Nếu là trước kia, tôi đã khuyên bạn nên tiếp tục làm tới cùng bất kể chuyện gì xảy ra. Đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ quan điểm như vậy trong cuộc sống. Bạn không thể từ bỏ việc chăm sóc bản thân hay gia đình của bạn được.
Ý thức trách nhiệm là một trong những động lực mạnh mẽ nhất trong cuộc sống này. Nhưng tôi không định nói về vấn đề thiếu động lực ở bài viết này.
Tôi chỉ đang nói về việc nghỉ phép. Tuy nhiên có một số người vẫn cố kỵ về hành động này vì họ cho rằng nghỉ phép chỉ dành cho những kẻ thua cuộc. Có người thì lại nghĩ rằng đó là chỉ là một cách để trốn tránh công việc.
Xét cho cùng, "Nếu bạn thực sự yêu công việc và cuộc sống của mình, cớ gì lại cần nghỉ ngơi chứ?"
Ý hay đấy, đồ tự mãn! Đây là lý do tại sao thời gian nghỉ phép thực sự sẽ cải thiện công việc và cuộc sống của bạn.
Leonard Mlodinow, nhà vật lý học và là đồng tác giả của hai cuốn sách với Stephen Hawking, gần đây đã chia sẻ kết quả nghiên cứu trong cuốn sách Elastic của mình về tác dụng của việc nghỉ phép. Ông đã chỉ ra rằng, việc nghỉ phép sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta:
"Mặc dù một số người nghĩ rằng "không làm gì" là thiếu hiệu quả, nhưng quá ít thời gian nghỉ ngơi lại có tác động xấu đến sức khỏe của chúng ta. Khoảng thời gian nhàn rỗi sẽ cho phép não bộ của chúng ta ôn lại những gì ta đã trải nghiệm hoặc học được gần đây".
Những người không bao giờ dành thời gian nhàn rỗi để không-làm-gì-cả thường là những người chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn. “Tôi muốn đạt được mục tiêu của mình! Ngay bây giờ!"
Nhưng tư duy ngắn hạn sẽ gây hại cho sự phát triển lâu dài của bạn, luôn luôn là như vậy. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn cứ cố gắng và vắt kiệt sức sức mình? Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ không có được một kết quả như ý và năng suất lao động của bạn cũng sẽ giảm xuống.
Trong một số trường hợp khác, thậm chí bạn có thể bị trầm cảm - điều này sẽ khiến bạn gây ảnh hưởng lâu dài cho bạn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Đó là một trong những điều được thường xuyên được nhắc đi nhắc lại trong các lời khuyên. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Liệu chúng ta có thực sự phòng ngừa trước mọi chuyện hay chỉ đơn giản là cố gắng trốn tránh các rắc rối và "xử lý sau"?
Đây thật sự là một chiến lược tồi tệ. Thay vào đó, bạn tốt hơn hết là nên ngăn chặn việc vắt kiệt sức mình cũng như những hành động làm giảm năng suất làm việc của bạn.
Dale Carnegie, một người tiên phong trong phong trào self-help là tác giả của How to Stop Worrying and Start Living (Quẳng gánh lo đi và vui sống), nói rằng:
“Để ngăn ngừa mệt mỏi và lo lắng thì nguyên tắc đầu tiên là: Nghỉ ngơi thường xuyên. Hãy nghỉ ngơi trước khi bạn cảm thấy mệt mỏi.”
Vì vậy, hãy dành thời gian nghỉ việc một cách chiến lược trong suốt cả năm. Đó cũng là những gì tôi đã làm và kết quả, tôi đã có được 5 lợi ích như sau:
1. Bạn có thể kiểm tra xem liệu mình đã làm đúng chưa.
Tôi cho rằng có hai trạng thái làm việc:
- Hành động
- Suy nghĩ
Khi bạn đang ở chế độ “hành động”, bạn có thể làm việc hàng giờ, hàng ngày thậm chí là hàng tháng liên tiếp. Trên thực tế, tôi biết những người đã làm việc ở chế độ hành động trong nhiều năm liền.
Họ không bao giờ dành thời gian để soi xét hay suy nghĩ về công việc của mình. Kết quả? Một cuộc khủng hoảng tuổi 40. Hoặc, đối với những người trẻ, họ sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi 20.
