Mọi người chơi Pokemon Go còn nhiều hơn cả vào Facebook! Và điều này khiến trò chơi này trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong thời gian qua, và rất có thể sẽ trở thành một “hiện tượng” trong thời gian tới. Cũng cần phải nói rằng sự tăng trưởng của Pokemon Go mới chỉ dựa trên số liệu của 8 quốc gia đã có ứng dụng này. Vậy làm thế nào mà một ứng dụng điện thoại có thể phát triển nhanh chóng đến như vậy? Pokemon, các trò chơi dựa trên hệ thống định vị hay thực tế “ảo” không phải là những thứ quá mới mẻ. Cha đẻ của Pokemon Go là John Hanke cũng ngạc nhiên về thành công của trò chơi này.
Nhưng thật ra thành công này cũng không phải là điều khó đoán trước, vì John đã dành 20 năm qua để phát triển các trò chơi tương tác dựa trên địa điểm. Năm 1996, ông đã nộp đơn vào chương trình MBA của Đại học Berkeley và trong bài luận của mình, ông đã đề cập đến cơ hội cho ngành game tương tác trong tương lai. Làm thế nào mà John có thể dự đoán được điều này từ những năm 90?
Hiện nay, người ta chưa có nhiều thông tin về tiểu sử của John Hanke trước những năm 1996. Năm 1985, ông tốt nghiệp trường trung học Cross Plains rồi nhận bằng cử nhân của ĐH Texas, Austin vào năm 1989. Sau đó, ông đã có thời gian sống ở Myanmar (tên gọi cũ là Burma) và Washington D.C. khi làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hanke chính thức làm việc trong lĩnh vực game trong khi học bằng MBA. Hậu thời kỳ bùng nổ của các công ty Dotcom (công ty coi Internet là nhân tố chính trong hoạt động kinh doanh), Hanke làm việc tại Keyhole - một công ty chuyên sáng tạo các phần mềm trực quan hóa (visualize) không gian địa lý. Sau khi Google mua lại công ty này, ông đã ở lại để dẫn dắt sự phát triển của Google Earth, Google Maps và Google StreetView. Ông cũng có một phần đóng góp không nhỏ trong việc đưa Google Maps vào dòng điện thoại iPhone.
Trong khi nhiều nhà sáng lập có thể từ bỏ những giấc mơ mình một khi công ty của họ được mua lại, Hanke thì không như vậy, ông không những chỉ thành lập một công ty trực thuộc Google (nhưng hoạt động độc lập) mang tên Niantic vào năm 2010 mà còn tự tách nó khỏi Google, và sau này được chính Google đầu tư vào nó. Đến nay, người ta vẫn chưa biết rõ Hanke đã làm điều này như thế nào và tại sao Google lại muốn điều này xảy ra. Nhưng dù gì đi chăng nữa, Google vẫn là một trong 3 nhà đầu tư của Niantic tính đến nay.
Cái tên "Niantic" có nguồn gốc từ một con tàu ở thời kỳ Gold Rush (thời kỳ cơn sốt vàng ở Mỹ). Con tàu này hiện đang bị mắc cạn và giờ nằm bên dưới trung tâm thành phố San Francisco. Trước kia, khi San Francisco vẫn được gọi là Yerba Buena, Niantic chở trà và lụa từ Trung Quốc đến thành phố này. Nhưng số phận của con tàu này đã sớm thay đổi - nó đã được chuyển đổi thành một tàu đánh cá nhà táng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, chuyến đi cuối cùng của con tàu này lại là lần đầu tiên nó chở những người tìm vàng đến San Francisco. Khi đến nơi, người ta đã đã cố tình để con tàu bị mắc cạn và chuyển đổi nó thành một khách sạn. Con tàu này hiện vẫn nằm dưới lòng đất trong khu tài chính San Francisco.
Câu chuyện trên gợi lên những tương đồng với triết lý đằng sau Pokemon Go - hãy khám phá những kho tàng bí ẩn trong khu phố của mỗi chúng ta, hãy nhận ra một điều mới mẻ ở những nơi bạn vốn nghĩ là hoàn toàn quen thuộc, và hãy đi ra ngoài để khám phá thế giới.
Trong video quảng bá cho trường ĐH mình từng theo học, John Hanke đã nói “Hãy luôn thách thức thực tại” vì “đó không phải là cách mọi thứ luôn vận hành”. Điều thú vị là, những gì Hanke phát triển dường như chỉ là những điều hiển nhiên đã bị chúng ta bỏ qua trong suốt bao năm qua - thực tế “ảo” và định vị địa lý đều không phải là những công nghệ mới. Pokemon Go khuyến khích người chơi khám phá những con đường, khu phố cũ họ từng đặt chân tới và thậm chí là gặp lại những người quen cũ đã lâu không gặp. Có lẽ giờ đây chúng ta thích gặp họ khi chơi Pokemon Go hơn là gặp họ trên Tinder (một trong những ứng dụng hẹn hò nổi tiếng nhất hiện nay).