Phải, động lực là rất khó nắm bắt. Giống như hạnh phúc vậy, chúng ta càng cố theo đuổi và định nghĩa nó, chúng ta lại càng dễ để vuột mất nó khỏi tầm tay. Khi bạn có động lực, bạn cảm thấy như mình được nạp đầy năng lượng và có thể làm được mọi thứ, nhưng khi bạn thiếu động lực, chỉ cần ra khỏi giường thôi đã là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng, còn việc đạt được mục tiêu thì thật là điều không tưởng. Tại sao có động lực mỗi ngày lại khó khăn đến vậy?
Động lực làm việc không phải là thứ mà ai cũng có thể dễ dàng đạt được; nó là thứ “tài sản” được tạo ra từ sự nghiêm túc và niềm đam mê. Khi bạn chú trọng và đầu tư vào quá trình thay vì kết quả, thời gian sẽ trôi rất nhanh và bạn kết thúc với việc đạt được mục tiêu của mình. Động lực không thể tách biệt khỏi quá trình làm việc; nó là thứ bạn tự nhiên tìm được từ sự chuyên tâm. Nếu bạn muốn có động lực, bạn cần phải đầu tư toàn bộ tâm lực vào quá trình làm việc, và điều này sẽ giúp “nạp nhiên liệu” cho bạn để tiến tới vạch đích.
Dưới đây là bốn cách để có được động lực mỗi ngày:
1. Hãy Sống Cho Thực Tại
Chúng ta thường thiếu động lực vì mải mê suy nghĩ về quá khứ hoặc quá ám ảnh về tương lai. Khi bạn tập trung vào từng hơi thở và để những suy tưởng lên xuống mà không có sự phán xét nào thì bạn sẽ đạt được sự bình an, tĩnh tâm. Bạn càng sống nội tâm, bạn càng dễ có được cảm giác vững chắc và an toàn trong giây phút hiện tại, và đó chính là điều sẽ nuôi dưỡng nên động lực sống.
- Hãy tập trung vào hiện tại. Hiện tại là những cảm xúc tại thời khắc ngay trước mắt. Nó cũng bao gồm cả những tiềm thức trong khoảnh khắc hiện tại nữa. Thay vì suy nghĩ về lượng xe cộ đông khủng khiếp trên đường đi làm, bạn lại để tâm vào chuyện sếp bạn sẽ trút giận lên bạn và đồng nghiệp như thế nào. Bạn không suy nghĩ về cách bạn muốn trả lời sếp thế nào, hay luyện trong đầu trước những điều mà bạn muốn trao đổi với đồng nghiệp sau cuộc họp, bạn lại chìm đắm vào bài diễn văn rỗng tuếch của ông sếp. Tập trung vào hiện tại có nghĩa là bạn không suy nghĩ mông lung về quá khứ hoặc mơ về tương lai nữa mà hoàn toàn chuyên tâm vào thời điểm hiện tại và không có gì khác quan trọng hơn.
- Hãy khám phá sức mạnh của bạn. Nó chính là lợi thế và sự tự tin vào khả năng của bản thân. Điều này bao gồm cảm giác tự tin khi bạn thực sự nhận thức được bản thân mình là ai, giá trị của bạn là gì và những điều bạn muốn đạt được. Phát triển sức mạnh cần có thời gian và đi đôi với thực hành. Nó đòi hỏi cả sự phải tập trung 100% vào hiện tại lẫn tính tự nhận thức cao. Đây không phải là cái bề ngoài của tự tin – đây là một hàng rào bảo vệ vững chắc được xây đắp từ sự tự tin. Bạn có sức mạnh có nghĩa là bạn có khả năng đưa ra những quyết định tốt nhất cho mình và những người xung quanh đồng thời cố gắng hướng tới tình yêu, hạnh phúc và sự hài lòng.
2. Đặt Mục Tiêu
Làm thế nào để có được động lực nếu như chính bạn còn không biết mình đang ở đâu và muốn đi tới đâu? Khi bạn thiếu mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ cảm tưởng như công việc cứ kéo dài vô hạn mà không đem lại kết quả, điều này sẽ ngay lập tức dập tắt động lực của bạn. Nếu bạn muốn sống trong niềm nhiệt tình và đam mê, bạn cần phải hiểu được từng giây từng phút bạn làm việc sẽ dẫn mình tới mục tiêu dài hạn tiếp theo như thế nào. Khi bạn học được cách nhìn nhận từng hoạt động như là một cơ hội để phát triển tiềm năng, bạn sẽ được “nạp nhiên liệu” và sức mạnh để vượt qua những ngày khó khăn.
- Hãy suy nghĩ lớn và nhìn xa hơn. Nhắm mắt lại và thử tưởng tượng mục tiêu dài hạn của bản thân càng chi tiết càng tốt. Viết ra tất cả những ý tưởng đó lên một tờ giấy một cách cụ thể. Bạn càng có thể hình dung được các mục tiêu rõ ràng càng tốt. Mặc dù tầm nhìn này có thể thay đổi theo thời gian, nhưng những mục tiêu này vẫn rất quan trọng, nhất là trong việc nhắc nhở bạn về mục đích và động lực.
- Hãy suy nghĩ nhỏ. Bây giờ khi bạn đã khám phá xong các mục tiêu lớn, đây là lúc để làm ngược lại. Nếu những điều trên là mục tiêu của bạn, thì bạn cần phải làm gì để đạt được ước mơ đó? Liệt kê tất cả các bước bạn cần thực hiện; một lần nữa, chi tiết là rất quan trọng. Những mục tiêu nhỏ hơn này nên được chia nhỏ và thực hiện trong một năm, tháng hoặc tuần.
