Đối Mặt Với 10 Kiểu Tính Cách Và Thói Quen Độc Hại Tại Nơi Làm Việc

Trâm Lê
06/07/2015 - 21:00 17187     0

Trong thế giới tưởng tượng, bạn làm việc ở một nơi nguy nga tựa thiên đường, làm công việc mơ ước là giám đốc tài chính, giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư, hay thành viên một quỹ góp vốn tư nhân. Trên thực tế, nơi làm việc của bạn là nơi mà mọi người có thể tỏ ra khó chịu, khác thường và hết sức hung dữ - và bạn vẫn phải đối phó với họ một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp. Nếu điều này nghe giống như hoàn cảnh bạn đang phải đối mặt - và bỏ việc không phải là lựa chọn của bạn - chúng tôi sẽ giúp bạn vượt qua 10 rắc rối phổ biến với đồng nghiệp để mang ánh sáng nơi thiên đường về với thực tại.

Trong thế giới tưởng tượng, bạn làm việc ở một nơi nguy nga tựa thiên đường, làm công việc mơ ước là giám đốc tài chính, giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư, hay thành viên một quỹ góp vốn tư nhân. Thánh Peter (đại diện cho bộ phận nhân lực) cho phép bạn đi qua cánh cổng dễ dàng trong quá trình phỏng vấn. Bạn liên tục được nếm nho tươi và quả mọng khi ngồi trên chiếc ghế xích đu vàng ngẫm nghĩ về việc có nên thực thi các dự án triệu đô hay không.

Trên thực tế, nơi làm việc của bạn là nơi mà mọi người có thể tỏ ra khó chịu, khác thường và hết sức hung dữ - và bạn vẫn phải đối phó với họ một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp. Nếu điều này nghe giống như hoàn cảnh bạn đang phải đối mặt - và bỏ việc không phải là lựa chọn của bạn - chúng tôi sẽ giúp bạn vượt qua 10 rắc rối phổ biến với đồng nghiệp để mang ánh sáng nơi thiên đường về với thực tại.

1. Sự kiêu ngạo

Kiêu ngạo là tác dụng phụ của sự tự hào và cái tôi ở mức độ bất hợp lý. Trong các lĩnh vực kỹ thuật như tài chính, kế toán, điều bắt buộc đối với các chuyên gia là họ phải liên tục học hỏi những điều mới và nâng cao kiến ​​thức. Các chuyên gia tài chính cũng cần hòa thuận với rất nhiều người trong công ty vì họ phải thu thập dữ liệu và báo cáo từ đa dạng các nhóm trong công ty.

Dấu hiệu cảnh báo của sự kiêu căng bao gồm:

  • Khuynh hướng lên mặt dạy dỗ, làm lãng phí thời gian của mọi người
  • Tìm kiếm các tiêu chí ngoài hiệu quả trong công việc làm tiêu chuẩn đánh giá đồng nghiệp (chẳng hạn như thời gian làm việc, quá trình học tập và uy tín của chức danh nghề nghiệp)
  • Có thói quen hạ thấp, hạ nhục người khác để nâng mình lên
  • Thẳng thừng coi thường cảm xúc của người khác, thể hiện sự thiếu trưởng thành và nghèo nàn về trí tuệ cảm xúc
  • Ngôn ngữ thô tục, thiển cận và thiếu tế nhị

Nếu bạn là người kiêu ngạo, điều này áp đặt một chướng ngại tinh thần và tâm lý vào tâm trí của bạn, ngăn cản bạn trong việc tiếp thu thêm nhiều dữ liệu mới. Trên tất cả, bạn đánh giá quá cao bản thân, vậy tại sao bạn cần phải cải thiện?

Làm thế nào để bạn biết rằng bạn có cái tôi quá lớn? Mức độ tự tin của bạn phải tỷ lệ thuận với sự chuẩn bị mà bạn đã bỏ ra.

Đối phó với những người kiêu ngạo thường rất cần sự kiên nhẫn và kiểm soát bản thân tốt. Hãy học cách xác định những người có đặc điểm này và tránh xa họ hết mức có thể. Điều này sẽ bảo vệ danh tiếng của bạn, trong khi đối mặt với những người ngạo mạn chỉ khiến bạn trở nên tồi tệ hơn.

2. Văn hóa hơn thua với đồng nghiệp

Khi mà trong văn hóa doanh nghiệp tồn tại sự cố gắng hơn thua, các nhân viên công ty thường sẽ không ngừng hạ bệ nhau. Chỉ cần bạn để lộ một vài điều về cuộc sống riêng tư của mình, nó có thể được sử dụng để chống lại bạn bằng những bình luận khiếm nhã. Nếu tham gia vào những cuộc nói xấu, bạn sẽ bị coi thường như những cô nàng đầu óc rỗng tuếch.