Đó là hậu quả nếu bạn cứ làm mà không cần suy nghĩ.
Bạn có thể sẽ ra được kết quả. Nhưng đó có thực sự là kết quả mà bạn MUỐN?
Khi bạn nghỉ phép, bạn có nhiều thời gian để tự soi xét lại bản thân hơn. Nhưng nếu bạn cứ làm việc liên tục, bạn sẽ không có cơ hội làm điều đó.
Đó là một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc không làm gì cả. Chắc chắn, công việc của bạn có thể bị gián đoạn. Nhưng vậy thì đã sao? Bạn có muốn suốt cả sự nghiệp của mình chỉ được soi xét một tầm nhìn hạn hẹp hay không?
Tôi cần ít nhất mười ngày để soi xét lại mọi việc một cách nghiêm túc. Trong năm ngày đầu tiên, tôi vẫn đang ở giữa ranh giới của chế độ hành động và suy nghĩ. Thật khó để chuyển sang chế độ suy nghĩ và không làm gì cả nếu bạn đã quen làm việc liên tục.
Nhưng tôi luôn học được những điều mới mẻ về bản thân mình sau một kì nghỉ dài hơi. Tôi có xu hướng đọc rất nhiều. Trải qua hai tuần, tôi đã đọc năm cuốn sách. Nhưng tôi không viết gì cả. Ngoài ra, tôi cũng ghi lại nhật kí - nhưng chỉ một chút.
Chỉ đơn giản là đọc sách, xem phim, phim tài liệu, đi chơi với bạn bè, nói chuyện, mơ mộng. Vài thứ như vậy. Những việc này cũng chẳng tốn kém gì đâu nhưng mang lại lợi ích rất lớn.
Bây giờ, tôi cảm thấy tốt hơn, có nhiều năng lượng hơn và tôi rất vui được trở lại làm việc. Đó cũng là bài học tiếp theo tôi đã học được.
2. Bạn có thể xử lý những ý tưởng của mình
Não bộ của bạn có thể làm rất nhiều thứ mà bạn không ngờ tới. Một điều xảy ra vô thức là việc xử lý thông tin trong bộ não của chúng ta.
Tất cả chúng ta đều có những ý tưởng chưa bao giờ được hiện thực hiện hóa, đúng không? Nghĩ thử xem, bạn đã gặp bao nhiêu người tuyên bố rằng họ đang có một ý tưởng khởi nghiệp cực kỳ hay ho hay một ý tưởng độc đáo/mới lạ?
Tôi đã từng gặp một chàng trai tuyên bố rằng anh ta có một ý tưởng làm xe đạp điện tử. Anh ta đã làm gì với nó chưa? Chưa. Bây giờ anh ta mua rác trên Alibaba và bán nó cho các doanh nghiệp, vận chuyển đến từng nơi một.
Tất cả chúng ta đều có ý tưởng. Không chỉ dừng lại ở ý tưởng kinh doanh.
- "Tôi muốn trang trí lại ngôi nhà của mình."
- "Tôi muốn đi du lịch khắp đất nước."
- "Tôi muốn viết một cuốn sách."
Tất cả những ý tưởng đó đều tuyệt vời. Nhưng bạn sẽ làm gì với chúng? Tôi thậm chí không nói về việc thực hiện.
Tất cả các ý tưởng đều cần được xử lý. Các ý tưởng có tốt không? Tôi có thực sự muốn làm những điều đó không?
Một lần nữa, đó là một quá trình suy nghĩ. Khi bạn đi từ ý tưởng hành động, mà không xử lý thông tin thì đến cuối cùng, bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian của mình.
Tất nhiên, bạn không bao giờ có thể ngăn chặn hoàn toàn điều đó. Nhưng bằng cách dành thời gian để xử lý các ý tưởng của mình, bạn có thể giúp bản thân tránh khỏi việc lo lắng, sợ hãi và thậm chí là các vấn đề liên quan đến tiền bạc trong tương lai.
3. Bạn có thể dành thời gian cho nghệ thuật nhiều hơn
Nghệ thuật là gì? Bất cứ điều gì khiến bạn suy nghĩ.
