng nếu điều này không tạo ra kết quả thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vui khi biết rằng bạn sẽ nhận được nhiều hơn khi bạn sử dụng quyền lực một cách thông minh và áp dụng phong cách lãnh đạo dựa trên giá trị. Ngày càng có nhiều công ty đang làm theo cách như vậy. American Express đang tiến hành một cuộc khảo sát để kiểm tra những nhà lãnh đạo của họ thể hiện những giá trị công ty qua hành động hàng ngày thế nào. Những công ty khác thậm chí đã chuyển đổi mô hình lãnh đạo của mình từ “ lãnh đạo dựa trên giá trị" thành “ lãnh đạo là đầy tớ". Southwest Airlines, Starbucks, Chick-fil-A, TD Industries, Men's Warehouse hay Toro đều là những ví dụ điển hình cho mô hình “ lãnh đạo là đầy tớ" và họ đã tạo ra được những kết quả vô cùng tích cực. Trên thực tế, những công ty này có kết quả kinh doanh tốt hơn cả các công ty S&P500 (với mức Tỷ suất lợi nhuận ROI chỉ đạt 10,3%) hay công ty của Jim Collins (tác giả cuốn sách: “Good to Great, tạm dịch: Từ tốt đến vĩ đại) với mức ROI đạt 17,5%. ROI của các công ty áp dụng phương pháp lãnh đạo trên thường đạt mức 24.2%.
Thuật ngữ: ”lãnh đạo là đầy tớ" được phát biểu lần đầu bởi Robert Greenleaf, Giám đốc quản lý việc nghiên cứu, phát triển và giáo dục của AT&T (một tập đoàn viễn thông đa quốc gia lớn và lâu đời có trụ sở tại Mỹ) trong suốt 48 năm. Khi nghỉ hưu vào năm 1964, ông đã thành lập trung tâm đạo đức ứng dụng (nay là 'Trung tâm Robert K. Greenleaf') để thúc đẩy nghiên cứu và tăng cường hiểu biết về những ưu điểm của phong cách lãnh đạo này. Thông điệp cốt lõi của Greenleaf là: “Một nhà lãnh đạo giỏi trước hết phải là một người đầy tớ và thực tế đơn giản đó chính là chìa khoá thành công của ông”. Bằng việc kết hợp hai thuật ngữ tưởng chừng đối lập nhau là: ”đầy tớ" và “lãnh đạo", Greenleaf đã nhắc nhở chúng ta phải xem xét lại về bản chất của việc lãnh đạo. Thông điệp này ngày càng đến được với nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ và là nền tảng cho việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp.
Nhà lãnh đạo trong chính con người bạn
Martin Luther King từng nói: "Mọi người đều có thể trở nên vĩ đại vì mọi người đều có thể phụng sự”. Vì thế, việc lãnh đạo dựa trên giá trị không nói về chức danh, hay vị trí của bạn trên sơ đồ cơ cấu tổ chức. Nó không chỉ giới hạn trong bản mô tả công việc của bạn và cũng không phải là một phong cách giao tiếp. Nó là một cách giúp bạn nhìn nhận, giúp bạn có tầm nhìn về một tương lai tích cực và đem lại nhiều hy vọng, mục đích của nó là giúp bạn để ý và quan tâm đến nhu cầu của người khác. Bạn phải cố gắng từng chút một. Nó là lời cam kết để tạo ra sự thay đổi cho một con người hay một hành động. Nó là một thứ năng lực phát triển theo thời gian, là một phần con người bạn và phải được rèn luyện suốt cuộc đời.
Điều bạn nên làm nếu muốn áp dụng phong cách lãnh đạo này
- Đọc toàn bộ các sách về phong cách lãnh đạo dựa trên giá trị hoặc “lãnh đạo là đầy tớ”. Thử xem nó ảnh hưởng đến niềm tin của bạn như thế nào và những gì bạn biết về các phong cách lãnh đạo trong thế giới ngày nay.
- Hãy trở thành những người tạo ảnh hưởng trong tổ chức của bạn bất kể bạn đang ở vị trí nào
- Xác định tầm nhìn và những giá trị riêng của bạn. Xác định cách bạn sống với những giá trị ấy, trong mọi hành động bạn làm.
- Xác định tầm nhìn và những giá trị của tổ chức của bạn. Chúng được thể hiện như thế nào trong việc giao tiếp và ra quyết định. Có vị giám đốc điều hành đã từng nói, "Nếu một quyết định không phù hợp với tầm nhìn và giá trị của chúng tôi, đó không phải là quyết định đúng."
- Tạo ra tầm ảnh hưởng đối với mỗi cá nhân, đội, nhóm, hoặc tổ chức. Khuyến khích những cuộc trò chuyện về văn hoá, lãnh đạo, tầm nhìn, giá trị. Xây dựng sự kết nối và liên kết với tầm nhìn chung và các giá trị của tổ chức.
- Phát triển các mối quan hệ tin cậy ở các cấp lãnh đạo cao hơn.
- Sẵn sàng trở thành một “nhân tố thay đổi” và hỗ trợ xây dựng một liên minh các “nhân tố thay đổi” khác, với người đứng đầu là CEO, người sẽ có một loạt những động thái giúp củng cố văn hoá lãnh đạo tại công ty bạn.