Giày Thời Thượng Cho Phái Mạnh: Cách Lựa Chọn và Bảo Quản Giày "Tây" (Bài 2)

Oanh Nguyễn
19/04/2016 - 12:50 12496     0

Người ta thường gắn liền thời trang giày với phái nữ qua những đôi giày cao gót, nhưng với một người đàn ông đích thực thì đôi giày cũng là một vật phẩm quan trọng góp phần tạo nên phong cách của họ. Một đôi giày dành cho phái mạnh cần có hai yếu tố quan trọng, một là nó phải có chức năng tốt, hai là phải thật đẹp. Nối tiếp sau chuỗi bài về “Kim cương”, chuỗi bài “Tổng hợp về đôi giày thời thượng dành cho phái mạnh” sẽ giúp bạn trang bị được nhiều kiến thức về giày, từ nguồn gốc đến cách chăm sóc một đôi giày, cách phối đồ lịch sự và hợp gu thời trang. Tất cả sẽ được Saga cung cấp cho bạn qua chuỗi bài viết này. Mời bạn đón đọc!

Bài viết tiếp theo Saga sẽ giới thiệu với các bạn cách lựa chọn giày theo kích cỡ và kiểu dáng, đồng thời chỉ ra cho các bạn cách bảo quản giày thích hợp.

Giày Thời Thượng Cho Phái Mạnh: Lịch Sử Giày "Tây" Sơ Lược (Bài 1)

Giày Thời Thượng Cho Phái Mạnh: Các Nhãn Hiệu Giày "Tây" Nổi Tiếng Và Cách Phối Đồ Hoàn Hảo (Bài 3)

 Cách lựa chọn giày phù hợp

Một đôi giày hoàn hảo là món đồ vô cùng cần thiết cho tủ quần áo của bất kì quý ông nào. Cho dù bạn là một tín đồ giày dép hay chỉ muốn có một đôi giày phù hợp, Saga sẽ chỉ ra cho bạn những điều cơ bản nhất và bạn sẽ thấy rằng việc lựa chọn một đôi giày hoàn hảo không khó như bạn vẫn nghĩ.

Ảnh: Chọn giày phù hợp

Quy chuẩn về cỡ giày (Size)

Biết chính xác cỡ giày của mình sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian tại cửa hàng, đồng thời giúp bạn tránh mua phải một đôi giày không phù hợp và phải trả lại chúng. Chỉ cần làm theo các bước dưới đây, bạn sẽ tìm ra được kích thước giày của bản thân.

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ cần thiết

Tất cả những gì bạn cần để đo cỡ giày của mình tại nhà bao gồm:

1. Một tờ giấy lớn hơn bàn chân bạn.

2. Một cây bút

3. Một sợi dây

4. Một thước kẻ hay dây đo.

  • Dán tờ giấy lên sàn.
  • Bạn sẽ vẽ một đường viền quanh chân nên hãy tránh việc dán giấy trên thảm hay những bề mặt khó vẽ.

Bước 2: Kẻ đường viền quanh chân

  • Để chân thật vững trên sàn sao cho chân hơi đưa về phía trước, ống chân thẳng với mắt cá chân.
  • Vẽ đường viền quanh chân và hãy nhớ đừng đi giày khi vẽ, nhưng bạn có thể đi tất vì việc này tương tự như khi bạn thử với đôi giày đang mua.
  • Giữ bút chì hoặc bút thẳng đứng và vuông góc với tờ giấy. Đừng chỉ cầm một góc bút. Hãy chắc chắn rằng đường bút chì vừa khít với bàn chân của bạn khi bạn vẽ xung quanh nó.
  • Nếu bạn tìm được ai đó giúp mình kẻ đường viền này thì càng tốt, nhưng bạn thấy đấy, chúng ta vẫn có thể tự mình làm việc này.

Bước 3: Đánh dấu các chiều dài và chiều rộng chiếc giày của bạn

  • Sử dụng bút chì để vẽ các đường thẳng đi qua vào các điểm ngoài cùng ở trên, dưới, và cả hai bên của đường viền. Chú ý kẻ chúng vuông góc với nhau

Bước 4: Đo chiều dài của chân của bạn

  • Sử dụng thước hoặc dây đo để đo chiều dài từ dòng dưới cùng đến dòng trên cùng mà bạn đã vẽ ở bước thứ ba.
  • Hãy giữ thước thẳng, và tìm thấy những con số gần đúng nhất có thể (đối với độ dài đo bằng inch, sử dụng điểm thứ 16 gần nhất - 1 inch chia ra làm 16 phần) - không làm tròn lên hoặc xuống.
  • Viết số này ra.

