Quá trình trưởng thành
Tinh thần doanh nhân đã ăn sâu vào máu của Kunal Bahl. Sau khi làm việc trong các mỏ than, bố của Kunal Bahl bắt đầu mở một công ty sản xuất của riêng mình. Ý chí quyết thành công là truyền thống của gia đình ngay từ những năm tháng đó.
Bahl nhớ lại: "Tôi và anh trai thường được hưởng những "chính sách khuyến học" như được xem phim vào tối thứ sáu hay được dẫn đi ăn pizza nếu học giỏi ở trường". Bố của anh "vẫn làm việc 10-12 giờ/1 ngày và 6 ngày/1 tuần". Sự làm việc hăng say của bố khiến anh rất cảm phục và không thể không noi theo.
Kunal Bahll theo học tại Đại học Pennsylvania, Mỹ. Anh nhận thấy phương pháp học tập nơi đây rất khác so với ở quê nhà. "Ở Ấn Độ, nếu bạn giơ tay lên đặt một câu hỏi thì điều này rất bị coi thường. Người ta sẽ nghĩ bạn không tôn trọng thầy cô bởi họ cảm thấy bạn không hiểu những gì thầy cô đã giảng. Nhưng ở Mỹ thì hoàn toàn ngược lại".
Anh cho biết đã học hỏi được rất nhiều từ những trải nghiệm này. "Bạn cần biết học cách tự mình suy nghĩ và đôi khi phá vỡ những quy tắc... Tự mình học hỏi hay học hỏi các thành viên trong nhóm và luôn luôn đặt câu hỏi với tất cả những gì người khác nói... ".
Niềm tin sắt đá
Kunal Bahl cho biết, giới doanh nhân Ấn Độ có thể vấp phải rất nhiều cản trở với các ý tưởng đổi mới. Anh gọi đây là "độ nhớt của môi trường".
Nhớ lại hồi năm 2008 khi anh giới thiệu dịch vụ giảm giá với các cửa hàng, họ đã từ chối anh một cách dữ dội. Họ nghĩ rằng: "Ồ, thương hiệu của tôi là số một rồi, tôi chẳng cần phải giảm giá"; "Tôi không biết dịch vụ giảm giá ra làm sao cả"; hay "Ấn Độ của chúng ta có văn hóa giám giá đâu?".
"Chúng tôi đã phải nghe biết bao nhiêu lý do để minh chứng rằng kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ không thành công", anh tâm sự.
Nực cười thay, chính nhờ suy thoái kinh tế mà các nhà bán lẻ đã phải tìm đến dịch vụ giảm giá, và Snapdeal của Kunal Bahl cũng đi lên từ đó. "Họ gọi cho chúng tôi và nói: "Các cậu đã nói là sẽ giúp chúng tôi bán sản phẩm và dịch vụ đúng không? Hãy trao đổi thêm một chút nhé!", anh nhớ lại.
Nam doanh nhân trẻ này cho rằng, việc có niềm tin sâu sắc vào những ý tưởng của mình là vô cùng quan trọng. Anh có thể chịu đựng được những hoài nghi ban đầu bởi anh đã nghiên cứu sản phẩm kỹ lưỡng và cảm thấy rất tự tin.
Anh giải thích: "Ở Ấn Độ, ngành bán lẻ được đầu tư rất nhiều nên chúng tôi dự đoán sẽ có hiện tượng dư cung. Hậu quả là các nhà bán lẻ sẽ phải chuyển nhượng cổ phiếu của họ. Và dịch vụ giảm giá là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết vấn đề. Ai cũng thích ưu đãi, và đây là một ưu đãi cho người tiêu dùng".
Không bắt chước máy móc
Kunal Bahl thú nhận rằng, ý tưởng về các phiếu giảm giá không phải do anh nghĩ ra mà đã rất phổ biến ở phương Tây. Thực tế thì anh nảy ra ý tưởng về Snapdeal khi thành lập công ty cung cấp chất tẩy rửa ở Mỹ.
