Dự đoán tương lai
Những vị vua cổ đại, những hoàng đề phương Đông hoặc tộc trưởng các bộ lạc đều có một điểm chung: khao khát những kiến thức hé lộ về tương lai. Vì lí do này, họ thường xuyên mời về những nhà chiêm tinh hoặc những người giải điềm báo. Những nhà lãnh đạo ngày nay không còn dựa vào những nhà chiêm tinh nhưng lại thuê cả đội ngũ những nhà thống kê thuộc những khối nhà nước khác nhau để đưa ra những dự báo về tương lai. Tuy nhiên, có một vấn đề đó là những người làm thống kê quen với phân phối chuẩn (normal distribution), trong khi phần lớn những sự kiện và con người trên thế giới lại không như thế. Vấn đề này cũng có ảnh hưởng đến giới tài chính.
Sự ngẫu nhiên trên thế giới và trên thị trường tài chính
Hãy nhìn lại những phát hiện có tính đột phá mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Châu Mỹ được tình cờ phát hiện trong hành trình đến Ấn Độ. Phát hiện về kháng sinh xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Những sự kiện này đã tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trong lịch sử loài người, và chúng ta có thể học được một bài học quý báu từ chúng: những sự kiện có sức ảnh hưởng cực kì lớn, như những điều vừa kể trên, thường không được tìm ra do nỗ lực tìm kiếm của chúng ta mà thường là khi chúng ta vô tình ‘va phải” chúng.
Vậy quy tắc này có thể áp dụng vào thị trường như thế nào? Nhìn vào những thay đổi về giá trong thị trường tài chính một cách khách quan, chúng ta có thể thấy được lợi ích của những rủi ro này. Hãy lấy một ngành tương đối thiếu ổn định làm ví dụ, ngành công nghệ sinh học. Rất nhiều công ty trong lĩnh vực này dựa vào những nguồn tiền vô cùng lớn để hoạt động. Tất cả bọn họ đều đang tìm kiếm một loại thuốc có tính đột phá mới. Một vài công ty sẽ gặp may và có những loại thuốc mới được chấp thuận để rồi trở nên nổi tiếng; còn những công ty khác thì không được may mắn như thế và sẽ phải phá sản.
Vậy làm sao để phân biệt những công ty công nghệ sinh học sẽ thành công với những công ty sẽ thất bại? Bạn không thể. Có quá nhiều những biến số cho bất kỳ mô hình nào nếu có (toán học hoặc tâm lý học).
Mô hình của chúng ta: Chiến thắng và thất bại
Một hệ thống phức tạp các mô hình toán học có thể đưa ra một vài con số mà chúng ta mong đợi khiến các nhà đầu tư an tâm. Những thứ như là “khoảng tin cậy 95%” (trong thống kê) khiến chúng ta yên tâm hơn về tương lai. Tuy nhiên vấn đề ẩn sâu bên trong lại là việc sử dụng phân phối chuẩn. Những mô hình dựa trên phân phối chuẩn, giả sử, có tỉ lệ sai lầm 5% về mặt lí thuyết thường có nhiều lỗi thực nghiệm hơn những điều dự đoán dựa trên lý thuyết, trong trường hợp này là hơn 5%. Vấn đề là trong đời sống thực tế, phân phối xác suất thường gắn liền với phân phối chuẩn có “đuôi béo” (fat tail - phân phối có xác xuất nhận các giá trị ở 2 đuôi cao hơn so với phân phối chuẩn), nghĩa là những sự kiện hi hữu có xác suất xảy ra cao hơn. Điều này không ám chỉ sự thiếu tin tưởng các số liệu thống kê, mà là về những ứng dụng của chúng trong những trường hợp của không thể áp dụng.