Trong bộ phận tài chính, bạn sẽ gặp rất nhiều người có trình độ, và chỉ riêng điều đó đã có thể tạo ra một bầu không khí cạnh tranh khắc nghiệt, đặc biệt nếu sự tin tưởng và làm việc nhóm chỉ ở mức thấp. Làm thế nào để bạn nhận biết được văn hóa không lành mạnh hiện hữu trong nhóm bạn? Thái độ khinh miệt, sự giả dối giữa các đồng nghiệp, thường xuyên đâm sau lưng nhau (chẳng hạn như chiếm thành quả của người khác) và hành động than vãn trong cuộc họp là dấu hiệu của một môi trường làm việc không ổn chút nào.

Mọi người thường thổi phồng thành tích, đánh bóng hồ sơ cá nhân của mình và giả bộ hoạt bát với nỗ lực miêu tả bản thân như là những "ngôi sao đang lên", nỗ lực không ngừng để vươn tới chức giám đốc tài chính. Với trường hợp này, bạn có hai lựa chọn: hoặc là hãy ra khỏi văn phòng đó, hoặc là cư xử một cách cao thượng - chỉ tập trung vào công việc. Bởi vì, như người ta thường nói, "Phấn đấu để trở nên tuyệt vời, nhưng phải nhớ luôn ứng xử tốt." Sau cùng thì, kết quả kinh doanh và hiệu suất mới là nguồn đáng tin thực sự.

3. Sự khó chịu và tức giận không cần thiết

Trong ngành tài chính luôn có nhu cầu trao đổi liên tục những thông tin tài chính và kế toán một cách chính xác, phù hợp, đúng thời điểm. Những cơn tức giận bất thình lình làm giảm thậm chí ngăn chặn sự lưu chuyển thông tin này. Ngoài ra, sự khó chịu còn là một rào cản đối với những người đang thực hiện công việc. Khi mọi người tức giận và nhìn nhau bằng ánh mắt khó chịu, các đồng nghiệp sẽ ngần ngại đặt câu hỏi quan trọng hoặc đưa ra yêu cầu làm rõ. Trong trường hợp này, chất lượng của báo cáo tài chính sẽ bị ảnh hưởng do dữ liệu không đầy đủ hoặc không chính xác.

Nếu ai đó làm điều gì xấu với bạn (ví dụ như hạ bệ bạn trong một cuộc họp, hay lan truyền tin đồn với nỗ lực phá vỡ sự nghiệp của bạn), hãy nói chuyện với họ trước tiên. Đừng trút giận lên những người đang cần thông tin từ bạn. 

Cuối cùng, trong một số môi trường tài chính, có một quan niệm ảo tưởng sai lầm rằng nếu bạn coi mình "cao thủ" thì những người khác sẽ coi bạn như một nhân vật quan trọng hoặc có năng lực cao. Tuy nhiên, nếu họ không thấy được kết quả gây ấn tượng, đáng tin cậy và lâu dài thì bạn sẽ bị đóng một dấu đỏ in đậm trên trán với dòng chữ "tên ngốc".

4. Sự giả tạo

Sự chân thực là một nền tảng quan trọng của nghệ thuật lãnh đạo hiệu quả. Mọi người muốn bạn sẽ nói những gì bạn nghĩ và thực hiện những gì bạn nói. Sẽ có rất nhiều người tài năng làm việc trong một tổ chức tài chính, nhưng một vài người trong số họ không hoàn toàn thực lòng.

Một bộ phận với mức độ tin tưởng thấp giống như một tòa án hoàng gia đầy những kẻ nịnh bợ âm mưu, chứ không phải là một môi trường chuyên nghiệp với các nhân viên tài chính kế toán mẫn cán. Trong thế giới thực, một vài người sẽ luôn có những kế hoạch bí mật và động cơ tiềm ẩn. Dù cho tình bạn tốt sẽ giúp môi trường làm việc nơi công sở trở nên thú vị hơn, nhưng những chuyên gia khôn ngoan sẽ phải sáng suốt trong việc lựa chọn bạn bè của mình. Như George Washington đã từng nói "Hãy nhã nhặn với tất cả, nhưng thân mật với số ít, và để cho số ít đó trải qua thử thách trước khi bạn trao lòng tin cho họ."

5. Sự chần chừ

Chần chừ là một triệu chứng của sự quá tự tin, thờ ơ hoặc thiếu tập trung. Những người thông minh với bản thành tích tốt ở trường và bề dày kinh nghiệm làm việc tin rằng họ có thể "luôn luôn phát huy" vào đúng thời điểm và giảm tốc độ công việc tùy lúc. Tuy nhiên, sự tự mãn lại làm giảm hiệu suất của cá nhân và cả nhóm của bạn.

