Điều Gì Là Khó Nhất Khi Làm Việc Trong Nền Kinh Tế Gig?

Thái Hòa
01/02/2018 - 07:00 6090     0

Với sự phát triển của nền kinh tế Gig (nền kinh tế tự do, trong đó các công việc tạm thời là phổ biến), mọi người đều cảm thấy mình đang tham gia vào nhiều công việc, thường là tự nguyện và thậm chí là rất hào hứng. Thực tế, lực lượng lao động thay thế hay lượng lao động ngẫu nhiên là nguồn đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng việc làm cho nền kinh tế Mỹ trong thập niên vừa qua và nhóm những người làm nhiều công việc cùng lúc là nhóm tăng trưởng nhanh nhất của lực lượng lao động này. Phản ánh xu hướng này, HBR (Harvard Business Review - tờ báo về quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard) đã cho đăng các bài viết như "Tại sao tôi khuyên các sinh viên MBA của mình hãy ngừng tìm kiếm một công việc và tham gia vào nền kinh tế tự do" hay "Tại sao bạn nên có (ít nhất) hai nghề nghiệp."

Mặc dù những người sở hữu nhiều công việc đang ngày càng đông hơn, nhưng rất nhiều trong số họ gặp phải những khó khăn. Chúng tôi đã nói chuyện với 48 người cùng lúc làm từ 2-6 công việc trong thời gian 5 năm để có thể hiểu sâu hơn tại sao họ lại làm nhiều việc đến vậy. Khi bắt đầu nghiên cứu, chúng tôi hy vọng phần lớn nguyên nhân là do họ phải xoay sở - làm thế nào mà họ đáp ứng được các nhu cầu của nhiều ông chủ khác nhau? Làm thế nào mà họ thực hiện được nhiều hơn một công việc, và vẫn không cảm thấy kiệt sức vào cuối tuần? Nhưng, những gì chúng tôi tìm thấy sau cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng áp lực từ việc phải xoay sở là có thật, nhưng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Nguyên nhân nổi bật nhất mà những người được hỏi phải đối mặt là làm sao họ cảm thấy chính mình khi phải tham gia nhiều vai trò như vậy. Bởi vì nghề nghiệp cũng là một yếu tố chủ chốt trong nhận dạng của một người, những người làm nhiều công việc có thể cảm thấy mình bị cản trở bởi các vấn đề về nhận dạng: "Tôi thực sự là ai", nếu tất cả các vai trò này đều là tôi?

Nghiên cứu của chúng tôi đã khám phá ra ba lời khuyên quan trọng cho những ai muốn đa dạng hóa nghề nghiệp, nhưng không muốn mất ý thức về bản thân trong khi làm như vậy:

Chọn lọc trong số phản hồi bạn nhận được, ít nhất là lúc đầu

Một trong những khó khăn cho những người làm nhiều việc là bạn bè và gia đình nhìn nhận họ như thế nào. Việc duy trì một công việc tại một thời điểm từ lâu đã là thứ gì đó rất quen thuộc, nên nhiều khi sẽ có những người không đánh giá cao, đôi khi thậm chí coi thường những người có nhiều công việc. Một số người được hỏi trong nghiên cứu cho biết họ bị coi là "kẻ nghiệp dư", "không muốn cam kết" hoặc có "thêm nghề nghiệp" khi họ bày tỏ sự quan tâm trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Phản hồi này có thể cực kỳ bất lợi cho sự tự tin của bạn mới bắt đầu chân ướt chân ráo theo đuổi một công việc mới. Theo đó, khi mới bắt đầu, bạn nên cân nhắc kỹ về việc chia sẻ câu truyện công việc của mình với ai và khi nào. Một khi bạn đã cứng cáp hơn, khi bạn đã cảm thấy thoải mái vì mỗi vai trò đều thể hiện một phần quan trọng trong con người bạn, và khi bạn thấy tự tin về khả năng kiểm soát các công việc đó, thì khi đó bạn có thể chia sẻ về nỗ lực làm việc của bạn cho nhiều người hơn.

Hãy tập trung vào mỗi việc bạn làm cho đến khi bạn đạt được sự tự tin, nhưng sau đó hãy rèn luyện tính gắn bó

Đảm đương nhiều công việc có thể khiến chúng ta cạn kiệt cả về tinh thần và sức lực. Vì vậy, một điều rất quan trọng cho những người đảm đương nhiều công việc là phải tìm cách quản lý nguồn năng lượng của mình. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng cách bạn thực hiện sẽ thay đổi theo thời gian. Khi bắt đầu một lĩnh vực mới, bạn nên coi mỗi công việc là một vai trò khác biệt cần được chăm chút. Hãy đặt ra ranh giới rõ ràng và đảm bảo rằng bạn đang đáp ứng kỳ vọng của từng khách hàng trong từng công việc riêng biệt, và xây dựng sự tự tin và tính chính danh cho mỗi vai trò bạn thực hiện. Bạn có thể phải tạo ra các nghi thức hoặc thói quen cụ thể để đảm bảo rằng tâm trí của bạn luôn có mặt trong mỗi công việc và không bị phân tâm bởi các công việc khác. Tuy nhiên, việc duy trì nhiều vai trò tách biệt và không có sự liên quan có thể trở thành gánh nặng trong dài hạn.

