Lãnh Đạo Đích Thực Và Tầm Ảnh Hưởng Tới Xã Hội

05/10/2014 - 01:35 10347     0

Mặc dù ý niệm về lãnh đạo đích thực đã được nhen nhóm trong những câu châm ngôn Hy Lạp cổ đại với ý nghĩa là “hiểu rõ bản thân” (know thyself), nhưng mãi cho đến khi Bill George bắt đầu viết sách về chủ đề này thì ý niệm đó mới trở thành  khái niệm lãnh đạo được nhiều người biết đến. George định nghĩa lãnh đạo đích thực như là một sự thống nhất giữa tính cách cá nhân và  giá trị cốt lõi của nhà lãnh đạo, đó là trung thực, có phẩm chất đạo đức, và có đầu óc thực tế (2003, 2007).

 

Tuy định nghĩa nêu trên chỉ nhắc đến đối tượng là nhà lãnh đạo, nhưng việc bạn có phải là một lãnh đạo đích thực hay không thì lại do hành vi của bạn quyết định mà nhân viên của bạn sẽ là người đánh giá. Và những đánh giá này sẽ được hoàn thiện dựa vào ảnh hưởng xã hội của nhà lãnh đạo đó. Có một khái niệm lãnh đạo mới xuất hiện gần đây đó là:

Lãnh đạo là một quá trình tác động lên xã hội, thúc đẩy sự nỗ lực hết mình của những người khác để đạt được mục tiêu đã đề ra (Kruse, 2013).

Do đó, một nhà lãnh đạo đích thực sẽ chú ý đến việc xây dựng hình ảnh của mình thông qua các mối quan hệ chân thành và hành vi có đạo đức. Đổi lại thì nhân viên của họ sẽ làm việc hết mình để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ngoài ra, Bill George nêu ra thêm 5 đặc trưng của nhà lãnh đạo đích thực đó là (2003, 2007):

  • Theo đuổi mục đích với tất cả sự đam mê: Hãy thể hiện mục đích và định hướng để thuyết phục mọi người nghe theo bạn (sự đam mê sẽ giúp bạn thấy được mục đích lãnh đạo đúng đắn).
  • Chứng minh giá trị bản thân bằng hành động: Sự tồn tại của chúng ta được xác định bởi các giá trị và phẩm chất cá nhân của mình. Nếu bạn không chính trực, sẽ không ai tin tưởng hay muốn nghe theo bạn.
  • Lãnh đạo bằng cái tâm: Hãy gắn kết lợi ích của những người bạn phục vụ với lợi ích của những người bạn lãnh đạo. Bạn cần thấu hiểu và cảm thông với đồng nghiệp của mình và có bản lĩnh để đưa ra quyết định khó khăn.
  • Xây dựng mối quan hệ lâu dài: Mối quan hệ lâu dài được xây dựng dựa trên sự kết nối và chia sẻ mục đích làm việc nhằm đạt được một mục tiêu chung. Như vậy con người cần thiết lập những mối quan hệ cá nhân để toàn tâm toàn ý công tác.
  • Thể hiện tính kỉ luật: Biến những phẩm chất cá nhân của mình thành hành động phù hợp nhằm đạt được kết quả. Luôn luôn chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của bản thân và cả hành vi của các nhân viên khác.

Để đạt được 5 đặc trưng nêu trên nhà lãnh đạo cần sở hữu những giá trị cốt lỗi sau đây:

  • Mục đích - Niềm đam mê: sự đam mê là động lực giúp lãnh đạo hiểu được mục đích muốn hướng tới của họ.
  • Giá trị ​​- Hành vi: Lãnh đạo cần thấm nhuần giá trị đạo đức của họ. Điều này là thực sự quan trọng bởi vì nhân viên sẽ đánh giá những giá trị đó dựa vào các hành vi của nhà lãnh đạo.
  • Cái tâm - Sự cảm thông: Lãnh đạo giúp nhân viên thể hiện được giá trị đạo đức và mục đích sâu sa hơn trong công việc của họ.
  • Mối quan hệ - mối liên kết: Lãnh đạo tạo ra các mối quan hệ bền lâu nhờ việc kết nối.
  • Tính kỉ luật - Tính nhất quán: Lãnh đạo biến phẩm chất của họ thành hành động phù hợp mà nhân viên của họ có thể tin tưởng.

Để trở thành một nhà lãnh đạo đích thực, bạn phải đưa bản thân vào khuôn khổ, phát triển bản thân dựa trên các kinh nghiệm, trải nghiệm phong phú vốn có, tự vấn bản thân và luôn học hỏi không ngừng. Mục đích ở đây là nhằm phát triển con người vốn có của bạn, chứ không phải đi bắt chước người khác. Thực tế bạn có thể học hỏi từ những người khác, nhưng rốt cuộc bạn cũng không thể biến mình thành họ được. Ngoài ra nếu bạn đang cố gắng phát triển bản thân trở thành một nhà lãnh đạo đích thực, thì cơ quan nơi bạn làm việc cũng sẽ mang màu sắc một công ty đích thực nơi mà sự khác biệt giữa mỗi cá nhân đều được tôn trọng và nuôi dưỡng; thông tin được minh bạch; lợi ích của nhân viên được nâng cao chứ không phải bị vắt kiệt; công việc được giao khiến cho họ hào hứng; và không có sự tồn tại các quy định ngớ ngẩn. - Tim Fidler, 2006.