Làm Gì Để Mang Lại Ngày Làm Việc Hiệu Quả Cho Nhân Viên?

02/02/2015 - 23:30 5821     0

Đôi khi, chỉ bằng lời nói, cử chỉ và cách thể hiện qua nét mặt, nhà quản lý, người giám sát hay lãnh đạo có thể làm ảnh hưởng tới tinh thần và năng suất làm việc của nhân viên trong ngày. Vì vậy, để không phá hỏng ngày làm việc hiệu quả của nhân viên, hãy tham khảo ba lời khuyên dưới đây.

1. Bắt đầu ngày làm việc với phong thái thoải mái.

Hãy tưởng tượng ra hình ảnh một vị lãnh đạo "Gắt Gỏng và Căng Thẳng”. Vào một ngày đẹp trời, ông đến chỗ làm với vẻ mặt đăm đăm và chau mày. Ngôn ngữ cử chỉ cho biết, ông ta có thể đã "làm việc quá tải" hoặc đang không cảm thấy vui vẻ. Ông di chuyển chậm chạp và đối xử với người đầu tiên chạm trán với mình bằng một thái độ cáu kỉnh, khó chịu. Và chỉ cần vài phút ngắn ngủi ấy thôi, cả văn phòng đã hiểu rằng họ nên tránh xa ngài “Gắt Gỏng & Căng Thẳng” nếu không muốn làm hỏng buổi sáng đẹp trời này.

Hình ảnh của bạn khi  tới nơi làm việc và cách cư xử của bạn trong vài phút đầu đối với nhân viên có tác động rất lớn lên tinh thần và động lực làm việc tích cực của họ trong ngày. Vì vậy, hãy bắt đầu một ngày làm việc mới với một thái độ thoải mái: Mỉm cười, đi lại tự tin và đĩnh đạc.  Bạn có thể đi quanh nơi làm việc và chào hỏi mọi người. Hãy chia sẻ mục tiêu mà bạn mong muốn đạt được trong ngày. Hãy để cho nhân viên biết rằng hôm nay sẽ là một ngày tốt lành và chính bạn sẽ cùng với họ làm nên ngày làm việc tuyệt vời ấy.  

2. Sử dụng những từ đơn giản, có sức mạnh và tính khích lệ.

Một giám sát viên giàu  kinh nghiệm được nhiều người trong công ty biết đến vì rất nhiều nhân viên muốn làm việc cùng đội với cô ấy. Lý do một phần làm nên sự thành công đó là do cô ấy luôn thể hiện sự yêu quý và tôn trọng đến tất cả mọi người. Cô thường sử dụng những từ ngữ đơn giản nhưng có sức mạnh và có tính khích lệ để bày tỏ rằng cô ấy rất quý trọng người khác, chẳng hạn những câu như "làm ơn", "cảm ơn" và "Bạn đang làm tốt đấy". Vì vậy, mọi người luôn cảm thấy thoải mái và được coi trọng khi cộng tác cùng giám sát viên này. Và dĩ nhiên là năng suất công việc khi cộng tác cũng cao hơn so với khi họ phải làm việc với những người hay gắt gỏng, thiếu tôn trọng và hay chỉ trích người khác.

3. Luôn trao đổi và phản hồi.

Theo các nhân viên, yếu tố đầu tiên tạo dựng tinh thần và động lực trong công việc chính là việc họ hiểu được mình nên thực hiện công việc của mình như thế nào. Trong cuốn sách "Tại sao nhân viên không làm việc họ đáng phải làm và phải làm gì với vấn đề đó?", Ferdinand Fournies cho rằng, những người giám sát thường gặp thất bại khi nghĩ mình đã nói rõ về mục tiêu công việc, các con số cần thiết, thời hạn báo cáo và các yêu cầu nhưng không biết rằng nhân viên lại đang hiểu sai ý và do đó thực hiện không đúng theo yêu cầu đề ra. Điều này thường khiến các nhà quản lý bực mình và có những cử chỉ , lời nói khiến nhân viên nhụt chí. Hoặc có thể, các yêu cầu mà nhà quản lý đặt ra bị thay đổi giữa chừng trong ngày nhưng không có chỉ dẫn rõ ràng và thời hạn cụ thể khiến nhân viên cảm thấy hoang mang không biết phải làm gì.

Để tránh những việc kể trên, nhà quản lý cần duy trì trao đổi và phản hồi với nhân viên để đảm bảo họ luôn cập nhật đúng những gì bạn mong đợi, còn nhân viên sẽ biết rõ bạn mong muốn nhận được gì từ họ. Có như vậy, tinh thần làm việc của đôi bên sẽ được duy trì ở trạng thái thoải mái nhất và hiệu quả công việc vì thế sẽ gia tăng đáng kể.

Lời kết

Tạo và duy trì động lực làm việc cho nhân viên là một công việc thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Không chỉ liên quan đến các vấn đề như lương thưởng cạnh tranh, cơ hội đào tạo hay thăng tiến trong sự nghiệp, nó còn đòi hỏi nhà quản lý hàng ngày, hàng giờ phải chú ý từ những khía cạnh nhỏ bé như lời nói, cử chỉ của bản thân hay như việc đưa chỉ dẫn và yêu cầu sao cho rõ ràng, đầy đủ và kịp thời. Nếu bạn có thể đảm bảo duy trì tốt những yếu tố đó, chắc chắn nhân viên của bạn sẽ luôn cảm thấy “Mỗi ngày đi làm là một ngày vui.”