Vài năm trước, một công ty lớn có quy mô toàn cầu đã yêu cầu tôi giúp họ nâng cao tinh thần làm việc của nhân viên. Tôi đã đề xuất cách tiếp cận vấn đề dựa trên thế mạnh (strengths-based approach). Một cuộc điều tra đã được tiến hành trong công ty, nhằm tìm ra các "điểm nóng", nơi mọi người tận tâm và thực hiện tốt công việc. Bằng việc nắm bắt những thế mạnh, chúng ta có thể khai thác và nhân rộng chúng trong một tổ chức lớn hơn.
Chúng tôi đã khảo sát hàng ngàn nhân viên từ khắp nơi trên thế giới. Kết quả thu được rất thú vị. Một trong những yếu tố quan trọng nổi bật là: từ Hà Lan đến Ấn Độ cho tới Hoa Kỳ, những nhân viên tận tâm nhất hầu hết đều làm việc cho những ông chủ dành cho họ sự quan tâm cá nhân.
Tôi sẽ không bao giờ quên câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ một nhân viên cấp dưới. Một nhà lãnh đạo quyết đoán, cấp cao (và có phần khiến người khác phải nể sợ) của đơn vị kinh doanh nơi cô ấy làm việc, đã cùng ngồi xuống và hỏi quan điểm của cô về một vấn đề. Hãy nghĩ xem sự tương tác này có ảnh hưởng như thế nào đối với người phụ nữ trẻ này. Một lãnh đạo cấp cao đã thực sự quan tâm về cách nhìn nhận cũng như ý kiến của một nhân viên. Chiến lược này đồng nhất với cách thức dẫn dắt đội ngũ của người lãnh đạo đó, và kết quả là, cả nhóm đã hoàn thành công việc vô cùng xuất sắc.
Đây chính là thứ được gọi là tố chất "lãnh đạo dung hợp" (inclusive leadership). Khi ai đó nói về một lãnh đạo dung hợp, chúng ta thường nghĩ tới một người ủng hộ phụ nữ và các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sự dung hợp còn vượt qua cả giới tính, chủng tộc hay sự khác biệt về văn hóa. Quan trọng nhất, đó là một tư duy nền tảng coi mỗi người là một cá thể và giúp họ thể hiện bản thân mình tại nơi làm việc, thông qua cả kiến thức kinh nghiệm và ý kiến của họ.
Để biến công ty của bạn trở thành một tổ chức dung hợp, hãy khuyến khích việc thực hiện những điều sau đây:
Chú ý tới những thành kiến.
Các nhà tâm lý xã hội học đã phát hiện ra rằng, thậm chí những người không có ý định phân biệt đối xử cũng có thể ngầm giữ thành kiến đối với người nào đó, có lẽ với những người mới đến hoặc cấp dưới, hoặc những người đại diện cho một bộ phận nhất định. Các nhà lãnh đạo dung hợp cần tích cực đấu tranh chống lại xu hướng này. Hãy lưu ý những điểm mà chúng ta thường bỏ qua: thiên vị một cách mù quáng, quá cứng nhắc, hoặc im lặng trong những tình huống nhất định. Hãy chủ động giải quyết những vấn đề đó và tiếp nhận phản hồi từ mọi nhân viên.
Tạo ra một bản sắc chung.
Các nhà lãnh đạo dung hợp cũng tạo ra một bản sắc và mục tiêu chung cho cả đội ngũ của mình. Tuy nhiên, đây không phải tư duy tập thể (groupthink) - kiểu tư duy khiến các cá nhân luôn đồng tình với tập thể mà không dám bày tỏ ý kiến riêng. Thay vào đó, nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo hiệu quả nhất thường xuyên nói chuyện với các thành viên trong nhóm – theo kiểu đối thoại trực tiếp và theo nhóm - về những vấn đề quan trọng với các thành viên. Việc làm này đã thúc đẩy sự phát triển và duy trì các giá trị chung, cho phép mọi người tìm hiểu và kết nối với nhau. Chính trong hoàn cảnh này mà cách hành vi ứng xử mang tính dung hợp trở nên nổi bật .
Hãy chú ý đến cảm xúc của người khác.
Lãnh đạo dung hợp cũng đòi hỏi một kỹ năng tâm lý là khả năng nhận biết cảm xúc. Kỹ năng này sẽ giúp lãnh đạo hiểu được cảm nhận của nhân viên, lý do tại sao họ lại có cảm nhận như thế và biết cách sử dụng cảm xúc một cách hiệu quả. Ví dụ, một nhà lãnh đạo, nếu không thể nhận ra cảm giác lo lắng trên khuôn mặt của một nhân viên thì sẽ không thể thay đổi cách cư xử của bản thân để khiến nhân viên đó cảm thấy được quan tâm.
Lời kết
Các công ty muốn thúc đẩy nhân viên tận tâm nên bắt đầu bằng cách đào tạo các nhà lãnh đạo dung hợp. Các giám đốc điều hành sẽ cần phải dành nhiều thời gian hơn, không chỉ để chú ý tới các phân tích thống kê về nhân khẩu học mà còn cần để tâm tới những người ở ngay trước mặt họ. Sự quan tâm và chú ý sẽ giúp cho nhân viên phát triển.