Phần lớn việc sử dụng những mô hình dựa vào phân phối chuẩn trong tài chính thường đem đến cho chúng ta những "dịp" định giá sai chứng khoán (mispricing of securities) đối với những sự kiện hi hữu. Những cơ hội như vậy sẽ bao gồm việc một người thiết lập nhiều vị thế mua trước những biến động của một loạt chứng khoán (nên nhớ đây không phải là về dự đoán nữa, mà là về rủi ro tài chính) trong một ngành dễ biến động, chỉ để chạy theo một vài sự kiện hi hữu bất thường. Sử dụng chiến thuật như thế nghĩa là bạn đang mạo hiểm một vài xu để có vài đô la.
Bạn đang nghĩ về việc áp dụng ý kiến này? Bạn có thể phân bổ danh mục của mình như sau: đầu tư 95% số vốn của bạn vào tín phiếu kho bạc Mỹ và 5% còn lại vào một loạt những cổ phiếu tương tự như chúng ta đang nói ở trên. Dĩ nhiên, tỉ lệ có thể thay đổi để phù hợp với mức độ lỗ ròng tối đa hàng năm bạn có thể chấp nhận sau khi tính đến thu nhập lãi từ tín phiếu kho bạc.
Đương đầu với sự không chắc chắn: đầu tư giống như một con bò?
Bạn vẫn chưa bị thuyết phục rằng chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc dự đoán chính xác tương lai, thế nên hãy tiếp tục cuộc thảo luận của chúng ta. Khi ngoại suy (*) những số liệu lịch sử thành xu hướng tương lai hoặc đơn giản là ngoại suy chính những xu hướng đó, hãy liên tưởng đến một con bò được nuôi để lấy thịt. Tưởng như so sánh này khập khiễng, nhưng niềm tin của con bò thực sự giống với suy nghĩ của những nhà đầu tư khi mọi chuyện đang suôn sẻ. Con bò được nuôi béo và chăm sóc cẩn thận. Điều này diễn ra ngày qua ngày, và mỗi ngày trôi qua con bò càng trở nên tự tin rằng điều đó sẽ tiếp tục và đó là những lợi ích tốt nhất của nó được người ta quan tâm (tất nhiên con bò không biết mục đích là làm ra thức ăn cho con người). Thật không may, sự tự tin này không cứu được con bò khỏi “chuyến đi” tới lò mổ.
(*) Phép ngoại suy: dựa trên những số liệu đã có về một đối tượng để đưa ra suy đoán hoặc dự báo về hành vi của đối tượng đó trong tương lai.
Ví dụ này phản ảnh việc các nhà đầu tư chỉ đơn thuần ngoại suy những số liệu gần đây thành những giai đoạn tương lai. Những dự đoán và khẳng định dựa trên lịch sử, không cần biết đúng như thế nào, đều không làm nên giá trị của mô hình. Như bạn có thể thấy, mô hình về tâm lý của con bò trong ví dụ của chúng ta đã thất bại rõ rệt vào ngày nó bị mang tới lò mổ. Điều đó có nghĩa là dù cho bạn có bao nhiêu dấu hiệu khẳng định từ mô hình hay phương pháp thì nó cũng chẳng chứng minh được gì về giá trị của mô hình hay phương pháp đó, bởi một sự kiện hi hữu thôi cũng có thể phủ nhận tất cả. Thế nên bạn cần phải sẵn sàng cho những sự kiện hi hữu bất kể mọi chuyện có tốt thế nào đi nữa.
Lời kết
Sự bất lực của con người trong việc dự đoán chính xác tương lai luôn song hành với những bất lợi tự nhiên mà chúng ta gặp phải, những điều có thể ảnh hưởng tới danh mục đầu tư của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể công nhận những sự không chắc chắn này (mặc dù cần nhiều nỗ lực) và tạo tâm thế sẵn sàng cho những kết quả không ngờ để bảo vệ danh mục của mình. Bằng việc phòng vệ đồng thời xây dựng những chiến lược về danh mục đầu tư nhằm kiếm lời từ những sự kiện hi hữu, chúng ta có thể chiến thắng những sai sót tự nhiên của chính chúng ta.