Hồi đó anh "không có tiền" và "hoàn toàn phải tự lực cánh sinh". Anh nhận thấy giảm giá là cách ít tốn kém nhất nhưng lại hiệu quả nhất để thu hút khách hàng mua sản phẩm. "Sản phẩm của chúng tôi cuối cùng cũng có mặt tại 4.000 của hàng của Mỹ, được giới thiệu tại Câu lạc bộ của Oprah, tạp chí Phố Wall và thời báo New York Times, mà không mất quá nhiều chi phí cho tiếp thị".
Đó chính là lúc anh nhận ra rằng mình có thể làm giàu từ dịch vụ giảm giá này.
Nhưng anh cho rằng, chìa khóa để phát triển mạnh hơn là phải biết cách thích nghi với thị trường địa phương. "Định vị có vai trò cực kỳ quan trọng trong những thị trường như Ấn Độ. Bạn không thể bắt chước y nguyên một mô hình kinh doanh của phương Tây mà cần phải am hiểu sâu sắc thị trường địa phương trước khi bắt đầu tiến hành".
Ban đầu công ty cung cấp các phiếu giảm giá ngoại tuyến do nhiều người không sử dụng internet. Đến khi internet bùng nổ, cứ mỗi 4 giây công ty lại có thêm 4 khách hàng. Nhưng dù tốc độ tăng trưởng trong một năm qua là rất mạnh mẽ, Bahl cũng phải thú nhận là đạt được thành công này không hề dễ dàng.
Những sai lầm lớn nhất của họ luôn luôn là với nhân viên. Họ phải áp dụng cơ chế "kiểm tra và cân bằng" trong quá trình tuyển dụng để đảm bảo tìm được nhân viên phù hợp với từng vai trò. "Chính nhân viên mới là những người thúc đẩy công ty tiến lên phía trước. Do vậy nếu ngay từ đầu đã không thể chọn được người phù hợp thì sẽ rất dễ mắc sai lầm".
Nhưng khi tìm được người phù hợp rồi thì việc thuyết phục người đó làm việc cho mình cũng không hề đơn giản, bởi "Ấn Độ là một thị trường rất khó thu hút nhân tài cho các công ty đang ở giai đoạn tăng trưởng".
Ước mơ làm chính trị gia
Kunal Bahl cho rằng, để kinh doanh thành công thì người kinh doanh cũng rất cần đức tính khiêm tốn. " Bạn có thể là một cá nhân rất tài giỏi nhưng bạn không thể nghĩ được đủ mọi nhẽ, và cũng không thể tự mình làm được tất cả", anh tâm sự.
Thực tế thì công việc của một doanh nhân đã mang lại cho Bahl những trải nghiệm quý báu để hiểu nhiều hơn về nhân viên: làm thế nào để làm việc với họ, làm thế nào để họ hợp tác với mình, và làm thế nào để tạo ra các giá trị mới nhờ kết hợp những trí óc ưu tú với nhau. Chắc chắn những kinh nghiệm này sẽ giúp anh rất nhiều trong những kế hoạch sắp tới.
Anh tiết lộ: "Tôi muốn chuyển sang con đường chính trị. Tôi nghĩ rằng Ấn Độ có nhiều chính sách và luật lễ rất tốt, nhưng chặng cuối của quá trình thực hiện các chính sách có vẻ chưa ổn cho lắm và cần phải hoạt động một cách hiệu quả hơn".
Đối với Kunal Bahl, quá trình giải quyết các vấn đề kinh doanh và chính trị là rất giống nhau, bởi cả hai đều đòi hỏi khả năng xác định "đâu là vấn đề, làm cách nào để giải quyết, ai sẽ là những người xử lý phù hợp và đưa ra chỉ thị giải quyết vấn đề".
Nguồn :
Saga Tổng hợp & Biên dịch