Hãy tạo một cái gì đó. Bất cứ thứ gì. Mỗi ngày trong suốt 30 ngày. Và chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Tại sao tôi lại khuyên bạn như vậy?
Chúng ta đang tốn quá nhiều thời gian vào những nội dung, bài đăng trên mạng xã hội, chúng ta quan tâm quá nhiều tới các quảng cáo và suy nghĩ về thông điệp của chúng, dành quá nhiều thời gian để nghe nhạc và xem phim. Tất cả những điều này khiến bộ não của ta bị “ngợp” và không thể tập trung vào điều gì. Chúng ta đang tiếp nhận nhiều thông tin hơn là tạo ra nó. Hãy thúc đẩy hiệu suất sáng tạo bên trong bạn. Chúng ta là những sinh vật đầy sáng tạo. Ít nhất thì chúng ta đã từng như vậy, cho đến khi thầy cô, bố mẹ, hay một người bạn nói rằng chúng ta không có tố chất nghệ thuật, và rằng ta tốt nhất chỉ nên chú tâm vào toán học/khoa học hay bất cứ một cái gì khác và hãy tiếp tục công việc thường ngày đi. Điều này thật không công bằng. Phần sáng tạo bên trong ta đang đòi thoát ra ngoài và thể hiện.
Vậy bây giờ bạn phải làm gì?
Dưới đây là một số ý tưởng về những gì bạn có thể tạo ra hàng ngày trong 30 ngày:
1. Một câu chuyện ngắn.
2. Một bức ảnh.
3. Một bức ảnh kèm mẩu truyện ngắn.
4. Một hình vẽ doodle
5. Một đoạn thơ.
6. Vẽ Zentangle.
7. Một câu trả lời trên Quora.
8. Một bài đăng trên blog.
9. Danh sách 10 ý tưởng hay ho.
10. Một tin nhắn tình cảm cho người bạn thân.
11. Một việc tốt ngẫu nhiên.
12. Một đoạn tản văn.
13. Một gif của con mèo trong bộ trang phục vui nhộn.
Trên đây chỉ là một số gợi ý để bạn lựa chọn. Bạn hoàn toàn có thể tự tạo một danh sách của riêng mình, tùy vào sở thích, tài năng và sự hiếu kỳ của bạn.
LÀM CÁCH NÀO MÀ NHỮNG THỨ NÀY SẼ CÓ ÍCH CHO BẠN?
1. Bạn sẽ biết quan sát hơn.
Đây là ý tưởng của Seth Godin; ông khuyến khích mọi người viết và đăng bài viết của mình hàng ngày như một trải nghiệm những thay đổi của cuộc sống. Việc buộc phải tạo ra thứ gì đó mỗi ngày sẽ khiến bạn có óc quan sát hơn. Bạn sẽ phải tìm kiếm các vấn đề, những câu chuyện, hình ảnh đẹp, các xung đột, nghịch lý, tất cả những điều thú vị tạo nên cuộc sống, để có tài liệu cho việc sáng tạo của bạn.
2. Bạn sẽ biết quan tâm hơn.
Đây là hệ quả của việc số 1. Khi bạn quan sát nhiều hơn, bạn sẽ quan tâm nhiều hơn. Khi bạn gặp một câu chuyện hay nghĩ ra một ý tưởng gì đó, bạn sẽ dừng lại một lúc và suy nghĩ, "Hmmm, điều này không thú vị sao? Mình có thể tạo ra gì từ điều này? Mình nên chia sẻ với mọi người như thế nào nhỉ? Tại sao thứ này lại ở đây?" Bạn sẽ bắt đầu hiểu bản thân cũng như những người khác tốt hơn.
