Phải chăng IMF thiếu kinh nghiệm?
Trong một bài báo đăng trên tờ Financial Times ngày 11/12/1997, ông Jeffrey Sachs viết: "Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các chính sách mà IMF đưa ra thì lại không được biết gì và cũng không hề được góp ý. Tại Hàn Quốc, IMF đã khăng khăng đòi Chính phủ phải ký ngay một thỏa ước mà họ đã không hề được tham gia dự thảo hay điều đình, và cũng không có thời giờ để tìm hiểu". Ông nói tiếp: " Thật vô lý khi tin rằng một nhóm nhỏ khoảng 1.000 nhà kinh tế ngồi tại đường 19 ở Washington lại có thể áp đặt những điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến vận mệnh của 1,5 tỉ người tại 75 quốc gia đang phát triển!".
Trong bài diễn văn tại Madras, Ấn Độ vào tháng 1/1998, ông Jeffrey Sachs cho rằng IMF đã không đưa ra một chương trình giải cứu phù hợp với những nhu cầu của Đông Nam Á và chính họ "đã góp phần vào cuộc khủng hoảng!". Ông chỉ trích IMF là đã hành động "thiếu suy nghĩ" khi buộc 16 ngân hàng ở Indonesia phải đóng cửa, dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ của guồng máy tài chính và khiến mọi người kinh hoàng! Ông Sachs nói rằng chính các chuyên viên IMF sau đó cũng biết là họ đã sai lầm nhưng vì sợ mất thể diện nên đã không chính thức nhận lỗi!
Trong một bài báo trên tờ FEER, nhà kinh tế Martin Khor, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế của nhóm Third World Network cũng đã kết luận rằng: "IMF thiếu hiểu biết về châu Á".
Phản ứng của IMF
Trước những phản ứng chống đối từ mọi phía, IMF đã nhiều lần lên tiếng bào chữa về những quyết định của mình. Ông Stanley Fisher, phó chủ tịch IMF tuyên bố: "Tôi không đồng ý khi mọi người cho rằng việc đồng tiền ở châu Á bị phá giá nặng nề trong những tháng vừa qua là do IMF gây ra... Nếu không có sự trợ giúp của IMF thì những đồng tiền này thậm chí còn mất giá hơn nữa. Để lật ngược tình thế, các nước này phải tìm cách để nội tệ tăng giá trị khiến người ta chuộng hơn, và điều đó có nghĩa là phải tạm thời nâng cao lãi suất, mặc dù điều này sẽ đưa tới nhiều khó khăn cho các ngân hàng và các công ty non yếu".
Tuy vậy, sau đó IMF cũng đã thay đổi “liều thuốc” nhiều lần khi thấy các "bệnh nhân" mình phảnị ứng quá mạnh. Trước viễn cảnh khó khăn do số người thất nghiệp và mức nghèo đói tăng nhanh tại Indonesia, IMF đã năm lần thay đổi liều thuốc và ngày 20/10/1998, đưa ra một số đề nghị mới trong chương trình cải tổ nhằm khích động nền kinh tế bằng cách gia tăng mức chi tiêu của Chính phủ. Tuy không đồng ý để Indonesia theo gót Malaysia áp dụng những biện pháp hạn chế dòng chảy tư bản, IMF cũng đã tỏ ra mềm mỏng hơn và cho biết rằng họ " dự định sẽ tăng cường hệ thống kiểm soát thông tin về thanh toán ngoại tệ để mở rộng việc thu thập dữ liệu, tăng sự minh bạch, và để có thể biết rõ hơn về tổng số nợ ngắn hạn của các công ty và ngân hàng".
Việc IMF can thiệp là chuyện đã rồi. Từ những xáo động kinh tế, tình hình các nước trong vùng đã có nhiều thay đổi về mọi mặt và điều gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới? Goldman Sachs, một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới cho biết, họ đã dành sẵn 4 tỉ USD để chuẩn bị cho một chương trình "mua sắm" ở châu Á. Trước mắt, họ dự định sẽ tìm mua lại những món nợ xấu có thế chấp, từ những ngân hàng Nhật Bản đang bị nguy ngập và số tiền này tính ra có thể mua được một phần tám tất cả các số nợ khó đòi của Nhật Bản. Dĩ nhiên không riêng gì Goldman Sachs mà còn có rất nhiều ngân hàng đầu tư Mỹ cũng đang chuẩn bị những chương tình tương tự.
Sau khi đã uống một “liều thuốc xổ”, và hiện đang quằn quại vì những phản ứng nặng, biết đâu sau cuộc khủng hoảng, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc lại có thể vững vàng hơn để phát triển nhanh hơn trước. Trong khi đó, tuy Malaysia tránh không cầu viện IMF và tương đối ổn định trong giai đoạn hiện tại, nhưng nếu không biết lợi dụng cơ hội này để cải tổ lại guồng máy kinh tế thì những tệ hại cũ vẫn còn và sẽ tiếp tục làm trì trệ đà phát triển trong tương lai.
Mời bạn đọc theo dõi phần đầu của bài viết: IMF Và Cuộc Khủng Hoảng Châu Á - Những Ý Kiến Trái Chiều (Phần I)
Nguồn :
Saga Tổng hợp & Biên dịch