Nếu bạn làm việc trong ngành tài chính, kế toán, mọi người sẽ phụ thuộc vào bạn để được cung cấp thông tin chính xác, hiệu quả nhằm giúp họ có thể xử lý công việc của mình. Một nút thắt cổ chai duy nhất cũng có nguy cơ ngưng dòng chảy công việc của cả một tổ chức. Những người trở nên thờ ơ với công việc, hay những người đang mất tập trung (ví dụ như khi việc riêng tư gây trở ngại đến khả năng thực hiện công việc) cũng hay rơi vào trạng thái do dự. Một số người trở nên chán nản với công việc, và sự trì hoãn trở thành con đường giúp họ tạm thoát việc phải cố gắng hoàn thành dự án trong khoảng thời gian hạn chế. Chất lượng công việc chính là nạn nhân đầu tiên, và công việc của những người chần chừ này nhanh chóng trở thành nạn nhân thứ hai.

6. Thói quen chi tiêu khác người

Hầu hết thời gian của những người làm trong ngành tài chính và kế toán là làm việc với các con số - những khoản tiền lớn đại diện cho tiền mặt, chứng khoán, hoặc các tài sản có tính thanh khoản trên bảng cân đối. Việc xử lý tiền cả ngày làm cho một số người trong ngành nghĩ rằng họ có rất nhiều tiền. Đa phần thời gian thức dậy người trong ngành này sử dụng cho quá trình tư duy bằng não trái (logic, số học, v.v) và những suy nghĩ lí trí, tuy nhiên họ ngừng suy nghĩ logic và thận trọng khi rời khỏi văn phòng. Vào ban đêm, họ trở thành những “ma sói” chi tiêu hoang phí, hò hét trên những chiếc xe hơi thể thao đắt tiền mà chắc chẳn vượt trên mức lương của họ, hay tệ hơn, trở thành những kẻ tự phụ với bản thân.

Bầu không khí cạnh tranh trong ngành tài chính thậm chí có thể vượt ra khỏi phạm vi công việc, các đồng nghiệp cạnh tranh nhau để có những chiếc xe thể thao mới nhất, những đồng hồ đắt tiền, những chuyến đi xa hoa và những căn hộ đẹp. Những người làm tài chính cũng muốn duy trì một "hình tượng thành công" nhất định dù cho mức lương của họ không thể đáp ứng đủ, điều này đôi khi còn được gọi là "uống rượu sâm panh với ngân sách dành cho bia".

Việc chi tiêu lãng phí của các chuyên gia tài chính chỉ khiến cho nơi làm việc nảy sinh nhiều cạnh tranh không cần thiết; những người có thu nhập cao giờ đã trở nên thiếu thốn, phải đấu tranh cho từng phần nhỏ trong quỹ tiền thưởng. Nếu bạn có thể kiềm chế cảm xúc như khi đi tư vấn cho khách hàng vào việc này, thái độ "sống là phải tận hưởngt” sẽ không còn nơi văn phòng, và các con số trong tài khoản ngân hàng của bạn sẽ chỉ tăng mà thôi

7. Sự phá hoại ngầm

Những kẻ phá hoại ngầm trong nhóm khiến sự cạnh tranh đạt đến mức độ bất thường. Có rất nhiều động cơ khác nhau nhằm phá hoại những nỗ lực của một nhóm hoặc bộ phận. Ví dụ, những kẻ phá hoại muốn thấy người khác thất bại để làm tăng vị thế của mình (và mức được đền bù) trong nhóm. Những người phá hoại ngầm làm vậy có thể cũng chỉ là để bảo vệ công việc của mình. Họ sẽ gây tổn hại đến các tài liệu và cơ sở dữ liệu để tạo thêm việc cho bản thân, giúp họ không bị sa thải. Hay họ có thể giữ một thái độ khinh thường bí mật với ông chủ, đồng nghiệp, hoặc công ty của họ, vì họ đã bị bỏ qua cơ hội thăng tiến, cơ hội nhận tiền thưởng hoặc chuyển sang một vị trí hấp dẫn hơn.

Dù với bất cứ lý do nào, những kẻ phá hoại ngầm thường là những cá nhân rất ích kỷ. Bạn không thể làm gì nhiều để bảo vệ bản thân khỏi những người này, ngoại trừ việc đặt công việc lên hàng đầu và cẩn thận với những người như thế. Các nhà quản lý giỏi thường nhận ra đặc tính ích kỉ này, và những kẻ phá hoại ngầm thường bị bỏ qua cơ hội thăng tiến bởi vì những đồng nghiệp khác đang dành sự tập trung vào việc làm thế nào để tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho công ty. Cuối cùng, những kẻ phá hoại chỉ làm tổn thương bản thân họ.