Bước 5: Tìm cỡ giày của mình

  • Lặp lại các bước trên cho chân còn lại của bạn, nếu có sai số giữa hai bàn chân, chọn số chân lớn hơn.
  • Sau khi đo xong, hãy làm tròn số xuống khoảng 0,5cm, do đường vẽ bằng bút chì luôn lớn hơn bàn chân thực tế. Những con số cuối cùng là số đo chân của bạn, bạn có thể chuyển đổi chúng sang các kích thước thích hợp khác.
  • Bảng chuyển đổi kích cỡ giày sẽ giúp bạn trong việc xác định kích cỡ giày của mình.

Bước 6: Tìm chiều rộng giày

  • Điều quan trọng ở đây là kích cỡ (size) giày vẫn chưa đủ để giúp bạn mua được một đôi giày vừa với chân mình. Do những người có chiều dài chân giống nhau thường có chiều rộng chân khác nhau, vì thế bạn cũng cần phải cân nhắc tới hệ thống kích thước chiều rộng giày.
  • Bên cạnh đây là bảng quy đổi chiều rộng giày dựa theo chiều dài bàn chân (tính theo inch)

Chắc hẳn sau khi thực hiện sáu bước trên, bạn đã biết cỡ giày của mình rồi đúng không?

Các kiểu mũi giày

Việc lựa chọn một đôi giày phù hợp cũng cần dựa theo phong cách mũi giày. Khi bạn đã chọn được loại giày mình thích như Oxford hay Loafer, thì việc xem xét đến các kiểu mũi giày cũng là một điều “thú vị” không kém. Do sự khác biệt của ngón chân mỗi người, mũi giày thường chia ra làm sáu phong cách chính:

Plain Toe là kiểu giày không có bất kì thiết kế cầu kì nào ở mặt trước. Điều này có nghĩa là phần thân giày trước và phần mũi giày, đỉnh giày liền một khối, tạo cảm giác đơn giản và hiện đại. Kiểu dáng mũi giày này rất phổ biến với boots và một số thương hiệu giày Oxford.

Ảnh: Mũi giày Plain Toe

Medallion Toe là kiểu giày da có phần thân và mũi trơn gần giống với Plain Toe. Khác biệt duy nhất với  Plain Toe là phần mũi giày có chi tiết thêu hoặc đục lỗ. Loại mũi giày này vô cùng hiếm và thường không phù hợp lắm với phong cách công sở lịch sự chỉn chu.

Ảnh: Mũi giày Medallion Toe

Apron Toe (còn được gọi là Moc Toe) là loại giày với một mảnh da riêng biệt tạo ấn tượng là một "đường viền" (một đường may) giữa phần mũi giày kéo về phần thân giày. Nếu chọn không khéo, mũi giày Apron Toe sẽ biến đôi chân bạn trở nên cứng nhắc như hai chiếc hộp đang di động, nhưng khi chọn chính xác, bạn sẽ có bộ cánh rất thời trang. Vì vậy Apron Toe phổ biến với loại giày da Loafer hơn Oxford hay Boots.

Ảnh: Mũi giày Apron

Cap Toe là loại giày phá cách nhất và phù hợp với tên gọi của nó - có phần mũi khác tông màu, họa tiết trang trí hay chất liệu so với thân giày. Đây là loại giày phổ biến trong cả kiểu giày Oxford và Boots. Cap Toe là một trong những đôi giày có phong cách vượt thời gian, bạn có thể diện chúng bất cứ khi nào và hầu như không bao giờ sợ lỗi mốt.

Ảnh: Mũi giày Cap Toe

Wing Tip là kiểu mũi giày được thấy rất thường xuyên trong Boots cao bồi và một số kiểu giày Oxford. Về cơ bản Wing Tip là sự kết hợp của Cap Toe và Apron Toe, tạo ra một hình "cánh" kéo dài xung quanh các cạnh của bàn chân. Wing Tip là một lựa chọn cá tính nhưng nó không thật phù hợp với những sự kiện rất trang trọng.

