Làm Sếp Khó Lắm, Phải Đâu Chuyện Đùa

22/01/2015 - 23:50 16397     0

“Là” sếp thì ai cũng muốn nhưng “làm” sếp thì liệu bạn đã thực sự sẵn sàng? Khi làm sếp, bạn có thể có được những đặc quyền mà ai cũng khao khát. Nhưng mặt khác, làm sếp cũng khiến bạn phải đối mặt với bao thách thức mà chẳng ai muốn “dính” vào.

 

Trở thành một người đứng đầu một doanh nghiệp, một lãnh đạo của một tổ chức hay ngắn gọn là trở thành sếp là ước mơ của rất nhiều người. Nhưng làm thế nào để “làm sếp tốt”, “dẫn dắt doanh nghiệp, tổ chức đi lên”, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay lại là bài toán khó không dễ tìm ra lời giải. 

Sếp là nhiệm vụ hay chức vụ?

Nhiều người cho rằng: “Sếp là chiếc ghế”, “Sếp là một chức vụ đầy quyền uy”, “Sếp là người được cơm bê, nước rót”… Xét về một khía cạnh nào đó, thì những gì mọi người quan niệm xưa nay không sai, song làm sếp có thực sự “sướng” như vậy?

Bạn nên biết, lãnh đạo là nhiệm vụ chứ không phải chức vụ. Làm lãnh đạo có nghĩa là bạn đang thay mặt tổ chức dẫn dắt cả “con tàu” vượt đại dương. Làm lãnh đạo có nghĩa là bạn phải truyền đạt được tầm nhìn, gây được tầm ảnh hưởng, vạch đường đưa tổ chức vượt qua tất cả những chông gai, bão táp. Làm lãnh đạo có nghĩa là bạn phải luôn phấn đấu và nỗ lực hết mình để trở thành linh hồn của tổ chức.

Có lẽ không ngoa khi nói rằng: lãnh đạo là một nghề làm dâu trăm họ. Lãnh đạo đôi khi không được sống với những cảm xúc thật sự của mình. Một người lãnh đạo giỏi phải là một người biết cười, luôn vững tâm khi nhân viên của mình khóc và cũng là một người biết lo lắng khi cấp dưới quá vui mừng trước những thành công.

Sếp luôn là người dẫn đầu

Hành vi của mỗi cá nhân trong một tổ chức chịu ảnh hưởng lớn bởi phong cách của người lãnh đạo. Bạn mong muốn nhân viên của mình trở thành người như thế nào, thì trước hết, chính bản thân bạn phải là một người như vậy.

Lãnh đạo phải làm gương. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch bạn cần ghi nhớ khi mơ ước trở thành lãnh đạo. Để làm một sếp tốt, không nhất thiết bạn phải tinh thông mọi thứ, không nhất thiết bạn phải là người giỏi nhất nhưng nhất thiết bạn phải là người đi đầu trong mọi hoạt động. Bạn phải luôn biết cách nỗ lực hết mình để trở thành người làm việc xuất sắc nhất, bạn phải luôn biết cách trở thành người nhiệt tình nhất trong tổ chức

Có thể bạn sinh ra không có được những tố chất cần thiết của một người lãnh đạo giỏi, nhưng chính sự nhiệt tình và tinh thần cầu tiến hàng ngày của bạn sẽ giúp bạn vượt qua tất cả những trở ngại đó. Muốn làm sếp, bạn hãy nhớ:    Luôn là người dẫn đầu!

Sếp phải biết chấp nhận cô đơn

Khi làm lãnh đạo, bạn nên chuẩn bị tâm lý đối diện sự cô đơn. Nhiều nguời cho rằng nhận định này nghe có vẻ không hợp lý lắm. Nhưng thực tế, khi làm sếp, bạn sẽ luôn đối mặt với những cảm xúc như vậy.

Trong con mắt nhân viên, sếp là nỗi sợ hãi hay thậm chí là sự ám ảnh. Hôm nay, sếp vui, sếp có thể khen ngợi nhân viên hết lời. Nhưng ngày mai, Sếp buồn, công việc kinh doanh không thuận lợi, sự nghiệp của họ cũng có thể chấm hết chỉ với một quyết định từ sếp. Mặc dù nhiều lãnh đạo luôn ý thức rút ngắn khoảng cách giữa họ với nhân viên, song có lẽ, những nỗ lực ấy là chưa đủ để nhân viên vượt qua nhưng rào cản đó và mở lòng hơn với sếp của mình.

Làm lãnh đạo nhiều khi bạn cảm thấy bất lực, cần những nhân viên thực lòng chia sẻ, thực lòng chung vai gánh vác vận mệnh doanh nghiệp, nhưng thật khó để tìm ra những người như thế. Sếp cũng là con người, sếp cũng có nhu cầu tình cảm, sếp cũng có mong muốn sẻ chia tình cảm bên cạnh công việc hàng ngày nhưng đâu có nhiều nhân viên đủ dũng cảm lắng nghe sếp của mình?

Sếp phải là người không ngừng học hỏi

Môi trường kinh doanh đang biến đổi không ngừng, tốc độ gia tăng tri thức xã hội đang diễn ra một cách chóng mặt. Điều đó đòi hỏi mỗi người lãnh đạo phải không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình hàng ngày.

Cho dù bạn là sếp nhỏ hay sếp lớn đi chăng nữa, cho dù bận trăm công nghìn việc, bạn vẫn luôn phải dành cho mình những khoảng thời gian để học hỏi. Làm sếp mà bạn vội hài lòng với những kinh nghiệm và kiến thức mình đang có thì không lâu sau bạn sẽ thấy mình chẳng khác nào một nhân viên bình thường.

Muốn làm sếp giỏi, bạn cần rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hàng ngày, một tư duy tích cực không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân từ kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình hay cách giải quyết công việc hàng ngày. Làm sếp, bạn cần không ngừng hoàn thiện khả năng lãnh đạo thích ứng, khả năng dự báo tương lai, bởi bạn đang là linh hồn của tổ chức.

Làm sếp, bạn phải có một cái tâm trong sáng

Lãnh đạo không chỉ đơn thuần là một kỹ năng mà là một nghệ thuật. Người lãnh đạo giỏi phải là người khiến nhân viên của mình yêu mến mình, tôn thờ mình và là tấm gương sáng để nhân viên noi theo. Người lãnh đạo thực sự phải là một người mang lại cho nhân viên niềm tin và khát vọng cống hiến cho doanh nghiệp, chứ không phải ép họ làm bởi quyền lực bạn được ban tặng khi đảm nhiệm vai trò là sếp.

Hãy làm một người lãnh đạo bằng Tâm, bằng Nhân phẩm và Giá trị của mình, thay vì lãnh đạo bằng Chức vụ. Hãy luôn yêu mến và quý trọng nhân viên của mình như những người anh em trong gia đình. Hãy để cho nhân viên của bạn được chung vai gánh vác và sẻ chia những khó khăn cùng doanh nghiệp. Và hãy để nhân viên của bạn được quyền tự hào khi họ được làm việc với một người lãnh đạo tuyệt vời như bạn.

Không phải ai sinh ra cũng có sẵn trong mình những tố chất của một người lãnh đạo. Ngược lại, không phải ai có tố chất cũng có thể trở thành một người lãnh đạo giỏi. Để trở thành một người lãnh đạo thực sự, một sếp được nhân viên yêu mến, bạn cần không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân mình.

Nhưng trước hết, bạn hãy tự hỏi bản thân:  Mình đã thực sự sẵn sàng làm… sếp?