Một bài hát hay, một bộ phim ý nghĩa, một bức tranh đẹp, những quyển sách, bài thơ, bức ảnh hay một tác phẩm điêu khắc, bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ đến. Bất cứ thứ gì cũng có thể là nghệ thuật. Không một ai có quyền xác định nghệ thuật là và không là gì.
Tôi nhận được rất nhiều cảm hứng từ nghệ thuật. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu không có nghệ thuật. Đúng, cả cuộc sống cũng là nghệ thuật nữa. Chỉ cần đọc Fahrenheit 451 hoặc xem phim Equilibrium, bạn sẽ biết điều đó.
Điều tuyệt vời nhất là nghệ thuật sẽ cải thiện tâm trạng của bạn. Và khi bạn có một tâm trạng tốt, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chỉ cần bạn đừng làm những thứ vớ vẩn là được. Hãy bắt đầu với trường phái nghệ thuật cổ điển xem sao.
Hãy nghe Bob Dylan, Marvin Gaye, Whitney Houston. Xem phim của Alfred Hitchcock, Francis Ford Coppola. Đọc các tác phẩm của Ernest Hemingway, Harper Lee, Ralph Ellison. Tới Bảo tàng Anh. Nghiên cứu Andy Warhol.
Giống như hàng triệu người khác, bạn sẽ được truyền cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật kinh điển trên. Và điều đó sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.
4. Bạn có thể tập trung vào những điều quan trọng khác (không liên quan đến công việc)
"Bạn có thể cho tôi biết thêm về bản thân bạn không?"
Bạn nghĩ sao khi tôi hỏi bạn câu hỏi đó? Hầu hết chúng ta bắt đầu bằng cách những điều đại loại như, "Tôi là kế toán viên tại công ty X."
Cuộc sống hiện đại gần như buộc bạn phải tự định nghĩa mình bằng công việc. Nhưng cuộc sống của bạn không chỉ có công việc.
Cuộc sống của bạn là gia đình, bạn bè, sở thích, đam mê và cuối cùng mới là một công việc. Đúng, công việc thật sự rất quan trọng. Nhưng những thứ khác cũng vậy.
Vì vậy, đừng bao giờ bỏ bê những điều quan trọng khác trong cuộc sống. Trau dồi các mối quan hệ với gia đình và bạn bè thân thiết. Hãy làm mọi việc cùng nhau. Tổ chức một kỳ nghỉ cùng gia đình. Đạp xe leo núi cùng bạn bè.
Hãy chủ động. Nếu không có ai trong gia đình hoặc nhóm bạn của bạn hành động, tại sao không phải là bạn?
Bằng cách dành thời gian cho các mối quan hệ của mình, bạn sẽ tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ với những người thân yêu. Điều đó sẽ giúp củng cố các mối quan hệ của bạn.
Nhưng cũng đừng quên chăm sóc cho chính bản thân mình. Sở thích của bạn là gì? Bạn muốn tìm hiểu thêm điều gì? Bạn mơ ước làm gì? Hãy thực hiện những điều đó.
5. Nghỉ ngơi quá nhiều sẽ nhanh khiến bạn cảm thấy nhàm chán thôi.
Lý do con người làm việc là bởi vì chúng ta sinh ra để làm mọi thứ. Tôi tin rằng mục đích sống của chúng ta là trở nên hữu ích.
Khiến bản thân mình trở nên hữu ích sẽ dẫn đến một cuộc sống có ý nghĩa hơn, góp phần đáp ứng tất cả các nhu cầu của con người.
Đó là lý do tại sao nghỉ ngơi quá nhiều sẽ khiến chúng ta bứt rứt. Mẹ tôi luôn nói rằng, quá nhiều một điều tốt sẽ trở thành một điều xấu. Bà ấy đã nói điều này với tôi khi tôi dành tất cả thời gian đi chơi với bạn bè.
Đúng vậy. Nghỉ quá nhiều hay làm việc quá nhiều cũng đều không tốt.
Cơ thể và tâm trí của chúng ta được tạo ra để lao động.
Do đó, bài học cuối cùng tôi học được từ việc không làm gì là: Sau khi nghỉ ngơi hãy làm việc đi.
Và nên làm gì tiếp theo? Nếu câu trả lời “làm nhiều hơn” thì có lẽ bạn vẫn chưa hiểu được vấn đề. Hãy nghỉ ngơi đi. Bạn có lẽ cần được nghỉ ngơi.