Ảnh: Mũi giày Wing Tip

Bicycle Toe chủ yếu có kết cấu giống với giày Apron Toe nhưng khác biệt ở chỗ thay vì có da bọc hoàn toàn xung quanh giày, nó chỉ kéo dài ở hai bên, cho phép phần trên của giày kéo dài đến tận phía trước mũi giày.

Ảnh: Mũi giày Bicycle

Dáng giày cơ bản

Giày trang trọng của nam giới có nhiều dáng khác nhau và mỗi loại lại có vị thế riêng của mình. Kiểu dáng và màu sắc mà mỗi người lựa chọn sẽ tùy theo phong cách của họ. Dưới đây là các dáng giày nam mang tính trang trọng và phổ biến nhất.

Oxford

Oxford là kiểu giày da với mu bàn chân tương đối thấp, buộc dây mui khép kín (Closed lacing) và đế giày không làm bằng mủ cao su. Oxford hiện đại có thể được làm từ da lộn hoặc vật liệu tổng hợp.

Ảnh: Một đôi giày Oxford

Đặc trưng của giày Oxford là đường khâu trên thân giày trước, hoặc "buộc dây mui khép kín" (Closed lacing). Oxford là một trong những phong cách phổ biến nhất do sức hấp dẫn của thiết nhỏ gọn và khả năng phù hợp với mọi loại trang phục.

Derby

Ảnh: Giày Derby

Nhìn chung thiết kế giày Derby và Oxford khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu một đôi giày Oxford có đặc trưng là hệ thống buộc dây mui khép kín (Closed lacing), thì giày Derby lại là hệ thống buộc dây mui "mở” (Open Lacing). Đối với những người có một mu bàn chân cao, hệ thống viền kín của Oxford sẽ khiến chân bị bó hẹp gây cảm giác khó chịu. Do được thiết kế kiểu buộc dây mui mở (không có đường may trên thân giày trước), giày Derby thường có phần mu bàn chân rộng hơn (tất nhiên điều này có thể điều chỉnh được qua việc xỏ dây).

Ảnh: Sự khác biệt giữa giày Derby (open) và giày Oxford (closed)

Loafers

Giày Loafer chính xác là một kiểu giày lười không cần dây và bạn có thể xỏ vào một cách dễ dàng. Chúng đã thay đổi màu sắc, vật liệu, chiều cao và trọng lượng trong nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ mất đi sự nổi tiếng của mình. Bây giờ bạn có thể mua một đôi giày đính thạch anh hoặc sequins, làm bằng da lộn hoặc da rắn, tất cả đều tùy thuộc vào sở thích của bạn.

Ảnh: Một đôi giày Loafer

Dress Boots (Boots nam phong cách lịch lãm)

Dress Boots là kiểu giày mỏng, cao đến mắt cá chân với đế giày khá thấp ôm sát lấy chân. Dress Boots luôn là sự kết hợp tuyệt vời khi phối hợp với cả quần áo trang trọng lẫn ngày thường. Hiện nay, khi việc mang giày đã trở nên quá quen thuộc, và các bộ cánh mang tính trang trọng được mặc thường xuyên hơn, thì đây chính là thời điểm để Dress Boots lên ngôi.

Ảnh: Một đôi Dress Boots.

Monk Strap

Đặc trưng cơ bản nhất của giày Monk Strap là việc không có dây giày. Cấu trúc giày tương tự với giày Derby, nhưng thay được đục lỗ buộc dây thì giày Monk Strap sử dụng khóa kéo hoặc dây đeo. Có vô số biến thể của giày Monk Strap như dây đeo đơn hoặc kép (hoặc thậm chí gấp ba lần), da lộn hoặc da thuộc, đi với tất hoặc không, trang phục trang trọng hay bình thường, v.v 

Ảnh: Giày Monk Strap

Giá

Có quá nhiều loại giày khác nhau, vậy thì bạn nên chi trả bao nhiêu cho một đôi giày?

Với giày, bạn sẽ nhận được đúng với những gì bạn bỏ ra. Số tiền ít nhất bạn nên dùng vào khoảng 200-300 USD (khoảng 4,5-6,5 triệu VND).

