Lược Sử Của Quỹ Phòng Hộ

30/12/2014 - 23:50 6597     0

Vào năm 2002, Mario Gabelli, một nhà quản lí quỹ phòng hộ nổi tiếng, đã viết: "Hôm nay, nếu được yêu cầu phải định nghĩa một quỹ phòng hộ, tôi ngờ rằng nhiều người sẽ mô tả nó như là một công cụ có tính đầu cơ cao chỉ dành cho những tài phiệt không có đầu óc và các định chế tài chính không muốn mất phần."

 

Sự khái quát hóa này bắt nguồn từ lịch sử gần đây của các quỹ phòng hộ mà bắt đầu với sự sụp đổ đình đám của quỹ Long Term Capital Management năm 1998 và rồi sự đổ vỡ đầy kịch tính của Tiger Funds vào tháng 3 năm 2000, dẫn đến sự tái cơ cấu của quỹ Quantum Fund vào tháng 4 năm 2000. Những sự cố lớn này phủ bóng đen hơn nửa thế kỷ lên lịch sử của quỹ phòng hộ bắt đầu từ khi Alfred Winslow Jones cho ra mắt quỹ phòng hộ đầu tiên vào năm 1949.  

Cha đẻ của Quỹ phòng hộ

Alfred Jones sinh ra ở Melbourne, Australia vào năm 1901. Cha mẹ ông là người Mỹ nên từ khi còn bé, ông đã chuyển đến Mỹ sinh sống. Ông tốt nghiệp Harvard năm 1923 và trở thành một nhà ngoại giao Mỹ đầu những năm 30 và chuyển đến làm việc tại Berlin, Đức. Ông đã giành được bằng tiến sĩ xã hội học của Đại học Columbia và gia nhập đội ngũ biên tập viên của tạp chí Fortune những năm đầu thập niên 40.

Trong khi viết một bài báo về các xu hướng đầu tư hiện tại cho tạp chí Fortune năm 1948, Jones đã được truyền cảm hứng để thử sức mình với công việc quản lý tiền vốn. Ông đã huy động được 100.000 đô (trong đó có 40.000 là tiền riêng của ông) và đặt ra mục tiêu cố gắng giảm thiểu rủi ro khi nắm giữ các cổ phiếu dài hạn bằng cách bán khống (short selling) các cổ phiếu khác. Cách thức đầu tư mới này hiện nay được gọi là mô hình cổ phiếu mua/bán cổ điển. Jones cũng sử dụng đòn bẩy tài chính để nâng cao lợi nhuận.

Năm 1952, Jones đã thay đổi cấu trúc công cụ đầu tư của mình, chuyển đổi nó từ "quan hệ hợp danh thông thường" sang "quan hệ hợp danh hữu hạn" và tặng một khoản phí ưu đãi 20% để bù đắp cho các đối tác quản lý. Là nhà quản lý tiền vốn đầu tiên kết hợp bán khống, đòn bẩy, rủi ro được phân tán thông qua mối quan hệ hợp danh với các nhà đầu tư khác và chế độ đãi ngộ dựa trên hiệu suất đầu tư, Jones được lịch sử trao cho tên gọi “cha đẻ của quỹ phòng hộ”.

Sự nổi lên của ngành quỹ tương hỗ

Khi một bài viết năm 1966 trên tạp chí Fortune nhấn mạnh một hình thức đầu tư ít được biết đến nhưng vượt trội so với quỹ tương hỗ trên thị trường bằng cách đưa ra số liệu tăng trưởng hai con số trong những năm trước đó, ngành quỹ phòng hộ đã được sinh ra. Đến năm 1968, có khoảng 140 quỹ phòng hộ hoạt động.

Trong nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ chiến lược thông thường, vốn tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu cùng với bảo hiểm rủi ro. Thay vào đó, họ tham gia vào các chiến lược rủi ro cao hơn dựa trên đòn bẩy dài hạn. Những chiến thuật này đã dẫn đến thua lỗ nặng năm 1969-1970, rồi sự đóng cửa của hàng loạt quỹ đầu cơ trong thị trường giá giảm giai đoạn 1973-1974.