Vì vậy, một khi bạn cảm thấy đã kiểm soát được một vai trò nào đó, hãy bắt đầu tìm kiếm những điểm chung trong các công việc của bạn. Điểm chung trong các vai trò của bạn có thể là đều yêu cầu những kỹ năng giống nhau, chung một ngành, hoặc vì một mục đích nhất quán. "Tôi giúp đỡ phụ nữ", một trong số những người được phỏng vấn của chúng tôi đã nói như vậy về điểm chung trong các công việc của mình, mặc dù nó tập trung vào những khía cạnh rất khác nhau trong cuộc sống của người phụ nữ, từ sức khoẻ thể chất đến thành công trong sự nghiệp. Một người khác cho biết, "Tôi là một nhà giáo dục và là người hướng dẫn, công việc của tôi liên quan cả đến những kiến ​​thức khoa học phức tạp và việc huấn luyện phong cách sống.”

Tìm kiếm một điểm chung sẽ giúp bạn duy trì các vai trò khác nhau của mình trong một thời gian dài bằng cách giúp bạn tìm được sự hỗ trợ giữa các công việc khác nhau và cho phép bạn linh hoạt hơn giữa các vai trò của mình. Khi có điểm chung này, việc đầu tư cho một lĩnh vực không đồng nghĩa với sự giảm sút trong một lĩnh vực khác trong công việc của bạn. Thay vào đó, năng lượng mà bạn sử dụng để trau dồi kỹ năng, tạo các mối quan hệ trong ngành của bạn hoặc tìm ra những cách mới để đạt được mục đích sẽ giúp bạn tạo ra lợi ích. Nó cũng sẽ giúp bạn dễ nói chuyện hơn với …. và những người hoài nghi khác, những người không thể hiểu nổi làm thế nào mà bạn vừa có thể là một giảng viên thực sự, vừa là một luật sư, hoặc vừa là một người tổ chức tang lễ, vừa là một nhạc sĩ và chủ quán cà phê (ví dụ như vậy) . "Hãy xem từng công việc bạn làm như một mảnh ghép của một bức tranh lớn hơn", một trong số những người tham gia nghiên cứu của chúng tôi đã khuyên như vậy.

Hãy coi bản thân mình là tập hợp của nhiều vài trò (đôi khi tách biệt nhau)

Khi những người đảm nhận nhiều công việc đạt được sự thăng tiến trong công việc, họ bắt đầu nhìn nhận mình khác đi. Có nhiều thứ không chỉ là đơn thuần là công việc mà đã trở thành một phần không thể thiếu và tích cực trong họ. Một trong những người được hỏi của chúng tôi, Emilie, giải thích, "Khi tôi bắt đầu sử dụng thuật ngữ 'multipotentialite,' cũng là lúc tôi biến một kiểu hành vi bị xem thường thành một thứ gì đó mạnh mẽ hơn." Chấp nhận việc một người có thể làm nhiều việc, bất chấp sự khác biệt với các tiêu chuẩn văn hoá, là cho phép họ tự khám phá những cách nhìn nhận bản thân và sau cùng là cho phép họ tìm thấy bản chất sâu sắc hơn trong công việc của họ. Nói cách khác, sự đa diện là nguồn sức mạnh đẩy họ tiến về phía trước trên con đường sự nghiệp đa dạng của họ.

Điểm mấu chốt là, đối với những người có nhiều công việc, tìm được bản ngã của cuộc đời không có nghĩa là phải ở nguyên một chỗ dù thời gian và không gian có đổi thay. Mọi người thường cho rằng sự nhất quán là một điểm để xác định cái tôi của riêng mình. Nhưng trên thực tế, cố gắng bám víu vào cái tôi có thể trở thành một rào cản thực sự trên con đường đi tìm bản ngã. Con người chúng ta là tập hợp của nhiều thứ. Và làm nhiều công việc có thể giúp mọi người kích hoạt và khơi dậy nhiều khía cạnh trong bản chất thực sự của mình. Một trong những người tham gia trả lời, Krista, nói rằng một thay đổi quyết định trong suy nghĩ đã giúp cô hiểu rõ hơn về cuộc hành trình khám phá bản thân, ngay cả bằng cách liên tục thay đổi công việc của mình:

"[Đi tìm bản ngã] là một quá trình sôi động. Nó không giống như việc tìm tất cả các công việc phù hợp và lắp vào một "cái tôi" bất động. Bạn liên tục khiến "bản ngã" của mình trở nên thật hơn, liên tục và kiên trì thực hiện. "Bất kể bạn đang nắm giữ một hay năm vai trò khác nhau, sẽ tốt hơn nếu bạn tập trung vào hành trình tìm kiếm bản ngã của mình chứ không đơn thuần là việc tìm thấy nó.

 

Nguồn : Theo SAGA.VN
Thái Hòa

Saga App

Saga App