Giá của đôi giày nam trang trọng thay đổi rất lớn từ phong cách này đến phong cách khác, và thương hiệu này đến thương hiệu khác. Có một số quy tắc chung mà bạn nên lưu ý đến khi nói đến giá cả, đó là bạn vẫn có khả năng mua được một đôi giày bền đẹp với giá dưới £100 (khoảng 2,5 triệu VND), và một đôi “rởm” với giá £300 (khoảng 7,5 triệu VND).

Thay vì mất 100 USD mỗi năm cho một đôi giày rẻ tiền, xấu xí và dán đế vừa không đẹp vừa nhanh hỏng, hãy chi 200-300 USD cho một đôi giày tốt, chăm sóc chúng kĩ càng, và dùng chúng trong nhiều năm.

 

Cách bảo quản giày

Giày da sẽ yêu cầu các công cụ thích hợp để duy trì vẻ ngoài mà không làm hỏng giày, trong khi đó, nếu chăm sóc cho giày vải, bạn sẽ chỉ cần một chất tẩy rửa đơn giản và một miếng giẻ là xong.

Cách bảo quản theo từng loại giày

Tất nhiên, loại giày khác nhau sẽ đòi hỏi các phương pháp chăm sóc khác nhau. Giày da, da láng/da sơn mài bóng, và da lộn có chế độ chăm sóc tương tự nhau, tuy có một vài khác biệt nhỏ. Hãy xem sự khác nhau giữa cách bảo quản giày da và da lộn như thế nào.

Giày da và da láng

Ảnh: Giày da láng (trái) và giày da (phải).

Đối với giày da, để duy trì tình trạng da luôn tốt, cần có một chế độ làm sạch khá tỉ mỉ. Nếu được chăm sóc kĩ lưỡng và đúng cách, giày da sẽ có tuổi thọ khá lâu và thậm chí có thể dùng trong nhiều năm.

Dụng cụ

Công dụng

Cọ da

Được sử dụng để quét bụi và mảnh vụn từ giày da. Đây là bước đầu tiên trong việc chăm sóc định kỳ cho giày.

Sản phẩm làm sạch da

Xà phòng dùng cho da thuộc (Saddle soap - một hợp chất gồm xà phòng và một số chất làm mềm da) hay sản phẩm làm sạch da chuyên dụng có thể được dung để làm sạch một đôi giày da. Nên cho chúng lên một miếng vải ẩm rồi mới sử dụng để lau giày. Hãy để cho đôi giày của bạn khô thoáng trên cây giày trước khi đánh bóng hoặc dưỡng ẩm cho da.

Cây giày làm từ gỗ tuyết tùng

Gỗ tuyết tùng giúp hút độ ẩm thừa và mùi hôi từ da sau khi giày được sử dụng. Hãy đặt nó vào bên trong đôi giày ngay khi bạn cởi bỏ, cây giày sẽ giúp giữ dáng giày cho bạn.

Đánh bóng

Xi đánh giày tốt sẽ giúp da của bạn giữ được độ ẩm ổn định. Đánh xi sẽ khóa ẩm và giúp cho đôi giày nhanh khô hơn. Tuy nhiên, xi đánh giày dạng sáp sẽ tốt hơn dạng kem.

Dầu dưỡng

Sản phẩm dưỡng da giày sẽ giúp giữ cho da luôn mềm và ngăn da khỏi bị khô. Hãy sử dụng chúng khi cần thiết..

Giày da nên được đánh bóng sau mỗi lần sử dụng và sau đó cất chúng lên giá giày. Khi đánh bóng giày, dây giày nên được gỡ bỏ, lau đi bất kỳ bụi bẩn nào có trên giày. Sau khi bụi bẩn đã bị gạt đi, giày nên được lau sạch, và để khô trên giá giày, rồi mới đánh bóng và để khô lần nữa.

Giày da lộn

Ngay sau khi giày da lộn đã được được mua về, chúng cần được xịt nước chống thấm thiết kế riêng cho giày da lộn. Lặp lại bước này khi cần thiết. Mua một bàn chải da lộn và thường xuyên chải bụi và các mảnh vụn từ giày. Hãy gạt bỏ bụi khỏi đôi giày da lộn ngay sau khi đi nó. Nếu những đôi giày bị ẩm ướt, hãy giảm độ ẩm bằng một chiếc khăn. Đặt chúng dưới ánh nắng hoặc sấy khô chúng với nhiệt có thể khiến da đổi màu. Đối với các vết bẩn của dầu, sử dụng bột talcum và để nguyên chúng trong vòng nhiều giờ đồng hồ. Sau đó, chải bột ra khỏi giày bằng bàn chải da lộn. Chất tẩy rửa sử dụng dung môi được thiết kế cho giày da lộn cũng có thể được sử dụng để loại bỏ vết bẩn. Nếu vết bẩn nghiêm trọng, có lẽ bạn sẽ cần phải đưa chúng đến một chuyên gia để giảm nguy cơ làm hư hại những đôi giày này.