Ngành công nghiệp này tương đối trầm lắng trong hơn hai thập kỷ, cho đến khi một bài viết năm 1986 của tạp chí Institutional Investor đưa ra kết quả kinh doanh hai con số của Quỹ Tiger do Julian Robertson quản lý. Quỹ phòng hộ một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng với thành tích xuất sắc của nó và các nhà đầu tư đã đổ xô vào ngành mà hiện nay cung cấp hàng ngàn các quỹ và một loạt các chiến lược lai, bao gồm cả giao dịch tiền tệ và giao dịch phái sinh như hợp đồng tương lai và quyền chọn.

Những nhà quản lý tiền vốn hàng đầu lần lượt rời bỏ ngành quỹ tương hỗ truyền thống trong những năm đầu thập niên 90 để tìm kiếm danh tiếng và sự giàu có trong vai trò nhà quản lý quỹ phòng hộ. Thật không may, lịch sử đã lặp lại vào đầu những năm 2000 khi không ít các quỹ phòng hộ tên tuổi, bao gồm cả Robertson's, thất bại ngoạn mục.

Quỹ phòng hộ ngày nay

Do truyền thông vẫn chú ý đến sự thất bại gần đây của một số quỹ phòng hộ, những quy định đối với ngành này ngày càng thắt chặt. Năm 2004, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) yêu cầu các nhà quản lý quỹ phòng hộ và các nhà tài trợ phải được cấp phép "cố vấn đầu tư" theo Đạo luật Cố vấn Đầu tư năm 1940. Điều này đã làm tăng đáng kể số lượng các yêu cầu đối với quỹ phòng hộ, bao gồm việc liên tục cập nhập hồ sơ kết quả hoạt động, thuê chuyên viên pháp chế và xây dựng bộ quy tắc đạo đức. Điều này được xem như là một động thái quan trọng trong việc bảo vệ các nhà đầu tư.

Mặc cho những khó khăn trong vài năm qua, ngành quỹ phòng hộ vẫn tiếp tục phát triển. Sự phát triển của "quỹ của các quỹ" (được định nghĩa đầy đủ là một quỹ tương hỗ đầu tư vào nhiều quỹ phòng hộ) đã đem lại sự đa dạng hóa cao hơn cho danh mục của nhà đầu tư và làm giảm yêu cầu đầu tư tối thiểu xuống 25,000 USD. Việc giới thiệu các “quỹ của các quỹ” không chỉ bớt đi một số rủi ro của việc đầu tư vào quỹ phòng hộ, mà còn làm cho sản phẩm này dễ tiếp cận hơn đối với nhà đầu tư thông thường.

Lời kết

Quỹ phòng hộ đã phát triển đáng kể từ năm 1949. Các quỹ phòng hộ hiện đại cung cấp một loạt các chiến lược, và rất nhiều trong số đó không liên quan đến kỹ thuật bảo hiểm rủi ro truyền thống. Ngành này cũng đã phát triển nhanh chóng, với những ước tính gần đây thì quy mô ổn định ở mức 1 nghìn tỷ USD, một bước nhảy vọt từ 100.000 USD trong những năm đầu tiên cách đây nửa thế kỷ.

Với một quá khứ hai lần chứng kiến cảnh công chúng tâng bốc lên chín tầng mây rồi lại chê trách thậm tệ khi thất thế, có vẻ như ngành quỹ phòng hộ sẽ lại rơi vào ‘chu kỳ’ này trong tương lai. Truyền thông sẽ luôn thổi phồng hoặc dìm các quỹ phòng hộ, nên nhà đầu tư nên luôn cẩn trọng tìm hiểu kỹ, giống như trước khi thực hiện bất kỳ đầu tư nào. Hãy dành thời gian để tìm hiểu thêm về quỹ phòng hộ.

Trước khi mạo hiểm số tiền mồ hôi nước mắt, hãy chắc chắn rằng lựa chọn đầu tư của bạn là phù hợp và đúng đắn. Đừng mù quáng chạy theo thành tích, và hãy nhớ rằng những thành tích trong quá khứ sẽ không cho biết thành tích trong tương lai.


Saga App

Saga App