3. Bạn sẽ khai thác được tiềm năng sáng tạo bên trong mình.
Ban đầu việc này sẽ khá dễ dàng. Tôi cá rằng bạn đã có sẵn một vài ý tưởng để thực hiện. Nhưng khi những ý tưởng đó dần cạn kiệt thì mọi chuyện sẽ trở nên thú vị. Đó là khi bộ não của bạn bắt đầu đổ mồ hôi, thúc giục bạn và vật lộn. Và rồi, điều kỳ diệu sẽ xảy đến. Tâm trí bạn sẽ tạo ra một thứ gì đó điên rồ, thứ mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới trước đây. Và ngày hôm sau, nó sẽ lại khiến bạn ngạc nhiên với một thứ gì đó mới mẻ. Cứ thế, cứ thế. Điều quan trọng là bạn không được bỏ cuộc khi mọi thứ trở nên khó khăn. “Cơ bắp sáng tạo” (creative muscles), cũng giống như bất kỳ một loại cơ bắp khác, đòi hỏi bạn phải tập luyện thường xuyên. Đó là cách để khai thác tiềm năng sáng tạo bên trong bạn.
4. Bạn sẽ bắt đầu xây dựng các tác phẩm sáng tạo của riêng mình.
Bất kỳ ai cũng có thể viết một câu chuyện hoặc chụp một bức ảnh và đăng ảnh nó lên. Bất cứ ai cũng có thể làm điều này. Tuy nhiên, sự nhất quán và liên tục ở đây chính là cái bẫy. Bằng cách buộc bản thân tạo 30 dự án nhỏ, bạn sẽ bắt đầu xây dựng bô sưu tập các tác phẩm sáng tạo của mình. Trong cuốn sách “Originals” , Adam Grant đã đưa ra kết luận rằng những người khác biệt nhất trên đời có một khối lượng tác phẩm khổng lồ, họ có hàng tấn, hàng tấn ý tưởng. Không phải là họ có những ý tưởng tuyệt vời - mà đơn giản là họ có rất nhiều ý tưởng. Một số trong chúng cực kỳ tệ và vớ vẩn. Một số khác thì khá hơn. Còn một số thì tuyệt vời. Xây dựng một bộ sưu tập sáng tạo sẽ cung cấp cho bạn một nền tảng để lựa chọn ý tưởng và phát triển dựa trên đó.
5. Bạn sẽ loại bỏ được sự cầu toàn của bản thân.
Elizabeth Gilbert từng nói rằng để sống một cuộc sống sáng tạo, chúng ta phải biết bỏ qua một số thứ. Chúng ta không cần phải đặc biệt dũng cảm, tài năng, kỳ quặc, hay bất cứ điều gì khác. Nhưng hãy bỏ qua những điều đó. Tại sao? Bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ tạo ra rất nhiều thứ ngu xuẩn. Những ý tưởng lúc mới còn trong đầu thì nghe thật tuyệt vời, chúng ta tâm huyết và đam mê với chúng, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, ta mới thấy mọi việc chẳng hề như những như gì ta tưởng tượng. Trong giai đoạn này, rất nhiều người sẽ thất vọng và bỏ cuộc. Nhưng nếu bạn buộc mình phải sáng tạo trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ phải bao dung với chính mình, đơn giản vì bạn không phải là Hemingway hay Dali. Bạn sẽ phải giết chết chủ nghĩa cầu toàn của bản thân. Bạn sẽ nhận ra rằng, những sáng tạo nhỏ bé của mình không hề cứu được thế giới. Nhưng rồi bạn cũng sẽ hiểu rằng điều này chẳng hề quan trọng. Chấp nhận khuyết điểm của mình và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.
6. Bạn sẽ xây dựng cho mình sự tự tin sáng tạo.
Qua việc xây dựng bộ sưu tập các ý tưởng, qua việc hiểu bản thân và thế giới xung quanh tốt hơn, qua việc cố gắng cứu vớt sự hoàn hảo và bằng cả những sáng tạo tồi tệ của mình, bạn sẽ dần cảm thấy tự tin hơn. Sự tự tin là sản phẩm của trải nghiệm. Chúng ta thường nghĩ rằng phải tự tin thì mới có thể bắt đầu làm những điều tuyệt vời. Thực tế thì ngược lại. Sự tự tin được xây dựng bằng cách làm những điều tuyệt vời. Tạo ra những dự án sáng tạo là một ví dụ hiệu quả.