Ảnh: Giày da lộn 

Cách bảo quản chung

Giày dép đảm nhận trách nhiệm khó khăn nhất trong bất kì trang phục nào. Chúng là trung gian giữa trọng lượng của bạn và mặt đất. Bằng cách bảo quản thật tốt, bạn có thể khiến đôi giày của mình trông luôn như mới và kéo dài tuổi thọ của chúng. Dưới đây là một số lời khuyên về cách bảo quản giày

1. Sắp xếp tủ quần áo của bạn sao cho có một nơi dành riêng cho giày, dù đó là một cái giá giày hay chỉ là một nơi trên sàn nhà.

Ảnh: Giá để giày

  • Đừng chồng chất những đôi giày lên nhau, vì chúng có thể để lại bụi bẩn hay dấu vết trên giày.
  • Dành chỗ đặc biệt cho đôi giày đặc biệt. Nếu bạn có một đôi giày trang trọng tốt và bạn chỉ mặc với bộ đồ nhất định của bạn, cất chúng trong một hộp hoặc túi để tránh bị bụi bẩn.

2. Làm sạch hoặc đánh bóng đôi giày của bạn thường xuyên. Bạn có thể có được các vật dụng cần thiết để tự làm sạch giày của mình hoặc đem ra tiệm bảo họ làm sạch giày cho bạn.

3. Đừng đi giày khi không cần thiết. Hãy mang dép khi đi trong nhà và đổi sang dùng dép ngay khi bạn có thể. Việc này sẽ giúp cho đôi giày của bạn không bị mòn và sử dụng được lâu hơn.

4. Sử dụng sản phẩm chống nước. Nếu bạn phải ra ngoài khi có tuyết hay trời mưa, hãy dùng sản phẩm chống nước phù hợp theo định kì. Một cửa hàng giày tốt có thể giới thiệu cho bạn những sản phẩm có chất lượng.

Ảnh: Sản phẩm chống nước cho giày

5. Dán đế cao su vào giày. Một thợ sửa giày có thể làm điều này với giá khoảng từ 40 nghìn VND, và việc thêm vào này sẽ làm tăng thêm tuổi thọ cho đôi giày của bạn.

6. Làm sạch bên trong. Điều nay cực kì quan trọng bởi mùi hôi chính là vấn đề. Hãy lau chúng với cồn hoặc vài giọt tinh dầu trà hay chất chống mốc. Phải thật cẩn thận để tránh làm hỏng lớp da giày.

Dùng xi đánh giày. Muối trong mồ hôi khiến da giày bị khô đi, vì thế, xi đánh giày sẽ giữ độ ẩm cho da.

Ảnh: Xi đánh giày

Giày không được bảo quản đúng cách có thể mất nhiều thời gian để phục hồi và cần đến sự hỗ trợ của một thợ sửa giày. Tuy nhiên, người sử dụng vẫn tránh được việc luôn phải sửa chữa đôi giày của mình bằng cách làm theo một số bước đơn giản trên để giữ giày trong tình trạng tốt.

Chắc hẳn sau khi đọc xong bài viết này của Saga, bạn sẽ dễ dàng chọn được cho bản thân một đôi giày vừa ý và biết bảo quản chúng đúng cách.

Mời các bạn theo dõi các bài còn lại trong chuỗi bài Giày Thời Thượng Cho Phái Mạnh:

Bài 1: Giày Thời Thượng Cho Phái Mạnh: Lịch Sử Giày "Tây" Sơ Lược (Bài 1)

Bài 3: Giày Thời Thượng Cho Phái Mạnh: Các Nhãn Hiệu Giày "Tây" Nổi Tiếng Và Cách Phối Đồ Hoàn Hảo (Bài 3)

Nguồn : Theo Saga.vn
Oanh Nguyễn

Saga App

Saga App