Khi bắn tên, nhiều người cho rằng chỉ cần bạn không bị giới hạn số mũi tên có thể bắn thì chỉ cần kiên trì, chắc chắn sẽ có lúc bạn sẽ bắn được một mũi trúng đích. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, nếu không biết cách vót những mũi tên thật thẳng và gọn nhẹ thì dù có bắn bao nhiêu phát tên đi nữa cũng sẽ chẳng có chiếc tên nào bay được đến nơi chứ đừng nói đến việc trúng đích!
Việc huy động vốn cho dự án cũng tương tự. Với sự phát triển của công nghệ, dù ở bất cứ đâu, chỉ cần lên mạng Internet là bạn sẽ có thể tìm thấy địa chỉ liên lạc của những quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà tài trợ vốn đầu tư khắp thế giới. Tuy nhiên, nhiều chủ dự án thường chỉ gửi email toàn bộ bản dự thảo tài trợ dày cộm đến các địa chỉ đó rồi rung đùi ngồi nhà chờ tin vui! Bạn cần biết, vấn đề huy động vốn không hề đơn giản như vậy. Điều đó đồng nghĩa với số dự thảo tìm vốn đầu tư gửi đến những quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà tài trợ ngày càng gia tăng. Thời giờ của họ ngày càng trở nên eo hẹp và họ sẽ càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn dự án có tiềm năng nhất để đầu tư đồng vốn của mình.
Do vậy, bạn nên hết sức cẩn thận khi bắn đi "mũi tên" đầu tiên của mình. Điều cần ghi nhớ là tuyệt đối tránh gửi toàn bộ bản dự thảo kinh doanh đến cho các nhà đầu tư vì những tệp tài liệu quá rườm rà, mất nhiều thì giờ để download qua mạng internet và tốn công để đọc, sẽ có khả năng đi thẳng vào sọt rác của họ mà thôi!
"Mũi tên" đầu tiên mà bạn bắn đi do đó chỉ nên là một lá thư ngắn kèm một bản tóm lược (Executive summary) về kế hoạch kinh doanh của bạn. Hãy giới hạn dung lượng của cả tệp đính kèm không nên quá một megabyte khi gửi qua mạng. Mục đích chính của “mũi tên” này là làm sao để người nhận chỉ trong dăm phút đầu đọc lướt qua là có thể nắm bắt được hết những ý chính của dự án, và sẵn sàng muốn gặp bạn để tìm hiểu và bàn bạc thêm.
Một bản tóm lược như thế chỉ nên dài không quá ba trang và gồm bốn mục chính sau đây:
1. Giới thiệu tổng thể về dự án:
Bạn nên đi thẳng vào vấn đề bằng cách giới thiệu về ngành nghề hoạt động của mình và thị trường đối tượng mục tiêu (target market) mà bạn muốn nhắm đến. Sau đó, bạn nên nói sơ qua về tình hình cạnh tranh và chỉ ra những yếu tố chính khiến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn vượt trội các đối thủ khác.
Nếu đó là một sản phẩm hay dịch vụ mới thì ngay trong phần đầu này, mục đích của bạn là làm sao để người đọc phải đồng ý rằng ý tưởng cũng như cách giải quyết của bạn thật độc đáo. Họ sẽ tự hỏi rằng tại sao chưa ai khác đã nghĩ ra trước đây, và giờ đây chỉ còn một cách duy nhất là họ cần phải hợp tác với bạn!
2. Tình hình hiện tại:
Trong phần này, hãy trình bày một số dữ kiện về công ty của bạn. Chẳng hạn như: ai hiện là những nhà lãnh đạo chủ chốt, thành lập khi nào, vị thế trong ngành nghề đang hoạt động ra sao, và nếu công ty đã hoạt động rồi thì kết quả lâu nay thế nào, đang gặp những trở ngại gì. Đối với một dự án mới thì bạn cần chỉ rõ là bạn đã tiến hành đến giai đoạn nào. Chẳng hạn, bạn có thể đề cập rằng mình đã khám phá ra ý tưởng đặc biệt đó ra sao và chế tạo được một "sản phẩm" để đáp ứng nhu cầu còn bị bỏ ngỏ của khách hàng như thế nào, hay như hiện nay do sản phẩm, dịch vụ của bạn được quá nhiều khách hàng ủng hộ nên cần phải gấp rút gọi thêm vốn để phát triển sản xuất v.v...
