Lãnh Đạo Không Chỉ Là Kiểm Soát Và Ra Mệnh Lệnh

17/01/2015 - 23:45 5186     0

Trong thời đại nền kinh tế hội nhập cùng sự thay đổi chóng mặt của thị trường, phẩm chất cần có của một nhà lãnh đạo cũng dần dần thay đổi. Thay vì việc ra lệnh và kiểm soát, các nhà lãnh đạo, người đại diện cho các giá trị và văn hóa trong một tổ chức, cần phải có sự tận tâm, tính thích ứng và truyền cảm hứng.

Thật sáo rỗng khi nói rằng phong cách lãnh đạo "Mệnh lệnh và Kiểm soát" (command and control) không còn phù hợp trong bối cảnh ngày nay của các tổ chức. Tuy nhiên, với các tập đoàn toàn cầu khổng lồ nơi sở hữu một nền văn hóa đa dạng, kiểu lãnh đạo nào có thể thay thế cho nó? Càng ngày các nhà lãnh đạo càng cần có những phẩm chất có thể giúp họ trở thành tấm gương kiểu mẫu, phản ánh các giá trị và văn hóa trong tổ chức. Việc có được tất cả những phẩm chất này là bất khả thi bởi mỗi tổ chức sẽ có một bộ chuẩn tắc và văn hóa ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, có ít nhất một vài phẩm chất lãnh đạo cần thiết mà chúng ta thấy phổ biến ở nhiều công ty hiện nay.

Đầu tiên, bởi người lao động thay đổi theo cách rất khó lường trước, các nhà lãnh đạo phải biết cách truyền cảm hứng và chia sẻ mục tiêu.  Khi chúng tôi phỏng vấn các nhà lãnh đạo trẻ để lấy tư liệu viết sách, hai trong ba lý do hàng đầu khiến họ tìm một công việc cụ thể là "thách thức trí tuệ" và "cơ hội để thay đổi thế giới", và các nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều người lao động trẻ tập trung tìm kiếm mục đích khi họ làm cho một tổ chức nào đó. Kinh nghiệm của chúng tôi chỉ ra rằng, xu hướng này đang làm thay đổi cách thức thu hút và giữ chân nhân tài của các các công ty đi đầu trong đổi mới như TOMS, Zappos, Whole Foods, và Google. Đối với Red Hat (một công ty phần mềm đa quốc gia), sứ mệnh của tổ chức là trở thành một chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy cộng đồng khách hàng, người đóng góp, và các đối tác tạo ra các công nghệ dựa trên mã nguồn mở. Những ai thành công trong trường hợp này là những người được truyền cảm hứng nhiều nhất từ sứ mệnh của công ty, và họ có thể truyền cảm hứng đó đến những người khác và truyền đạt mục đích hành động của họ.

Thứ hai, với tốc độ thay đổi chóng mặt của thị trường, các nhà lãnh đạo phải thích ứng và tận tâm. 

Nhiều tổ chức ngày nay sẽ phải trả giá đắt nếu dậm chân tại chỗ quá lâu. Ở một khía cạnh nào đó, điều này luôn đúng. Chúng tôi rất tâm đắc với câu nói của Thống chế người Đức Helmuth von Moltke trong Thế chiến thứ nhất, "Chẳng có kế hoạch nào có thể đúng mãi khi chạm mặt kẻ thù." Một câu nói khác cũng rất hay là của võ sĩ Mike Tyson: "Mọi người đều có một kế hoạch cho đến khi họ bị đánh bại". Phong cách lãnh đạo “Mệnh lệnh và Kiểm soát” mất dần vị thế trong các tổ chức không chỉ vì lý do văn hóa, mà còn vì các công ty ngày nay phải thức thời với thị hiếu thay đổi nhanh như chong chóng của người tiêu dùng cũng như các đối thủ nhanh nhẹn. Điều này chỉ có thể đạt được một cách hiệu quả khi các nhà lãnh đạo khiến nhân viên tận tâm vì công ty đủ sâu đến mức họ không chỉ đơn thuần là làm cho xong việc, mà họ hiểu và thấm nhuần nội dung và lý do của chiến lược đến mức họ có thể đổi mới và cải thiện chiến lược theo nhu cầu của thị trường. Điều này yêu cầu những giờ làm việc cật lực giữa sếp và nhân viên. Ví dụ, tại Red Hat, nhóm quản lí cấp cao chịu trách nhiệm giúp phụ tá (Red Hat dùng từ “phụ tá” để gọi nhân viên) nhận thức được chiến lược của công ty: "Tôi hiểu chiến lược của Red Hat và những gì mình cần làm để triển khai chiến lược đó một cách thành công". Ngoài ra, các nhà lãnh đạo, người sẵn sàng trao quyền cho nhân viên, phải thích ứng và giải quyết vấn đề đồng thời phải sẵn sàng lắng nghe nhân viên thay vì chỉ đưa ra các mệnh lệnh.

Cuối cùng, sự chân thực đóng vai trò quan trọng trong môi trường làm việc phụ thuộc nhiều vào cảm hứng, mục tiêu, và sự tận tâm.

Nhiều học giả, doanh nhân đã viết về vai trò của tính chân thực; nhưng ngày càng nhiều người tìm kiếm sự chân thực của một tổ chức. Trong những chuyến đi của chúng tôi, chúng tôi có dịp trò chuyện với các nhà lãnh đạo cấp cao trẻ tuổi về những thay đổi mà công nghệ mang đến cho các tổ chức ngày nay. Mỗi lần như vậy, vấn đề thường xuyên được nhắc đến nhất là ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Ranh giới này ngày càng mờ nhạt bởi sự cộng hưởng của các phương tiện truyền thông và công nghệ di động "luôn trực tuyến". Đồng nghiệp biết bạn là ai, những gì bạn coi trọng và có thể dễ dàng phát hiện khi các giá trị cá nhân và hành động của bạn mâu thuẫn với lời nói ở công ty. Chúng tôi có cái nhìn tích cực về điều này vì nó cho phép các nhà lãnh đạo được là chính mình tại nơi làm việc- điểm yếu, giá trị sống, và tất cả- và chúng tôi coi những yếu điểm và cảm xúc này có vai trò quan trọng để các nhà lãnh đạo có thể tạo dựng mối quan hệ sâu sắc hơn và “người” hơn với đồng nghiệp. Cách tiếp cận đậm tính cá nhân này đối với tính chân thực cũng giúp củng cố sự thật rằng không có một nguyên mẫu lãnh đạo nào hiệu quả nhất. Một loạt các phẩm chất và tính cách lãnh đạo có thể thành công trong những hoàn cảnh khác nhau, và sự kết hợp của chúng trong những hoàn cảnh nhất định của một nhóm sẽ phát huy được tính đa dạng.

Bạn và lãnh đạo của mình có đang học cách thích ứng với những biến đổi trong quan niệm về phong cách lãnh đạo? Chắc chắn rồi, có vô số các phẩm chất quan trọng tùy thuộc vào hoàn cảnh làm việc của bạn. Nhưng cảm hứng và mục tiêu, khả năng thích ứng và sự tận tâm, cũng như tính chân thực sẽ rất quan trọng đối với hầu hết các nhà lãnh đạo trong nền kinh tế phần lớn dựa vào thông tin như hiện nay.