Sự ra đời của trái phiếu thị trường mới nổi
Trước hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, trái phiếu thị trường mới nổi được phát hành bởi các nước đang phát triển chủ yếu sử dụng đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm 80, Bộ trưởng bộ Tài chính Mỹ Nicholas Brady khởi tạo một chương trình nhằm giúp các nền kinh tế trên toàn cầu tái cơ cấu nợ của mình bằng cách phát hành trái phiếu. Nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latinh đã phát hành các trái phiếu Brady trong cuối những năm 80 và đầu những năm 90, đánh dấu xu hướng đi lên của trái phiếu thị trường mới nổi.
Khi thị trường cho trái phiếu thị trường mới nổi bắt đầu phát triển và đồng thời các thị trường nước ngoài bắt đầu bão hòa, các nước đang phát triển bắt đầu tăng cường phát hành trái phiếu thường xuyên hơn, sử dụng cả mệnh giá là đồng đô la Mỹ lẫn nội tệ của họ. Những trái phiếu này hiện nay được biết đến rộng rãi với tên gọi "trái phiếu thị trường mới nổi tại địa phương". Ngoài các trái phiếu này, các công ty cổ phần nước ngoài bắt đầu bán nợ, dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường tín dụng doanh nghiệp toàn cầu.
Các chính sách vĩ mô tinh vi giúp tạo đà phát triển
Sự mở rộng của trái phiếu thị trường mới nổi cũng song hành với mức độ tinh vi ngày càng tăng của chính sách kinh tế vĩ mô mà các nước đang phát triển này sử dụng, chẳng hạn như việc thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ gắn kết, giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định lâu dài của các nước này. Từ đó, đầu tư đổ vào các nền kinh tế đang phát triển này ngày một tăng, dẫn đến việc trái phiếu thị trường mới nổi trở thành một loại tài sản thu nhập cố định chính trong đầu tư.
Loại trái phiếu này được phát hành bởi các quốc gia đang phát triển và các công ty có trụ sở tại các nước đó, chẳng hạn như châu Á, châu Mỹ La tinh, Đông Âu, châu Phi và Trung Đông. Bên cạnh trái phiếu Brady và trái phiếu thị trường địa phương, còn có các công cụ thu nhập cố định khác như trái phiếu eurobond và trái phiếu Yankee. Trái phiếu thị trường mới nổi cũng được cung cấp trong một loạt các công cụ phái sinh cũng như trái phiếu có thời gian đáo hạn bình quân (duration) ngắn và dài.
Các rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi
Những rủi ro của trái phiếu thị trường mới nổi bao gồm những rủi ro thường thấy ở một công cụ nợ, chẳng hạn như sự bất ổn trong tình hình tài chính và kinh tế của nước phát hành cũng như khả năng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của các nước này. Tuy nhiên, những rủi ro này sẽ càng tăng cao do những biến động chính trị và kinh tế tiềm tàng thường thấy ở các quốc gia đang phát triển. Dù nhìn chung các nước mới nổi đã có những thành tựu đáng kể trong việc hạn chế rủi ro quốc gia, nhưng không thể phủ nhận rằng sự bất ổn về kinh tế xã hội ở các nước này lớn hơn rất nhiều so với các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ. Khi đánh giá các rủi ro của từng quốc gia mới nổi, nhà phân tích đầu tư thường tìm hiểu rủi ro chủ quyền của quốc gia đó.
Thị trường mới nổi cũng những rủi ro vượt ra ngoài biên giới nước đó, bao gồm biến động tỷ giá và phá giá đồng tiền. Nếu một trái phiếu được phát hành bằng đồng bản tệ (tức đồng tiền của nước phát hành) tỷ giá của đồng đô la so với đồng tiền đó có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến lợi tức của bạn. Khi đồng bản tệ mạnh lên so với đồng đô la, lợi tức của bạn sẽ tăng và ngược lại. Tuy nhiên, nếu không muốn chịu rủi ro tiền tệ thì bạn chỉ nên đầu tư vào trái phiếu có mệnh giá sử dụng đồng đô la.
Theo dõi các thị trường mới nổi
Có rất nhiều chỉ số theo dõi lợi suất của trái phiếu thị trường mới nổi, nổi bật nhất là chỉ số JP Morgan Emerging Market Bond Index Global (EMBI Global) và JP Morgan Corporate Emerging Markets Bond Index (CEMBI). Chỉ số EMBI Global tính giá trái phiếu phát hành từ hơn 25 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Brazil và Ba Lan còn CEMBI tính toán giá 80 trái phiếu từ hơn 50 công ty trong 15 tập đoàn ở 15 quốc gia .