3. Yếu tố thành công:
Bạn nên đưa ra những lý lẽ thuyết phục rõ ràng về những yếu tố quan trọng nhất đã và sẽ mang lại thành công cho dự án của bạn. Nếu đó là một dự án mới thì bạn nên đưa ra những chi tiết như tên tuổi và thành tích của những nhân vật chính trong công ty, ghi ra những bằng sáng chế đã có và kết quả khảo sát thị trường v.v...
4. Tính hình tài chính và nhu cầu tài trợ:
Trong phần này, bạn không nên rụt rè mà phải ghi rõ số tiền cần tài trợ, hình thức tài trợ, thời hạn cần vốn mới, tiền sẽ dùng vào việc gì và khi nào thì bạn có thể hoàn vốn. Nếu là dự án mới thì bạn cần cho biết là mình đã có những nguồn vốn nào từ trước đến nay, bao nhiêu là số tiền đóng góp và tỷ lệ cổ phần của bạn. Nếu là dự án mới thì số tiền mà bạn cần tài trợ cũng nên nhiều hơn con số ban đầu đã dự định vì kinh nghiệm cho thấy trong thực tế, bao giờ chi phí cũng cao hơn dự trù.
Sau khi trình bày bốn điểm trên đây, bạn cũng nên bổ sung một vài hình ảnh về sản phẩm đã sản xuất, hoặc mô hình nhà máy trong tương lai v.v... Tuy nhiên, đừng đưa quá nhiều vào phần phụ lục vì việc làm này sẽ khiến "mũi tên” của bạn trở nên nặng nề.
Điểm quan trọng cuối cùng cần lưu tâm là về ngôn ngữ trong lá thư và bản dự thảo tóm tắt của bạn. Hầu hết các nhà đầu tư “thiên thần” (Angel Investors) hay các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) ở nước ngoài. Do vậy, các văn bản, thư tín trao đổi cần được viết bằng tiếng Anh chuẩn. Đây là một vấn đề mà những người không quen dùng tiếng Anh thường mắc phải. Người viết bản dự thảo thường bỏ qua điều này nhưng người đọc thì sẽ nhận ra ngay những lỗi hành văn căn bản, dễ bị phân tâm và không còn chú ý hoàn toàn đến những điểm quan trọng khác mà bạn muốn trình bày. Do đó nếu không quen viết tiếng Anh thì tốt nhất, bạn nên tìm một người thông thạo để giúp đỡ.
Sau khi đã chuốt "mũi tên" đầu tiên của mình thật gọn nhẹ và thật thẳng thì khi bắn đi, xác suất thành công chắc chắn sẽ tăng hơn trước rất nhiều. Bước kế tiếp là xác định hướng mà bạn muốn bắn mũi tên đó. Ví dụ, đối với những sản phẩm công nghệ cao, trước khi nhắm thật xa về hướng thung lũng Silicon Valley ở Mỹ, bạn có thể tìm đến những nguồn vốn từ các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Singapore, vì thị trường vốn tại đây tương đối phát triển nhất ở Đông Nam Á. Sau khi gửi lá thư đầu tiên, bạn có thể bay từ Việt Nam sang để trực tiếp gặp mặt những nhà tài trợ hoặc những quỹ đầu tư mạo hiểm tại đây. Nếu khéo léo sắp đặt, bạn có thể viếng thăm năm hay sáu đối tác trong một chuyến đi ngắn và vì Singapore rất gần Việt Nam nên việc đi lại để tiếp tục triển khai dự án sau này cũng sẽ dễ dàng hơn.