8. Sự ghen tỵ

Nền tảng của một sự nghiệp trọn vẹn và thỏa mãn là cơ hội được phát huy hết khả năng của bạn trong môi trường làm việc mà bạn yêu thích. Điều này thường thấy trong ngành mà bạn tâm huyết. Với ngành tài chính, kế toán, xu hướng thèm muốn vị trí của người khác xuất hiện đơn giản chỉ vì danh hiệu, tiền lương, hoặc trách nhiệm bổ sung. Thông thường, những người thèm khát vị trí của người khác chỉ có sự hiểu biết tối thiểu về trách nhiệm hoặc những kỹ năng cần thiết của vị trí đó. Họ chỉ nhìn vào lợi ích mà vị trí ấy mang lại, chẳng hạn như mức lương cao hơn.

Tuy nhiên, những người đã tìm được sự thỏa mãn trong công việc thường làm chủ sự nghiệp của họ, và họ là những đồng đội của bạn. Họ biết rằng không có riêng người nào có thể điều hành cả một phòng ban hay tổ chức. Những người thèm muốn công việc của người khác thường không vui vẻ, hài lòng trong công việc. Nếu bạn phải làm việc với một người hay ghen tỵ thì đừng băn khoăn. Có rất nhiều cách để khuyến khích các cá nhân này bằng cách dành tặng những lời khen về công việc hiện tại, trách nhiệm và vị trí của họ. Nếu bạn chính là người ghen tỵ thì hãy dành ra một khoảng thời gian ngẫm nghĩ về thực tế, để thấy rằng bạn đang gánh ít trách nhiệm hơn và vì thế có thể tự do tận hưởng ngày cuối tuần mà không phải mang sự căng thẳng của công việc về nhà.

9. Mức độ hòa nghi không lành mạnh 

Những chuyên gia tài chính và kế toán phải thể hiện "thái độ hoài nghi nghề nghiệp” ở mức độ vừa phải trong nghề của họ. Các con số mà họ giải quyết mỗi ngày có thể không chính xác, không đầy đủ hoặc không thích hợp. Xu hướng đặt câu hỏi cho mỗi dữ liệu có thể là một lợi ích với công việc của bạn, nhưng cũng có thể hình thành thói quen nghi ngờ mọi thứ một cách không cần thiết.

Sự hoài nghi ở mức độ không lành mạnh có thể dẫn đến việc những người khác cảm thấy chán nản trong quá trình làm việc cùng bạn, với tâm lý sợ rằng những cá nhân hay nghi ngờ sẽ nói điều tiêu cực. Những người khác sẽ dần lập một rào cản về tinh thần và tâm lý với những người hay chỉ trích, làm cản trở việc giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc.

10. Những thói quen gây hại cho sức khỏe 

Công việc của các chuyên gia tài chính bận rộn là quản lý thành công cả những công việc ngắn hạn và dài hạn. Với một lịch trình bận rộn, họ thường rất dễ có những thói quen không có lợi cho sức khỏe như không tập thể dục, thiếu ngủ và chế độ dinh dưỡng tồi. Những ưu tiên cấp bách khiến nhiều chuyên gia phải "thế chấp" sức khỏe tương lai của mình, và trở nên tự mãn về vấn đề này. Và một khi một người bắt đầu theo lối sống trượt dốc, những đồng nghiệp khác cũng có thể trượt theo.

Bất kỳ ai áp dụng lối sống không lành mạnh (cả trong công việc và trong thời gian rảnh rỗi) đều sẽ sớm thấy được tác hại của lựa chọn này. Một vài tác động đáng lưu ý là khiến sức khỏe suy yếu, thái độ trở nên tồi tệ và mất tập trung. Duy trì lịch trình tập thể dục tốt, chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng cho sự thành công lâu dài và một cuộc sống chất lượng.

Lời kết

Tin tốt đó là dù cho có nhiều đồng nghiệp ứng xử khác thường tại nơi làm việc hay, tệ hơn là bạn đã tìm được một vài người tồi tệ ở đó thì tất cả chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn. Vì vậy, bạn có thể thoát khỏi nơi làm việc đó, hoặc ở lại và trở thành lãnh đạo bằng cách nêu gương cho người khác. Lựa chọn thứ hai là lựa chọn tốt nhưng lại khó hơn. Từng bước nhỏ sẽ dẫn đến bước đi lớn tới môi trường làm việc lành mạnh hiệu quả. 

Nguồn : Theo Saga.vn
Trâm Lê