- Hãy suy nghĩ hàng ngày. Bước cuối cùng bây giờ là chia nhỏ các mục tiêu hàng năm, hàng tháng và hàng tuần của bạn thành các công việc cho từng ngày. Nếu bạn có thể kết nối mọi khía cạnh trong cuộc sống với mục đích, thì ngay cả việc nấu bữa tối cũng là một bước cần thiết để mở rộng tiềm năng của bạn. Chia những ý tưởng lớn thành các phần nhỏ mà bạn có thể làm và kiểm tra mức độ hoàn thành vào cuối mỗi ngày sẽ giúp bạn tập trung lại vào thực tại đồng thời đầu tư vào tương lai.
3. Suy ngẫm
Hãy tập kiểm tra kết quả với chính mình vào cuối mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm. Tôi biết nó đòi hỏi rất nhiều công sức, nhưng việc tư duy này sẽ không chỉ cải thiện cách tự nhận thức của bạn, nó còn giữ bạn luôn đi đúng hướng. Động cơ thúc đẩy cuối cùng không đến từ việc bạn nhận ra sự thay đổi của mình vào cuối năm, mà bắt nguồn từ việc bạn nhìn lại mỗi tuần và nhận ra mình đã bước gần hơn tới mục tiêu bao nhiêu.
- Theo dõi tiến độ. Khi bạn suy nghĩ, hãy chú ý đến tiến độ của bạn trong việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn. Bởi vì các mục tiêu ngắn hạn rất quan trọng và gắn liền với mục tiêu dài hạn, bạn sẽ biết rằng mình có đang đi đúng hướng không. Kiểm tra cả những điều nhỏ nhặt và nhìn nhận đúng đắn sự phát triển của bản thân. Điều quan trọng là hãy tự nhận thức những nỗ lực của mình.
- Ăn mừng thành công. Hãy dành thời gian để ăn mừng các dấu mốc dù là nhỏ. Bạn có thể cảm thấy chúng không đáng kể gì vì bạn chưa chinh phục được mục tiêu bao trùm mà thôi, nhưng việc tắm mình trong niềm hân hoan của thành công sẽ là một nguồn động viên tinh thần to lớn cho chúng ta. Tích cực và lạc quan cũng là một cách hay để làm mới tâm trí của bạn, chuyển hướng sự tập trung vào các cơ hội thay vì những thiếu sót. Ống kính của sự lạc quan thực tế sẽ cho bạn lòng dũng cảm để chấp nhận những rủi ro nằm ngoài vùng thoải mái của bạn nhưng cũng cho bạn đủ sự tỉnh táo để lựa chọn những thứ trong khả năng.
4. Thúc Đẩy Bản Thân
Không có cách nào có thể thay thế sự chăm chi, cần mẫn. Việc cho rằng con người đều có động lực mỗi ngày chỉ là tự huyễn hoặc, thực tế là động lực cũng có thể tăng giảm thất thường. Nhưng chúng ta có thể thay thế và lấp đầy những ngày thiếu động lực với ý chí tinh thần, tính tổ chức và những nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu bạn muốn đạt được sự vĩ đại, thì bạn phải chấp nhận việc trả giá:
- Khi bạn đang có động lực. Trong khi bạn cảm thấy được thúc đẩy, hãy cố gắng tiến xa thêm thay vì dừng lại sớm. Nếu bạn đang có một ngày làm việc thực sự hiệu quả, thay vì bỏ cuộc sớm và xem Netflix, hãy cố thúc đẩy bản thân thêm một quãng đường nữa. Kéo dài khả năng của bạn sẽ có ích nhất là khi bạn thiếu sinh khí.
- Đặc biệt những lúc bạn không có động lực. Vào những ngày mà bạn không có chút động lực nào, bạn lại càng cần phải buộc bản thân làm những việc cần thiết để duy trì năng suất. Sẽ có những ngày như vậy nhưng hãy cố gắng vì đôi khi bạn có thể thắp lại niềm đam mê bằng cách chuyên tâm vào công việc. Khi bạn cố gắng hết mình kể cả khi không tìm thấy động lực làm việc, bạn có thể tự lừa bản thân cảm thấy điều đó, thỉnh thoảng.
Bạn đã sẵn sàng để thúc đẩy bản thân chưa? Nếu có, vậy hãy chuẩn bị bắt tay vào làm việc đi! Để giữ vững động lực là một câu chuyện đòi hỏi rất nhiều cố gắng. Hầu hết mọi người cứ tự tưởng tượng rằng những doanh nhân và giám đốc điều hành chỉ cần tỉnh dậy thôi đã cảm thấy tràn đầy năng lượng và sẵn sàng chinh phục mọi thứ - mà hiếm khi mọi người hiểu được rằng việc tìm kiếm và tạo ra động lực là cả một quá trình không ngừng nghỉ nhằm tối ưu hóa năng suất và liên tục phát triển bản thân.
Nếu động lực là một mặt hàng, nó sẽ có giá trị vô cùng to lớn. Những người thành công nhất chính là những người luôn tìm được cách duy trì động lực và đam mê của họ. Nếu bạn muốn tối ưu hóa sự phát triển của mình thì bạn cần phải đặt mục tiêu, suy ngẫm và tự thúc đẩy mình ngay cả khi bạn không cảm thấy muốn. Hãy kiên định và tập trung vào giây phút hiện tại, tìm ra sức mạnh của mình, và sau đó bạn sẽ khám phá ra động lực bạn cần để đạt đến hết tiềm năng.