Rủi ro vỡ nợ của thị trường mởi nổi được đánh giá bởi các cơ quan xếp hạng tín dụng. Standard & Poor's và Moody là hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất. Các nước được xếp hạng 'BBB' (hoặc 'Baa3’) hoặc cao hơn thường được xếp vào mức đầu tư (investment grade), tức là có thể kỳ vọng họ sẽ hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình. Tuy nhiên, các mức xếp hạng thấp hơn được xếp vào mức đầu cơ, cho thấy độ rủi ro tương đối cao và các quốc gia này có thể không đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ.
Một công cụ đầu tư có thể bảo vệ trái chủ khỏi nguy cơ vỡ nợ của các nước đang phát triển là hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). CDS giúp bảo vệ nhà đầu tư bằng việc bảo đảm giá trị nợ gốc để đổi lấy các chứng khoán cơ bản (underlying securities), hoặc giá trị tương đương của chúng bằng tiền mặt trong trường hợp các quốc gia hoặc tập đoàn nàykhông thể trả nợ.
Tuy nhiên, dù hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng có thể bảo vệ nhà đầu tư khỏi các rủi ro tiềm ẩn nhưng chính sự lớn mạnh đột biến của thị trường CDS đối với một quốc gia đang phát triển nhất định lại minh chứng cho sự quan ngại ngày càng tăng về khả năng trả nợ của tập đoàn nằm trong quốc gia đó. Vì vậy, cả xếp hạng tín nhiệm thấp và hiện tượng điểm cơ bản tăng trong các giao dịch hoán đổi rủi ro tín dụng của một quốc gia được coi là tín hiệu cảnh báo về rủi ro của quốc gia đó.
Tại sao nên đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi?
Mặc dù có không ít rủi ro nhưng trái phiếu thị trường mới nổi cũng đem lại những lợi ích nhất định. Quan trọng nhất có lẽ là tính đa dạng cho danh mục đầu tư bởi lợi suất của chúng không có tương quan cao với các loại tài sản truyền thống. Ngoài ra, những ai muốn bù đắp cho rủi ro tiền tệ tiềm ẩn trong phần còn lại của danh mục đầu tư của mình có thể lựa chọn đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi dùng đồng bản tệ như một công cụ phòng vệ loại rủi ro này.
Các nhà đầu tư thường theo dõi lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ so với trái phiếu thị trường mới nổi và tìm kiếm mức chênh lệch lợi tức lớn mà các trái phiếu thị trường mới nổi có thể cung cấp. Mức chênh lệch lợi tức càng lớn (tức là lợi tức của trái phiếu thị trường mới nổi cao hơn so với trái phiếu kho bạc Mỹ) thì trái phiếu thị trường mới nổi càng trở nên hấp dẫn hơn và các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro vốn có của trái phiếu thị trường mới nổi.
Một yếu tố giúp làm tăng lợi tức của trái phiếu thị trường mới nổi là triển vọng tăng trưởng của quốc gia phát hành. Vì lý do này, lợi tức của trái phiếu thị trường mới nổi luôn cao hơn so với trái phiếu kho bạc Mỹ.
Làm thế nào để đầu tư vào thị trường mới nổi
Nếu đã quyết định rằng lợi nhuận tiềm năng có thể bù đắp rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi thì bạn có rất nhiều lựa chọn, dù cho đi kèm với những hạn chế nhất định. Khi đầu tư vào thị trường mới nổi, thường thì nhà đầu tư cá nhân không thể đầu tư trực tiếp vào trái phiếu mới nổi hoặc trái phiếu do công ty nước ngoài đặt trụ sở tại nước đó phát hành. Tuy nhiên, hầu hết các công ty quỹ tương hỗ ở Mỹ có một loạt các quỹ thu nhập cố định đầu tư vào thị trường mới nổi để giúp bạn làm điều này.
Các quỹ này đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi các nước đang phát triển bằng đô la Mỹ và/hoặc đồng bản tệ. Một số quỹ khác đầu tư hỗn hợp trái phiếu của nhiều thị trường mới nổi trên thế giới trong khi một số quỹ sẽ chỉ tập trung vào các khu vực nhất định, chẳng hạn như châu Á, Đông Âu hoặc châu Mỹ La tinh. Ngoài ra, một số quỹ chỉ tập trung vào trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp, còn một số quỹ khác lại đầu tư vào cả hai.
Kết luận
Thị trường mới nổi đã giành được chỗ đứng của mình trong giới đầu tư thu nhập cố định trên thế giới. Các cơ hội đầu tư sẽ càng mở rộng khi các nước đang phát triển tiếp tục tăng trưởng. Mặc dù có những rủi ro trong việc đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển, nhưng với những ai biết mày mò nghiên cứu về loại thị trường này, họ vẫn sẽ nhận được những phần thưởng đầu tư xứng đáng.)