7. Bạn sẽ có niềm vui.
Coi kìa, điều này thật tuyệt. Bạn sẽ được vui vẻ! Quá trình sáng tạo, bất chấp sự cản trở mà chúng gây ra, sẽ mang lại ánh sáng tươi mới và niềm vui thích cho cuộc sống của chúng ta như là một trang trắng mang những tiềm năng vô tận. Ai biết được nó có thể biến thành thứ gì? Khi bạn đang sáng tạo, bạn bị thách thức, bối rối, bạn được đưa cho những cơ hội và cởi mở đón nhận những trải nghiệm mới. Điều này thật tuyệt làm sao.
8. Bạn sẽ trở nên thú vị hơn.
Những người có đam mê đều là những người thú vị. Hãy đọc lại ý số 1 và số 2. Một dự án hay một thói quen sáng tạo sẽ làm cho bạn quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống, thiên nhiên và những người khác hơn. Bạn sẽ đặt câu hỏi, bạn sẽ nhìn thật kỹ và lắng nghe một cách cẩn thận. Bạn sẽ có cho mình một bộ sưu tập vô cùng sáng tạo (số 4) và trở nên tự tin hơn (số 6). Tất cả những điều đó khiến bạn thú vị hơn. Khi bạn cho phép bản thân rong chơi và khám phá, bạn cũng sẽ cho phép người khác làm như vậy. Và mọi người thích điều đó. Những người sáng tạo cùng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau.
9. Bạn sẽ có thể nhận ra sự đa dạng.
Khi bạn tạo ra một cái gì đó mỗi ngày, sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra một vài sự thật: Luôn luôn có nhiều nơi mà một thứ có thể đến từ đó. Nói cách khác, sự sáng tạo của bạn không thể cạn kiệt được. Nó có thể tạm thời bị tắc nghẽn hay bị chặn lại, nhưng không bao giờ biến mất. Nếu cứ tiếp tục sáng tạo, bạn sẽ nhận ra rằng khi bạn nghĩ mình đã cạn kiệt ý tưởng thì một ý tưởng mới lại đột ngột xuất hiện. Ngay khi bạn nghĩ rằng mình đã hoàn thành, một cái nhìn sâu sắc mới sẽ lại khiến bạn ngạc nhiên, có thể là trong khi đang đi bộ hay đang tắm. Khi tôi viết ra 10 ý tưởng, tôi thường bị mắc kẹt sau ý thứ sáu. Và sau đó, thật kỳ diệu, một ý tưởng mới mẻ lại đột nhiên xuất hiện khiến tôi phải giật mình. (Kế hoạch thứ 10 thường là tốt nhất.) Tại sao điều này lại quan trọng? Khi bạn thấy sự phong phú trong khả năng sáng tạo của mình, bạn cũng sẽ bắt đầu thấy cuộc sống này phong phú hơn. Bạn sẽ nhận ra rằng mình luôn có đủ khả năng để giải quyết vấn đề và nắm được mọi thứ trong tầm tay. Bạn sẽ thấy rằng khi bạn làm những gì mình có thể, mọi việc sẽ tiếp tục được hanh thông. Bạn nhận ra rằng có đủ những câu chuyện thành công và cơ hội cho tất cả mọi người. Bạn sẽ cảm nhận cuộc sống này thật nhiệm màu và vô tận.
10. Bạn sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn dù chỉ một chút.
Lại tiếp tục là Liz Gilbert, và cô ấy nói: "Nếu tôi không chủ động tạo ra thứ gì đó, tôi chắc chắn đang phá hủy một thứ gì đó - đó là bản thân tôi, một mối quan hệ, hay sự bình yên trong tâm hồn của tôi." Đúng vậy! Tôi không muốn nói về sự tê liệt, nỗi ám ảnh và hủy diệt. Tôi chỉ muốn nói rằng khi bạn đang sáng tạo, bạn đang mang lại những điều tốt nhất cho bản thân cũng như khuyến khích người khác làm như vậy. Và điều đó cuối cùng sẽ làm cho thế giới này tốt đẹp hơn một chút, hạnh phúc hơn và ít cô đơn hơn.
Hy vọng rằng câu trả lời của tôi sẽ truyền cảm hứng cho bạn để sáng tạo ra một thứ gì đó ngay hôm nay.